Phố đi bộ - nơi giao thông ngừng lại…

(Ngày Nay) - Chủ trương thí điểm cấm phương tiện trong một tháng của Hà Nội đang khiến nhiều người dân Thủ đô, nhất là những người dân phố cổ ngóng đợi. Việc cấm xe quanh hồ Gươm ít nhiều đặt ra bài toán về giao thông chưa có lời giải.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trọng điểm du lịch của Hà Nội

Đầu năm 2018, quận Tây Hồ tổ chức phố đi bộ Trịnh Công Sơn để giảm tải lượng khách tham quan ở không gian hồ Hoàn Kiếm, nhưng mong muốn đó không thể thành hiện thực khi phố đi bộ Hoàn Kiếm vẫn hút cả khách nước ngoài lẫn trong nước. Cứ đến cuối tuần, lượng người đổ về phố cổ đông như nêm, hàng quán lại được dịp chạy hàng.

Sức hút của phố cổ càng được khẳng định sau 3 năm thí điểm tổ chức không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm. Sau ba năm, phố đi bộ đã tạo ra điểm đến văn hóa, du lịch hấp dẫn trong cả nước. Lượng khách tham quan và lưu trú tại đây tăng nhanh, góp phần phát triển kinh tế, xã hội cho quận Hoàn Kiếm và thành phố. Đây cũng là điểm du lịch văn hóa bản sắc thu hút khách quốc tế. Ngay từ khi tổ chức không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội đã thường xuyên duy trì 7 điểm cố định biểu diễn văn hóa nghệ thuật trong không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm khiến những con phố trở nên hấp dẫn hơn.

 “Khi mặt trời lặn ở Hà Nội, cũng là lúc Tạ Hiện lên đèn. Nếu bạn muốn thực sự hòa mình vào nhịp sống của thành phố này, đặc biệt là văn hóa của người dân, hãy đi bộ vào các con phố nhỏ, ngồi ghế đẩu và gọi một cốc bia” - đó là lời giới thiệu đầy mê hoặc và gợi mở của CNN Travel khi tư vấn cho khách du lịch ghé qua Hà Nội. “Sau một vòng dạo bộ Hồ Gươm, bạn có thể đi từ phía Nam tới phía Tây của hồ để đến Nhà hát lớn Hà Nội”. Đến phố đi bộ, khách du lịch luôn được chìm vào không gian văn hóa đặc trưng của người Hà Nội - nơi giao lưu và thăng hoa của văn hóa thế giới và các vùng miền Tổ quốc Việt Nam bên cạnh các dấu tích văn hóa nổi tiếng quanh hồ.

Theo báo cáo của UBND quận Hoàn Kiếm, trung bình ban ngày có từ 3.000-5.000 người tham quan, vui chơi, giải trí; buổi tối có từ 15.000-20.000 người về phố đi bộ. Thí điểm phố đi bộ là chủ trương đúng đắn trong việc tạo dựng một điểm đến, điểm nhấn của TP, không gian đẹp gắn với các di tích văn hóa lịch sử.

 Để tiếp tục lan tỏa bản sắc văn hóa và phát triển du lịch Hà Nội, từ giờ đến cuối năm, thành phố sẽ công bố lịch hoạt động của phố đi bộ, dự kiến thí điểm 24/24h thay vì chỉ áp dụng các ngày cuối tuần như hiện nay.

Giảm áp lực hay gia tăng ùn tắc?

Biết về chủ trương này, nhiều người dân Thủ đô tỏ ý đồng tình và ủng hộ, nhưng nhiều người lo ngại, nếu không có các phương án cụ thể hơn trong việc phân luồng giao thông cũng như bố trí các điểm trông giữ xe, thì nguy cơ các phố lân cận sẽ “vỡ trận” vì quá tải.

“Đường phố đã bé xong còn cấm đường, ai ở Hoàn Kiếm sẽ quen cảnh cuối tuần, đi làm về tắc nghẽn. Xe của khách du lịch kín mọi nẻo đường, xe taxi, xe ô tô gia đình đỗ đầy đường vì không có bãi đỗ. Thành phố vẫn đang quy hoạch bãi đỗ xe ngay trên vỉa hè và dưới lòng đường, người đi bộ không có lối đi…” – Đình Tiến, ngõ 55 Hai Bà Trưng chia sẻ.

Nhớ lại một buổi tối khó quên khi về phố đi bộ vui chơi cuối tuần, chị Đào Phương Mai (một người dân phố Kim Ngưu, Hà Nội) kể: “Cuối tuần trước, để đổi gió, hai vợ chồng tôi lặn lội từ Kim Ngưu lên Bờ Hồ ăn phở tối và gặp gỡ bạn bè luôn. Ghé vào phở Lý Quốc Sư, thấy hàng quán đông nghịt, khách Tây còn nhiều hơn khách ta, tôi đổi ý, bảo chồng quay xe sang hàng phở Sướng ở trong ngõ Đinh Liệt. Khổ nỗi, cuối tuần cấm đường, phố nào cũng đông, Hàng Thiếc, Hàng Nón chật như nêm. Hai vợ chồng toát mồ hôi vòng lên đê để quay sang phố Đinh Liệt. Đi mất nửa tiếng đồng hồ đến nơi thì quán phở hết thịt. Bụng đói, muốn vào phố đi bộ ăn mà tìm chỗ gửi xe thêm tiếng nữa đến bở hơi tai. Hai vợ chồng dắt bộ xe từ Cầu Gỗ để vào Lò Sũ…”.

Đây cũng là tình cảnh bối rối, mệt mỏi của nhiều khách du lịch khi về phố đi bộ những ngày cuối tuần, khi mà quận Hoàn Kiếm mới chỉ cấm xe 3 ngày cuối tuần. Nếu chủ trương được triển khai trong một tháng, cấm đường 24/24h thì trong thời gian này, các phương tiện sẽ không được qua lại trên các tuyến phố này cả ngày lẫn đêm. Việc di chuyển của Đình Tiến, gia đình Phương Mai và nhiều gia đình khác sẽ đi đâu về đâu?

Ông Vũ Đăng Định, Chánh văn phòng UBND thành phố Hà Nội cho biết:“Từ giờ đến cuối năm thành phố sẽ công bố lịch hoạt động của phố đi bộ Thủ đô. Trong đó có nhiều sự kiện chúng ta tổ chức với các đại sứ, các sự kiện tổ chức với 63 tỉnh thành cả nước và các sự kiện biểu diễn nghệ thuật. Chúng tôi cho rằng phố đi bộ đã đạt được yêu cầu đề ra. Chúng tôi nhận thức được điều tốt đẹp phố đi bộ mang lại cho nhân dân Thủ đô, nên cũng đã giao cho Sở giao thông vận tải xây dựng đề án thí điểm một tháng để tạo thành khu phố đi bộ hoàn chỉnh.”

Theo đó, thành phố Hà Nội sẽ giao Sở Giao thông Vận tải nghiên cứu đề xuất xem xét thực hiện thí điểm không cho các phương tiện giao thông hoạt động trong thời gian 1 tháng đối với toàn bộ không gian đi bộ xung quanh hồ Hoàn Kiếm để phân tích, đánh giá từ đó đưa ra giải pháp lâu dài cho việc quản lý phương tiện đi vào nội đô.

Việc quản lý bãi xe, phương tiện công cộng ở các phố quanh phố đi bộ là bài toán khó, nó vừa có thể đưa phố đi bộ phát triển hơn, hấp dẫn hơn, nhưng vừa có thể khiến một điểm du lịch bị kéo tụt lại. Đòi hỏi những cơ quan chức năng phải có phương án khả quan và lâu dài. Tuy nhiên, không chỉ việc sắp xếp bãi xe, quản lý phương tiện giao thông  được quan tâm, người dân Thủ đô cũng mong muốn các phương tiện công cộng quanh phố đi bộ và nhà vệ sinh di động được đáp ứng đầy đủ hơn nữa, để việc tiếp cận phố đi bộ được dễ dàng và thoải mái hơn.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.