Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Kihara Minoru và Bộ trưởng Ngoại giao Kamikawa Yoko sẽ có cuộc hội đàm cấp cao với những người đồng cấp Philippines Gilberto Teodoro và Enrique Manalo tại Manila.
Văn phòng Truyền thông Tổng thống Philippines cho biết ông Ferdinand Marcos sẽ chứng kiến lễ ký kết thỏa thuận tiếp cận lẫn nhau (RAA) mà hai nước bắt đầu đàm phán vào tháng 11 năm ngoái.
Hiệp định sẽ cung cấp khuôn khổ pháp lý để Nhật Bản và Philippines cử quân nhân đến lãnh thổ của nhau để huấn luyện và thực hiện các hoạt động khác.
Các cuộc đàm phán diễn ra sau các cuộc đối đầu leo thang giữa các tàu Trung Quốc và Philippines trên Biển Đông.
Nhà phân tích địa chính trị Don McLain Gill cho biết RAA rất quan trọng vì nó sẽ cho phép Philippines "tăng cường khả năng tương tác với các đối tác có cùng chí hướng".
“Điều này cũng sẽ bổ sung cho những gì chúng tôi đang cố gắng thực hiện nhằm tăng cường quan hệ đối tác an ninh trong mạng lưới trung tâm và nan hoa của Mỹ", vị chuyên gia nhận định.
Chính quyền Washington đang tăng cường mạng lưới liên minh ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương trước ảnh hưởng quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc.
Các nhà lãnh đạo Nhật Bản, Philippines và Mỹ đã có hội nghị thượng đỉnh ba bên đầu tiên vào tháng 4 vừa qua nhằm tăng cường quan hệ quốc phòng ở Washington.
Philippines là trọng tâm chính trong các nỗ lực của Mỹ nhằm xây dựng một vòng cung liên minh. Sự hỗ trợ của Philippines sẽ rất quan trọng đối với Hoa Kỳ trong trường hợp xảy ra bất kỳ xung đột nào.
Nhà phân tích Gill cho biết, Nhật Bản, vốn cảnh giác về những thay đổi có thể xảy ra trong tương lai trong chính sách đối ngoại của Mỹ, cũng đang tìm cách "đóng vai trò lớn hơn" với tư cách là một lực lượng độc lập và ổn định.
Chính quyền Tokyo đã ký các thỏa thuận tiếp cận có đi có lại tương tự với Anh và Australia trong những năm gần đây.
Trước khi ký kết với Nhật Bản, chính phủ Philippines đã có các hiệp ước tương đương với Mỹ và Australia, cũng như có kế hoạch theo đuổi hiệp ước với Pháp.
Giáo sư quan hệ quốc tế Renato Cruz De Castro từ Đại học De La Salle (Manila) cho biết: “Người Nhật muốn gây ấn tượng với người Mỹ rằng Nhật Bản là trụ cột của sự hiện diện an ninh, sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực và tất nhiên là đồng minh đáng tin cậy nhất của Mỹ”.