“Điểm xanh” trên bản đồ du lịch Việt Nam
Nằm ở thành phố Ninh Bình, Việt Nam, Quần thể danh thắng Tràng An là một vùng du lịch tổng hợp gồm các Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới, được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới kép năm 2014. Quần thể danh thắng Tràng An có diện tích tự nhiên 12.252 ha, trong đó vùng lõi Di sản Thế giới Tràng An rộng khoảng 6.226 ha, nằm trên địa bàn 12 xã thuộc 5 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Ninh Bình. Quần thể danh thắng Tràng An chính là địa điểm du lịch nổi tiếng nhất của Ninh Bình hiện nay.
Quần thể danh thắng Tràng An gồm 3 khu vực bảo tồn chính là: Di tích Quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư; Di tích Quốc gia đặc biệt Danh thắng Tràng An – Tam Cốc – Bích Động và Khu rừng đặc dụng Hoa Lư. Qua thời gian dài phong hóa bởi sự biến đổi của trái đất, khí hậu, biển tiến, biển thoái, Quần thể danh thắng Tràng An đã mang trong mình hàng trăm thung lũng, hang động, hồ đầm.
Cùng với lịch sử hình thành của thiên nhiên, Tràng An còn được biết đến như “cái nôi” tiến hóa của người Tràng An cổ. Các đợt khai quật khảo cổ học gợi ý rằng cộng đồng cư dân tiền sử đã định cư trong các hang động, mái đá ở vùng lõi Tràng An từ hàng vạn năm trước. Họ là những người tiếp cận và khai thác biển đầu tiên ở Việt Nam, sáng tạo ra tổ hợp công cụ lao động bằng đá vôi, duy trì kỹ nghệ ghè đẽo, làm đồ gốm và trồng trọt trong thung lũng đầm lầy... Đó là nét độc đáo làm nên giá trị văn hóa nổi bật toàn cầu của di sản này. Ngoài ra, Tràng An còn gắn liền với các di tích như: Cố đô Hoa Lư, chùa Bái Đính, đền Trần, phủ Khống, hành cung Vũ Lâm, đền Cao Sơn... để tạo thành những hành trình tham quan hấp dẫn cho du khách.
Nhờ có những chính sách phù hợp, cộng với việc thực hiện nghiêm Luật Di sản, kiên trì thực hiện Công ước Bảo vệ Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới (Công ước 1972); kết hợp xây dựng các chương trình, đề án phát triển du lịch bền vững, lấy doanh nghiệp và người dân làm trung tâm, làm chủ thể của di sản nên nhiều năm qua, Tràng An luôn là điểm đến được nhiều người ưa thích, nhất là du khách nước ngoài và ngày càng khẳng định được vị thế của mình trên bản đồ du lịch của Việt Nam và Thế giới.
Từ tháng 1 đến tháng 3 là thời điểm lí tưởng nhất để du lịch Tràng An vì lúc này Tràng An đã vào xuân, thời tiết mát mẻ, cây cối xanh tươi, thích hợp để ngắm cảnh thiên nhiên hùng vĩ nơi đây. Thời điểm này cũng là lúc Tràng An có nhiều lễ hội, được chú ý nhiều nhất là lễ hội cầu bình an ở chùa Bái Đính. Ngoài tháng 1 – 3 âm lịch, nhiều du khách lựa chọn đến Tràng An vào tháng 6 vì đây là mùa lúa chín và Tràng An phủ lên mình sắc vàng rực rỡ, thu hút.
Cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ và hoang sơ tại Quần thể danh thắng Tràng An – Ninh Bình |
Thành công với mô hình "hợp tác công - tư"
Tỉnh Ninh Bình đã có nhiều chương trình, kế hoạch, chiến lược nhằm bảo tồn, phát huy giá trị Di sản Thế giới gắn với phát triển du lịch. Để đảm bảo mục tiêu phát huy giá trị di sản kết hợp với bảo vệ tài nguyên, môi trường, cảnh quan và bảo tồn di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, đảm bảo tính toàn vẹn, xác thực của di sản, UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành Quy chế quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới Quần thể danh thắng Tràng An. Trong đó, tỉnh đã phối hợp với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thực hiện các dự án nghiên cứu khoa học, các dự án tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, đầu tư cơ sở vật chất phục vụ cho công tác bảo tồn di sản và phát triển du lịch.
Thành công với mô hình "hợp tác công - tư" trong quản lý bảo tồn di sản, gắn với phát triển du lịch bền vững ở Ninh Bình cũng góp phần làm giảm tải gánh nặng ngân sách cho Nhà nước và giải quyết việc quản lý, khai thác kém hiệu quả Di sản. Sự tham gia của doanh nghiệp trong quản lý Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An đã giúp Ninh Bình trở thành một trong những địa phương có tốc độ phục hồi và tăng trưởng du lịch nhanh sau đại dịch COVID-19.
Hiện, Quần thể danh thắng Tràng An được bảo tồn nguyên vẹn các giá trị tiêu biểu về địa chất, địa mạo, văn hóa và được quảng bá rộng khắp đến bạn bè trong nước và quốc tế. Ngoài ra, tỉnh cũng tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư, bảo vệ, khai thác hiệu quả giá trị của Di sản Tràng An nói riêng, danh thắng tại Ninh Bình nói chung với cam kết, mục tiêu cao nhất là quản lý, bảo tồn và giữ gìn các giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản để trao truyền lại cho các thế hệ mai sau.