Em Nguyễn Hoàng Phi Long bên sáng kiến "biến nước biển thành nước ngọt". |
Đề tài đã đoạt giải 3 cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật dành cho thanh, thiếu niên, nhi đồng của tỉnh. Hai em Nguyễn Hoàng Phi Long và Hồ Văn Anh Kim là học sinh lớp 8/1 và lớp 9/1 Trường THCS Điền Hòa, xã Phong Hòa, H.Phong Điền, Thừa Thiên - Huế.
Sinh ra tại một làng quê ven biển, vốn rất khan hiếm nước ngọt, có lẽ hình ảnh đôi quang gánh của mẹ gánh nước ngọt cứ đi về trong ký ức của mỗi em. Để không còn cảnh chắt chiu từng thau nước trên những trảng cát rát bỏng chân người, những học sinh nhỏ tuổi đã vận dụng kiến thức được học để suy nghĩ, sáng tạo.
Thêm vào đó, hình ảnh những cán bộ chiến sĩ trên các tàu cảnh sát biển và kiểm ngư phải tiết kiệm từng giọt nước ngọt để sử dụng cho những chuyến công tác dài càng khiến các em quyết tâm phải sáng tạo bằng được thiết bị lọc nước biển thành nước ngọt.
“Em đã ấp ủ ý tưởng này từ lâu vì từ nhỏ đến lớn ở vùng đất Điền Hòa quê em luôn phải đối diện với tình trạng thiếu nước ngọt, người ta quý nước ngọt như lúa gạo. Nước giếng khoan thì cũng bị nhiễm phèn. Khi em nói ý tưởng này ra thì rất vui khi được bạn Anh Kim hưởng ứng và cùng chung một ý nghĩ như em nên hai đứa bắt tay vào làm", Long tâm sự.
Sau giờ học, hai cậu học trò đã tìm tài liệu, lên mạng tham khảo, nghiên cứu nguyên lý và các phương pháp tách nước biển thành nước ngọt. Sau khi tìm ra cách lọc nước biển thành nước ngọt phù hợp, hai cậu học trò đã mày mò vẽ thiết kế. Bản thiết kế sơ lược đã được hai em đưa đến nhà thầy Nguyễn Văn Tám (thầy giáo vật lý của các em tại Trường THCS Điền Hòa) để nhờ tư vấn, góp ý. Thấy ý tưởng của hai em có tính khả thi cao, lại có ý nghĩa thiết thực, nên thầy Tám đã nhiệt tình hỗ trợ, giúp đỡ cả hai hoàn thành ý tưởng sáng tạo.
Dưới sự chỉ dẫn tận tình của thầy Tám, hai em Long và Kim bắt tay vào làm thiết bị lọc nước biển với 500 nghìn đồng từ tiền dành dụm của những bữa sáng.
Ba thầy trò lặn lội chở nhau lên phố mua sắm vật liệu, tận dụng những vật dụng có sẵn trong gia đình, bắt tay chế tạo thiết bị lọc nước biển thành nước ngọt. Sau nhiều lần chỉnh sửa, cuối cùng bộ thiết bị lọc nước biển thành nước ngọt cũng hoàn thành. Ba thầy trò dắt nhau ra biển, đặt máy dưới ánh nắng mặt trời và lấy nước biển đổ vào. Sau khoảng 1 tiếng đồng hồ chờ đợi, những giọt nước ngọt đầu tiên đã được tách lọc thành công. Ba thầy trò vui mừng, ôm chầm lấy nhau sung sướng.
Em Long đang say sưa thuyết trình về sáng chế của mình. |
Nói về sáng kiến của mình, Long cho biết: Thiết bị của em gồm một gương cầu có bề mặt lõm, phản xạ được phần lớn ánh sáng chiếu tới và gắn cố định trên giá đỡ. Một bình dẫn chất lỏng dẫn nhiệt tốt.
Trên thành bình có 3 ống dẫn: ống dẫn 1(nước biển), ống dẫn 2 (nước ngọt sau khi lọc), ống dẫn 3 (phần nước mặn còn lại cho ra ngoài xử lý). Bình đựng đặt trước gương ở một vị trí thích hợp, sao cho khi ánh sáng mặt trời phản xạ, bình đựng có thể hấp thụ đủ năng lương nhiệt làm nóng nước. Gương cầu lõm và hệ thống được gắn cố định trên giá đỡ. Thời gian lắp đặt sản phẩm trong vòng một tuần.
Nguyên lý hoạt động của thiết bị này là sử dụng gương cầu lõm để tập trung năng lượng nhiệt từ mặt trời, đun nóng nước làm bay hơi và ngưng tụ. Thành phần nước sau khi lọc ta có thể dùng hệ thống làm sạch nước để tiêu thụ.
Được biết, nếu cho 1m3 nước biển vào bình chứa kích thước 1,2m2 thì sau 8 giờ thiết bị hoạt động, sẽ thu được trên 0,95m3 nước ngọt.
Theo thầy Tám, mô hình này tuy không mới nhưng có khả năng ứng dụng vào thực tế rất cao. Có thể cung cấp nước ngọt cho các lực lượng chức năng trên biển, ngư dân trong các chuyến đánh bắt dài ngày hay các hộ dân sống trên các đảo, ven biển thiếu nước sinh hoạt.
Với tính thiết thực của đề tài “Thiết bị lọc nước biển thành nước ngọt bằng năng lượng mặt trời" đã đạt giải 3 trong cuộc thi Sáng tạo Khoa học - Kỹ thuật dành cho thanh - thiếu niên và nhi đồng Thừa Thiên Huế lần thứ VII – năm 2014.
Đây là mô hình được ban tổ chức đánh giá cao về tính ứng dụng và là một trong những mô hình được ban tổ chức chọn để dự thi trong cuộc thi toàn quốc diễn ra tại Hà Nội sắp tới.