Phiên họp thứ 46, Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Thu hút nguồn nhân lực chất lực cao

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) tập trung các nội dung nhằm thu hút nguồn nhân lực chất lượng và chính sách với người có tài năng trong hoạt động công vụ.
Phiên họp thứ 46, Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Thu hút nguồn nhân lực chất lực cao

Chiều 3/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi).

Thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào khu vực công

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, sau khi tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Chính phủ hoàn thiện dự thảo luật gồm 7 chương, 45 điều (giảm 8 điều so với dự thảo luật đã trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp 9).

Trong đó, dự thảo luật đã hoàn thiện, chỉnh lý quy định về nguyên tắc trong thi hành công vụ và nguyên tắc quản lý cán bộ, công chức để thực hiện chuyển đổi phương thức quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm, lấy vị trí việc làm làm trung tâm, là căn cứ để thực hiện tuyển dụng, bố trí, sử dụng, đánh giá, đào tạo, quy hoạch, bổ nhiệm.

Dự thảo luật cũng hoàn thiện cơ chế thu hút nguồn nhân lực chất lượng và chính sách với người có tài năng trong hoạt động công vụ. Theo đó, quy định chính sách với 2 nhóm đối tượng, gồm: nhóm đối tượng thu hút vào khu vực công áp dụng với nguồn nhân lực chất lượng cao (chuyên gia, nhà khoa học, luật gia, luật sư giỏi, doanh nhân tiêu biểu, xuất sắc, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc và nguồn nhân lực chất lượng cao khác); nhóm đối tượng là người có tài năng trong hoạt động công vụ (những cán bộ, công chức có năng lực vượt trội, có tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, có thành tích nổi trội trong hoạt động công vụ thể hiện bằng sản phẩm, kết quả cụ thể).

Dự thảo luật giao Chính phủ quy định khung cơ chế, chính sách thu hút, trọng dụng và đãi ngộ với các đối tượng trên.

Ba hình thức thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao ngoài khu vực công cũng được quy định trong dự thảo luật. Theo Bộ trưởng Nội vụ, một trong những điểm mới là dự thảo luật bổ sung quy định cho phép ký hợp đồng với doanh nhân tiêu biểu, xuất sắc, chuyên gia, nhà khoa học, luật gia, luật sư giỏi để thực hiện nhiệm vụ của vị trí việc làm công chức lãnh đạo, quản lý.

Tán thành với đề xuất của Chính phủ về việc bổ sung trường hợp cho phép “ký hợp đồng đối với doanh nhân tiêu biểu, xuất sắc, chuyên gia, nhà khoa học, luật gia, luật sư giỏi để thực hiện nhiệm vụ của vị trí việc làm công chức lãnh đạo, quản lý,” Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cho rằng, quy định này để kịp thời thể chế hóa Nghị quyết số 66-NQ/TW và Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị. Tuy nhiên, hiện nay người được bổ nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý phải đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật và quy định của Đảng như về chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật... Vì vậy, có ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cho rằng, cần kiến nghị cơ quan có thẩm quyền của Đảng điều chỉnh các quy định có liên quan đến tiêu chuẩn bổ nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý để bảo đảm triển khai quy định nêu trên của dự thảo Luật.

Chậm nhất đến 1/7/2027, hoàn thành bố trí công chức đúng vị trí việc làm

Theo Tờ trình của Chính phủ, hiện các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã hoàn thành việc xây dựng, phê duyệt vị trí việc làm, trong đó đã bao hàm nội dung về tiêu chuẩn ngạch công chức tương ứng. Khi luật có hiệu lực thi hành (dự kiến từ ngày 1/7/2025), người được tuyển dụng mới vào làm công chức sẽ được bố trí vào vị trí việc làm và xếp ngạch công chức tương ứng.

“Tuy nhiên, với trường hợp công chức đang trong hệ thống chính trị đã được bổ nhiệm, xếp lương theo ngạch công chức, khi chuyển sang thực hiện quản lý công chức theo vị trí việc làm thì cần có thời gian để các cơ quan, tổ chức, đơn vị tiến hành tổng rà soát, bố trí công chức theo đúng vị trí việc làm tương ứng với ngạch công chức được bổ nhiệm,” Bộ trưởng Nội vụ cho hay.

Vì vậy, Chính phủ đề xuất bổ sung quy định “chậm nhất đến ngày 1/7/2027, các bộ, ngành, cơ quan trung ương, địa phương phải hoàn thành việc bố trí vào vị trí việc làm và xếp ngạch tương ứng với vị trí việc làm đối với công chức được tuyển dụng trước ngày luật này có hiệu lực thuộc phạm vi quản lý theo quy định của luật này.”

Thẩm tra nội dung này, Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp tán thành với việc chuyển tiếp thực hiện quản lý công chức theo vị trí việc làm; đồng thời, đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo sớm ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành về nội dung này để các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương có cơ sở triển khai thực hiện, bảo đảm tiến độ hoàn thành.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với các đề xuất của Chính phủ; đề nghị Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp, Bộ Nội vụ tiếp tục giúp Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội rà soát, bảo đảm kỹ thuật lập pháp và tính đồng bộ hệ thống pháp luật. Chính phủ khẩn trương hoàn thiện dự thảo Luật để chuẩn bị trình Quốc hội thông qua.

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng.
Việt Nam trở thành nước đối tác của nhóm BRICS
(Ngày Nay) - Việt Nam trở thành nước Đối tác Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) với mong muốn nỗ lực đóng góp, nâng cao tiếng nói và vai trò của các nước đang phát triển, thúc đẩy đoàn kết quốc tế, chủ nghĩa đa phương bao trùm, toàn diện trên tinh thần tôn trọng luật pháp quốc tế.
Ảnh minh hoạ.
"Kiềng ba chân" trong phát triển nhân lực chất lượng cao
(Ngày Nay) - "Giáo dục-khoa học công nghệ-đổi mới sáng tạo là ba trụ cột cần đột phá để phát triển nhanh và bền vững đất nước", Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh tại Hội nghị triển khai các đề án lớn trong lĩnh vực giáo dục đại học ngày 14/6 tại Hà Nội.
Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Phe bảo thủ đòi ông Trump "bỏ mặc" Israel
(Ngày Nay) - Những nhân vật cánh hữu chủ chốt, bao gồm một số đồng minh của Tổng thống Trump, đặt câu hỏi về các cuộc không kích của Israel và cảnh báo về một cuộc chiến tranh của Mỹ với Iran.
Xung đột Iran - Israel đe dọa nền kinh tế toàn cầu
Xung đột Iran - Israel đe dọa nền kinh tế toàn cầu
(Ngày Nay) - Căng thẳng leo thang tại Trung Đông đe dọa cắt đứt nguồn cung dầu và khí đốt, đẩy giá vận chuyển, hàng hóa, năng lượng lên cao, khiến thế giới đối mặt rủi ro suy thoái diện rộng.
Những mốc thời gian quan trọng tại Kết luận 167-KL/TW
Những mốc thời gian quan trọng tại Kết luận 167-KL/TW
(Ngày Nay) - Thay mặt Bộ Chính trị, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư ký ban hành Kết luận số 167-KL/TW của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về chủ trương thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính.