Các nhà thiên văn học NASA vừa công bố phát hiện về một thiên hà mờ nhạt nhất tồn tại trong vũ trụ có niên đại 400 triệu năm sau khi vũ trụ được sinh ra bởi vụ nổ Big Bang từ khoảng 13,8 tỷ năm trước. Các nhà nghiên cứu đã đặt tên cho thiên hà này là Tayna, có nghĩa là "đứa con đầu lòng" trong tiếng Aymara, một ngôn ngữ nói trong vùng Andes và Altiplano của Nam Mỹ.
Thiên hà Tayna được các nhà thiên văn phát hiện nhờ kết hợp kính viễn vọng không gian Hubble và kính thiên văn Spitzer của NASA. Trước đó, các nhà khoa học đã phát hiện ra nhiều thiên hà rõ nét hơn. Tayna thuộc nhóm các thiên hà mới hình thành nhỏ, mờ nhạt và "lẩn trốn" đã được các nhà thiên văn tìm ra. Thiên hà Tayna sẽ cung cấp cho các nhà khoa học manh mối về sự khởi đầu của vũ trụ và cấu trúc không gian cách đây hàng tỷ năm.
"Nhờ phát hiện này, nhóm nghiên cứu có thể tìm hiểu về các thiên hà mờ nhạt đầu tiên hình thành sau vụ nổ lớn Big Bang”, nhà khoa học Leopoldo Infante cho biết.
NASA cho biết thiên hà Tayna có kích thước tương tự như Đám mây Magellan Lớn (LMC) - một thiên hà vô định hình lùn trong Ngân hà. Tuy nhiên, các nhà khoa học tin rằng tốc độ của thiên hà mới này nhanh hơn 10 lần so với LMC. Đây là lẽ là điểm cốt lõi trong quá trình phát triển thành một thiên hà lớn hơn.
Theo các nhà khoa học, việc phát hiện các thiên hà mờ nhạt nhất xuất hiên hiện trong vũ trụ sơ khai cũng sẽ là một trong những nhiệm vụ chính của kính viễn vọng James Webb. Dự kiến, kính viễn vọng mới sẽ ra mắt năm 2018 và tạo ra các tiêu chuẩn mới cho độ nhạy và độ chính xác.
Nguyễn Đức