3 trận toàn thua
Không như các “bạn đồng hành” ở khu vực Đông Nam Á, đến với vòng chung kết U.19 châu Á 2018 trên đất Indonesia, U.19 Việt Nam đã được đối thủ nhìn với ánh mắt khác, hết sức chú ý và dành sự tôn trọng cao. Trong khi với người hâm mộ nhà, thầy trò Hoàng Anh Tuấn đã được đặt kỳ vọng nhiều. Cũng dễ hiểu, bởi ở sân chơi này 2 năm trước, U.19 Việt Nam đã vượt qua hàng loạt đối thủ tên tuổi để đi đến vòng 4 đội mạnh nhất châu lục, qua đó giành vé tham dự vòng chung kết U.10 World Cup.
Nhưng câu chuyện đẹp ấy đã không được thầy trò Hoàng Anh Tuấn viết lại như cách đây 2 năm ở Bahrain. Ngược lại, ông Tuấn và học trò nhanh chóng rời cuộc chơi với 3 thất bại “lấm lưng trắng bụng” liên tiếp, qua đó tạo nên một sự thất vọng nặng nề với giới chuyên môn cùng người hâm mộ. Chịu áp lực lớn và gục ngã trước áp lực hẳn nhiên là điều không thể chối cãi với đoàn quân của Hoàng Anh Tuấn trong những trận đấu vừa qua ở Indonesia.
Dù rất buồn, thất vọng, nuối tiếc, và thầy trò chúng tôi đã làm hết mình song phải thừa nhận thẳng thắn về một sự lực bất tòng tâm. Chúng ta dự World Cup U.20 không phải là trình độ đã đạt tầm thế giới, hay đội U.23 giành ngôi Á quân châu Á, là mình đã tiệm cận trình độ hàng đầu châu lục. Điều cơ bản với bóng đá trẻ, là tùy thuộc vào chất lượng cầu thủ, mỗi lứa mỗi khác, nhất là với một nền bóng đá còn nhiều khó khăn như Việt Nam. Với lứa cầu thủ này, chúng ta chỉ có thế, không thể hơn được nữa. Thời gian qua, chúng ta đã có nhiều lò đào tạo trẻ ra đời, tạo nên những sản phẩm tốt. Trình độ cầu thủ trẻ chúng ta không đến nỗi thiếu hụt, song khai phá ,phát triển cho họ theo đúng phương thức mới đúng. Trong đó, theo tôi, ngoài việc được phát hiện đào tạo một cách bài bản, các cầu thủ trẻ phải được thi đấu rèn giũa với các đấu trường, môi trường, đối thủ nhiều hơn nữa, ở mức tối đa có thể”
Song, sâu xa hơn, thất bại lần này của U.19 Việt Nam là điều đã nhìn thấy trước. Bởi ngoài việc trụ cột như Văn Xuân, Việt Anh, Xuân Tú, Văn Công bận làm nhiệm vụ ở CLB nên chỉ có mặt trên đất Indonesia vài ngày trước giờ bóng lăn, đến với vòng chung kết U.19 châu Á lần này, trong tay chiến lược gia người Khánh Hòa là một tập thể thường thường bậc trung. Quân không tinh, áp lực đè nặng, sự chuẩn bị không thuận lợi... là những nguyên nhân nhìn thấy rõ, khiến cho U.19 Việt Nam nhận thất bại cay đắng ở giải đấu trên đất Indonesia.
Nghi vấn có thiên vị
Bên cạnh lý do áp lực bởi thành tích trước đó, lực lượng không tinh nhuệ và công tác chuẩn bị gặp trục trặc vì các yếu tố khách quan, có ý kiến cho rằng thất bại của U.19 Việt Nam lần này còn đến từ công tác tuyển chọn nhân sự có vấn đề. Cụ thể ở đây là HLV Hoàng Anh Tuấn cùng ban huấn luyện đã bỏ sót nhân tài, đặc biệt, sâu xa hơn nữa là có sự thiên lệch trong việc chọn quân lên tuyển.
Sau thất bại 1-2 trước U.19 Australia, trên mạng xã hội xuất hiện những chỉ trích rằng HLV Hoàng Anh Tuấn đã ưu ái, thiên vị cầu thủ của các lò đào tạo có tiếng trong nước như Hà Nội FC, Viettel, PVF hay Hoàng Anh Gia Lai mà lãng phí tài năng. Nhất là lứa cầu thủ U.19 đến từ CLB Đồng Tháp - nhà vô địch Giải U.19 Quốc gia 2018 nhưng không có bất kỳ gương mặt nào được lựa chọn sang Indonesia đá giải châu lục. Chưa kể nhiều học viện bóng đá tên tuổi khác cũng đóng góp quân số dày đặc, trong khi đại miền Tây chẳng có cầu thủ nào?
Thực tế, chuẩn bị cho vòng chung kết U.19 châu Á ở Indonesia, trong số 30 gương mặt mà HLV Hoàng Anh Tuấn triệu tập từ đầu, Đồng Tháp có sự đóng góp 2 cầu thủ, đó là trung vệ Hoàng Duy và tiền vệ Trần Công Minh. Tuy nhiên, trong quá trình tập huấn trong nước, do ảnh hưởng bởi chấn thương gãy xương đòn trước đó nên Công Minh đã không thể cạnh tranh nổi với các đồng đội, qua đó nói lời tạm biệt trước khi U.19 Việt Nam có chuyến tập huấn tại Hàn Quốc. Trong khi với trung vệ Hoàng Duy, anh là một trong 2 cầu thủ bị loại cuối cùng sau khi U.19 Việt Nam giành chiến thắng 1-0 trong trận đá tập với U.19 Trung Quốc trên đất Indonesia.
Thất bại… đúng lúc và cần thiết
Thất bại thì cũng thất bại rồi, quan trọng là sau thất bại này BHL và các cầu thủ đã rút tỉa được gì những bài học cho mình, qua đó để hướng đến tương lai tốt hơn. Và có thể thấy thất bại lần này của thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn là thất bại đúng lúc, giúp cho những người làm bóng đá nước nhà rút ra những bài học kinh nghiệm quý giá cho tương lai.
Hai năm trước, chính HLV Hoàng Anh Tuấn là nạn nhân của hàng ngàn chỉ trích khi U19 Việt Nam chơi không tốt tại Giải U19 Đông Nam Á 2016. Việc chỉ xếp hạng 4 đã khiến nhà cầm quân người Khánh Hòa bị chế giễu, thậm chí đòi VFF sa thải. Tuy nhiên, chỉ hơn 1 tháng sau, lứa Quang Hải, Đức Chinh, Tiến Dũng, Trần Thành, Văn Hậu... đã tạo nên cột mốc lịch sử cho bóng đá nước nhà khi vào bán kết giải U19 châu Á, giành luôn suất dự VCK World Cup U20 2017 tại Hàn Quốc.
Giờ đây, với một lứa cầu thủ mới, U.19 của Hoàng Anh Tuấn lại trở thành đối tượng chính của hàng loạt những chỉ trích sau thất bại khi không tái lập được kỳ tích của các đàn anh. Thất bại, hẳn nhiên là thất vọng, thậm chí là cay đắng. Song, như thế không có nghĩa chúng ta không thu lượm được những điều tích cực và bổ ích sau giải đấu vừa rồi. Thậm chí là cực kỳ quý giá cho cả nền bóng đá.
Bóng đá trẻ Việt Nam có những bước tiến vượt bậc, rõ nhất qua kỳ tích liên tiếp ở giải U.19 châu Á 2017, giải U.23 châu Á và Olympic 2018. Tuy nhiên, suy cho cùng, chúng ta chưa đạt tới đẳng cấp ổn định ở nhóm hàng đầu châu lục, chưa đủ điều kiện và trình độ để có thể luôn tạo ra các lứa cầu thủ trẻ tài năng, đủ khả năng tranh chấp sòng phẳng tại tất cả các giải đấu trẻ châu lục. Nếu nhìn từ góc độ ấy, thất bại của U.19 tại VCK châu lục phần nào đó lại… đúng lúc và cần thiết. Một kết quả đáng giật mình, một cú ngã để những người làm bóng đá Việt có vẻ như đang trong tâm thế “ lơ lửng” với một số thành quả ngoạn mục tại các đấu trường trẻ châu Á hiểu rằng mình đang ở đâu và phải làm gì.