Phát huy di sản - lời giải thoát nghèo cho mảnh đất Mèo Vạc

[Ngày Nay] - Hơn 50 năm trước, một nhóm thanh niên “cảm tử” đã xung phong mở Con đường Hạnh Phúc nối Đồng Văn về Hà Giang và từ đó Mèo Vạc không còn bị coi là nơi sơn cùng thuỷ tận nữa. Đến giờ, những cung đường vắt vẻo lưng chừng núi đá đã to hơn, rộng hơn giúp cho mảnh đất Mèo Vạc dần thay đổi.
Chợ Phố Cáo.
Chợ Phố Cáo.

Tuy nhiên, Mèo Vạc vẫn có tới hơn 50% là hộ nghèo, sức phát triển chung của xã hội dường như vẫn leo lét khi phải vượt qua con đèo Mã Pí Lèng. Mèo Vạc giờ đây, đứng trước cơ hội cất cánh khi Cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu nhưng sau 3 năm, những con người nơi đây đang loay hoay giải bài toán để vừa phát triển, vừa bảo tồn di sản…

Di sản là cơ hội của Mèo Vạc

Anh Nguyễn Cao Cường, Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc trong một tâm trạng đau đáu với việc làm thế nào để giảm tỉ lệ hộ nghèo của địa phương xuống càng thấp càng tốt, chia sẻ rằng: Từ ngày mình nhận công tác ở Mèo Vạc, trong suy nghĩ luôn cho rằng nhiệm vụ lớn nhất là làm thế nào để đồng bào nơi đây thoát nghèo thật nhanh. Những năm gần đây, mỗi năm tỉ lệ hộ nghèo giảm từ 5% đến 7% nhưng hiện tại vẫn còn hơn 50% hộ dân của Mèo Vạc thuộc diện hộ nghèo. Đồng bào nơi đây vẫn khó khăn lắm, cả vùng toàn núi đá, đất ở còn thiếu nói gì đến đất canh tác nên việc thoát nghèo là một việc vô cùng gian nan…

Phát huy di sản - lời giải thoát nghèo cho mảnh đất Mèo Vạc ảnh 1

Đèo Mã Pí Lèng

Cả vùng đất nằm cheo leo trên vách núi đá, đường đi lại thì một bên vách đá thẳng đứng, một bên vực sâu thăm thẳm khiến cho nhịp sống nơi đây vô cùng chật vật. Huyện Mèo Vạc bao nhiêu năm nay việc phát triển kinh tế không xác định được rõ điểm mũi nhọn. Trực tiếp làm việc và thấu hiểu được mảnh đất Mèo Vạc, anh Nguyễn Cao Cường cho biết: Mèo Vạc trước đây lấy nông nghiệp làm mũi nhọn trong phát triển kinh tế - xã hội nhưng thực tế thì mảnh đất này chỉ toàn đá và đá, đất đai ít lắm, đất ở còn thiếu nói gì đến đất canh tác. Đồng bào đã quen với sự khắc nghiệt này nên vẫn bám vào đá để mà sống.

Nhiều báo nói lãnh đạo huyện và tỉnh tiếp tay nhưng thực chất là không có. Dù cũng đã có sai phạm, thực tế là mình xác định khắc phục sai sót…”Anh Nguyễn Cao Cường

Và rồi, khi mà Cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO công nhận, một luồng sinh khí mới đã đến với mảnh đất Mèo Vạc. Tỉnh Hà Giang đã xác định rất rõ về việc lấy du lịch làm mũi nhọn cho việc phát triển kinh tế của Mèo Vạc và có những chiến lược hết sức cụ thể về việc này. Bản thân anh Cường cũng cảm nhận được sâu sắc sự thay đổi, khi mà vùng đất chỉ có vách đá và vực sâu nay đã trở thành một điểm đến của du khách trong và ngoài nước. Số du khách tìm đến Mèo Vạc tăng theo từng năm, như năm 2018 ước chừng khoảng 3 vạn lượt, dù là con số khiêm tốn nhưng nó cũng đã mang tới những sự thay đổi rõ rệt cho mảnh đất này.

Phát huy di sản - lời giải thoát nghèo cho mảnh đất Mèo Vạc ảnh 2

Dốc Thẩm Mã.

Để đồng bào Mèo Vạc thoát nghèo, tỉnh Hà Giang và chính quyền huyện đã có những chính sách rất ưu đãi trong việc khuyến khích đầu tư, thay đổi tập tính làm ăn, chỉ cần bà con quyết tâm là sẽ được hỗ trợ hết sức. Đơn cử như mỗi hộ gia đình mà mở dịch vụ homestay sẽ được tỉnh Hà Giang hỗ trợ cho vay vốn không lãi trong 5 năm, đồng thời hỗ trợ 60 triệu đồng để phục vụ việc xây dựng, cải tạo. Bên cạnh đó, những hộ mở dịch vụ này cũng sẽ được hướng dẫn từ việc xây dựng, tổ chức quản lý, thậm chí là dạy cả nấu ăn để làm sao có được những dịch vụ tốt nhất phục vụ du khách…

Để phát huy được hết những tiềm năng và tận dụng được cơ hội phát triển thoát nghèo, UBND huyện Mèo Vạc đã có nhiều chính sách kêu gọi đầu tư về địa phương.

Phát huy di sản - lời giải thoát nghèo cho mảnh đất Mèo Vạc ảnh 3

“Nhưng rồi, hơn chục đoàn đến rồi mà chả đoàn nào quay lại cả, dường như ai cũng ái ngại mảnh đất xa xôi này… Cho đến nay mới chỉ có một doanh nghiệp được tỉnh Hà Giang chấp thuận cho đầu tư nhưng ở thời điểm hiện tại vẫn chưa thấy triển khai gì…”.

Vẫn theo Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc, “doanh nghiệp tại địa phương thì không có nội lực, doanh nghiệp ở nơi khác tới thì họ ngại vấn đề giao thông cách trở nên cứ đến rồi đi nên cho đến nay Mèo Vạc vẫn chưa thực sự có một dự án nào có quy mô cả… Muốn phát triển được du lịch thì phải có hạ tầng, chưa có nhà đầu tư nhưng huyện với sự quan tâm đặc biệt của tỉnh cũng đã lập ra những quy hoạch cụ thể về việc phát triển du lịch đi kèm với văn hoá bản địa, đồng thời bảo tồn di sản…”.

Kêu gọi đầu tư khó khăn nên bất cứ ai có đề xuất là đều được huyện tiếp nhận và xem xét kỹ lưỡng. Và có lẽ, cũng xuất phát từ việc muốn có những hạ tầng tốt cho địa phương mà việc UBND huyện mời chủ đầu tư căn nhà 7 tầng ở đỉnh đèo Mã Pí Lèng vào xây dựng như một cách để phục vụ cho những du khách bước chân tới đây…

Phát huy di sản - lời giải thoát nghèo cho mảnh đất Mèo Vạc ảnh 4

Chia sẻ về việc này, anh Nguyễn Cao Cường cho biết: “Huyện rất quyết liệt vận động bà con tuân thủ nghiêm túc quy định xây dựng, không lấn chiếm hành lang đường bộ. Về Hotel Panorama, địa điểm đó trước đây là một mỏm đá, chính chuyên gia UNESCO Guy Martini tư vấn chỗ đó nên xây dựng một điểm dừng chân ngắm cảnh, chính vì vậy để chuẩn bị cho công tác tái đánh giá và theo tinh thần xã hội hóa, huyện cũng đã để làm theo tư vấn của chuyên gia; tuy nhiên phải làm theo đúng quy trình thủ tục của nhà nước, trong quá trình làm lại xảy ra thiếu sót, huyện đã lập biên bản xử lý tuy nhiên trong quá trình làm lại vướng phải tiến độ tái đánh giá. Nhiều báo nói lãnh đạo huyện và tỉnh tiếp tay nhưng thực chất là không có. Dù cũng đã có sai phạm, thực tế là mình xác định khắc phục sai sót…”.

Cần lắm một quy hoạch tổng thể

Câu chuyện xảy ra với điểm dừng chân Mã Pí Lèng Panorama như một nét buồn trên bức tranh hùng vỹ của mảnh đất Cao nguyên đá nhưng nó cũng là một hồi chuông gióng lên về việc nơi đây đang thiếu đi một quy hoạch tổng thể về việc phát triển đi đôi với gìn giữ di sản.

Phát huy di sản - lời giải thoát nghèo cho mảnh đất Mèo Vạc ảnh 5

Cao Nguyên đá Đồng Văn

Dù xác định di sản sẽ là đòn bẩy cho việc phát triển nhưng chính quyền huyện Mèo Vạc cho đến bây giờ vẫn chưa thể xác định được việc làm thế nào có thể phát huy tối đa được giá trị của di sản. Đơn cử như việc xây trạm dừng nghỉ cho du khách dừng lại ngắm cảnh đèo Mã Pí Lèng; dù được chuyên gia UNESCO tư vấn từng điểm phù hợp xây trạm dừng nghỉ nhưng việc xây như thế nào, quy mô ra sao thì không có bất cứ quy định cụ thể nào. Về việc này anh Nguyễn Cao Cường cho biết: Xây trạm dừng nghỉ chỉ là một trong những vấn đề nhỏ trong quản lý, phát triển, gìn giữ di sản. Việc xây trạm dừng nghỉ là vấn đề cấp thiết, trên đèo Mã Pí Lèng có khi cần nhiều trạm dừng nghỉ nữa vì nếu không có trạm, du khách đứng ở vệ đường ngắm cảnh vừa nguy hiểm lại gây ách tắc giao thông, đã không ít lần chính tôi phải điều động anh em CSGT đến đèo để phân luồng tránh ách tắc…

Phát huy di sản - lời giải thoát nghèo cho mảnh đất Mèo Vạc ảnh 6

Hostel - Restaurant - Coffee Panorama được xây 7 tầng trên nền đất nông nghiệp.

Rõ ràng, câu chuyện Cao nguyên đá Đồng Văn đang thiếu đi một sự nhất quán trong việc quản lý, phát huy đã khiến cho cơ quan quản lý, chính quyền sở tại ở đây gặp nhiều bối rối. Ông Lâm Tiến Mạnh, Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang kiêm Phó Ban phụ trách Ban quản lý Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn cho biết: Việc xảy ra tại Mã Pí Lèng Panorama, phía Ban quản lý đã nhiều lần có văn bản báo cáo tỉnh, đồng thời thông báo cho phía chính quyền huyện để có hướng xử lý chứ không phải là không biết.

Trong văn bản số 538/SVHTTDL-QLDSVH của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang ban hành vào ngày 15/5/2018 nêu, theo sự phân công trong Kế hoạch số 106/KH-UBND ngày 30/3/2018 của UBND tỉnh về kế hoạch chi tiết triển khai nhiệm vụ phục vụ tái đánh giá Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn thì một số nhiệm vụ vẫn chậm, được các huyện triển khai khi chưa có sự thống nhất của các ngành chuyên môn của tỉnh, chưa đúng với ý kiến tư vấn của chuyên gia mạng lưới công viên địa chất toàn cầu và chỉ đạo của UBND tỉnh. Cụ thể, việc mở mới bãi đỗ xe là cần thiết kế tiết kiệm, sử dụng vật liệu thân thiện môi trường, tận dụng nguyên vật liệu truyền thống của địa phương và phải được các ngành chuyên môn của tỉnh tư vấn…

Trong văn bản này cũng nêu rõ, đối với việc xây dựng các bãi đỗ xe theo hình thức xã hội hoá thì phía các UBND huyện phải tuân thủ các quy định của pháp luật liên quan và ý kiến tư vấn của chuyên gia mạng lưới công viên địa chất toàn cầu. Đồng thời phải có hồ sơ thiết kế và xin ý kiến tư vấn của các nghành chuyên môn trong tỉnh…

Có thể thấy, việc phối hợp thực hiện và triển khai thì ở từng huyện lại mang đến những kết quả khác nhau… Chính vì điều này mà ông Lâm Tiến Mạnh thấy rằng, để có thể phát huy được tiềm năng của di sản Cao nguyên đá thì cần có một giải pháp cụ thể, đó chính là sự định hướng có tầm nhìn lâu dài, sự quy hoạch chi tiết và sự phối hợp chặt chẽ của các ngành chức năng của tỉnh và các huyện nằm trong địa bàn di sản…

Quan điểm của ông Mạnh cũng cho rằng, việc phát huy di sản sẽ đi kèm với nhiều hệ luỵ nhưng nếu như có những quy định đồng bộ thì chắc chắn sẽ không có những chuyện đáng tiếc xảy ra. Còn việc xử lý những sai phạm xảy ra tại di sản như thế nào thì ông Mạnh cho hay, phía Sở và Ban quản lý sẽ thường xuyên tham mưu cho tỉnh, thông báo cho các huyện để kịp thời xử lý.

Chia sẻ về suy nghĩ của mình trong việc quản lý, phát huy và gìn giữ di sản Cao nguyên đá Đồng Văn, ông Mạnh cho biết: Chức năng và quyền hạn của Ban quản lý đến đâu chúng tôi sẽ thực hiện đến đó chứ không thể làm quá được. Điều cần thiết là sự phối hợp tổng thể giữa các ngành, các cấp chính quyền và một chiến lược dài lâu cho di sản...

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Thủ tướng tới Vân Nam, bắt đầu chuyến công tác tại Trung Quốc
(Ngày Nay) - Sáng 5/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 5 đến ngày 8/11/2024.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.