Tuy nhiên, ông Marcos cũng nói với báo giới rằng ông sẽ thận trọng trong việc theo đuổi một hiệp ước tiềm năng với chính quyền Tokyo "vì chúng tôi không muốn tỏ ra khiêu khích".
Chuyến thăm đầu tiên của ông Marcos tới Nhật Bản kể từ khi nhậm chức diễn ra sau khi nhà lãnh đạo này cho phép Mỹ tiếp cận các căn cứ quân sự bổ sung ở Philippines theo thỏa thuận VFA, một động thái mà Trung Quốc cho là làm suy yếu sự ổn định khu vực và làm gia tăng căng thẳng. VFA đưa ra các quy định về việc luân chuyển hàng nghìn lính Mỹ vào và ra khỏi Philippines để tập trận.
"Nếu điều này giúp ích cho Philippines trong việc bảo vệ, chẳng hạn như ngư dân của chúng tôi, bảo vệ lãnh thổ hàng hải của chúng tôi... Tôi không hiểu tại sao chúng tôi không áp dụng VFA", ông Marcos trả lời báo giới trước khi lên đường trở về Philippines.
Trong chuyến đi 5 ngày tới Nhật Bản, ông Marcos nỗ lực củng cố mối quan hệ an ninh chặt chẽ hơn với chính quyền Tokyo.
Tổng thống Marcos và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã ký một thỏa thuận cho phép các lực lượng vũ trang hai nước hợp tác trong quá trình cứu trợ thảm họa, một thỏa thuận được coi là một bước tiến tới một hiệp ước rộng lớn hơn có thể cho phép các nước triển khai lực lượng trên lãnh thổ của nhau.
"Tôi luôn nghĩ về sự cần thiết phải bảo vệ ngư dân của chúng tôi. Chúng tôi cần thể hiện rõ ràng rằng chúng tôi đang tuần tra vùng biển của mình và đảm bảo rằng lãnh thổ hàng hải của chúng tôi được công nhận rõ ràng", ông Marcos nói.
Hiện Philippines có ký VFA với Mỹ, trong khi Nhật Bản ký kết VFA với Australia và Anh. Nhật Bản đã tổ chức các cuộc tập trận quân sự với Mỹ và Philippines gần đây nhất vào tháng 10.
Về phần mình, ông Kishida cho biết Philippines và Nhật Bản đã nhất trí cố gắng thiết lập một khuôn khổ giúp "củng cố và tạo thuận lợi cho quá trình tổ chức các cuộc tập trận chung".
Trong một cuộc phỏng vấn với báo Nikkei của Nhật Bản hôm Chủ nhật, Marcos cho biết Philippines có thể bị kéo vào một cuộc xung đột tại khu vực xung quanh eo biển Đài Loan.
“Khi xem xét tình hình trong khu vực, đặc biệt là căng thẳng ở eo biển Đài Loan, có thể thấy rằng dựa trên vị trí địa lý, nếu xảy ra xung đột ở khu vực thì Philippines khó có khả năng không bị kéo vào", ông Marcos chỉ ra.