Thời gian qua, các nhà khoa học, dịch tễ đã phát hiện ra một vài biến chủng mới của COVID-19. Theo nhận định, cũng như tình hình diễn biến bệnh địch trên thế giới thì biến chủng COVID-19 này có khả năng làm tăng nguy cơ lây lan, nhưng độc lực thì tại thời điểm này vẫn chưa mạnh hơn.
Phóng viên Tạp chí Ngày Nay đã có buổi trao đổi với Bác Sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM về vấn đề này.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh (Trưởng Khoa Nhiễm bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM) |
PV: Thưa bác sĩ, trong thời gian gần đây, thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã ghi nhận một số ca mắc COVID-19 có mang biến chủng mới như ca bệnh 1435 (chủng mới được ghi nhận ở Anh)... Tại sao virus lại biến chủng thưa bác sĩ?
Bs Trương Hữu Khanh: Lý do đầu tiên là sự thích nghi, là bản năng sinh tồn của bất kỳ ai, từ sinh vật, động vật hay virus trên thế gian này. Lý do thứ 2, là vì virus hay tác nhân gây bệnh khác lúc nào cũng muốn sinh sôi ngày càng nhiều.
PV: Virus tồn tại như thế nào, thưa bác sĩ?
Bs Trương Hữu Khanh: Virus không thể tự tồn tại, tự nhân lên mà nó cần có ký chủ, virus sử dụng cấu trúc di truyền của ký chủ để nhân giống (con người, con vật). Có virus (hay tác nhân gây bệnh khác) chỉ tồn tại và nhân đôi ở loài vật mà không nhân đôi và phát tán ở loài người, có virus từ loài vật nhảy vào loài người nhân đôi làm loài người chết nhưng không phát tán (không lây từ người sang người như H5N1).
Và đương nhiên sẽ có virus từ vật nhảy vào người, nhảy vào nhiều người biến đổi lâu dần nhân đôi và phát tán lây từ người sang người. Thời gian tuỳ thuộc vào phát triển tự nhiên, mức độ giao lưu giữa người và vật, và nhất là lỗi của phòng thí nghiệm.
Việc xác định virus mới từ vật sang người đã lây từ người sang người hay chưa là rất quan trọng, chậm là đôi lúc phải trả giá. Vì bản năng sinh tồn và cấu trúc đơn giản nên virus rất dễ thay đổi cấu trúc và trong số đó lại có con rất hợp với người. Có thể sự thay đổi là tự nhiên và nó hợp với con người hơn chứ không phải nó thông minh tới mức cố tình biến đổi như vậy ( cũng có khi nó thông minh thật). Nhưng “nòi giống” của virus hợp với người sẽ được nhân và phát tán nhanh hơn (tất yếu).
Lịch sử loài người chắc cũng nhiều virus mới từ động vật nhảy sang người và tương lai con người sẽ kết nạp thêm nhiều virus từ vật.
Quy luật tất yếu, virus từ vật mới nhảy vô người lượng ít thì chẳng sao; nhảy vô lượng nhiều bệnh, chết hay tự hết, người chết là virus cũng chết theo; vài virus đột biến ráng nhảy sang người khác nhưng không được. Nhưng hiện tượng này lâu dần, đột biến hên xui (đa số là xui, thêm nhiều phòng thí nghiệm táy máy), gặp lúc xui nó nhảy từ người sang người và đi khắp thế gian. Càng ngày nó càng thuần với người, lây càng dễ và dễ thì là nhanh và cuối cùng nó là virus của người như H1N1.
COVID-19 cũng vậy, nhưng lây nhanh trong giai đoạn hiện nay thì đáng lo, càng chậm phát hiện ca mới trong cộng đồng, càng khó chặn đầu virus, càng tốn công khoanh vùng cách ly, vùng cách ly càng rộng vì vi rút nhảy nhanh hơn từ người này sang người khác. Nhảy nhanh thì sẽ nhanh đến đối tượng nguy cơ, mà đến đối tượng nguy cơ thì hậu quả thế nào ai cũng biết rồi. (trong khi vaccine thì không kịp).
PV: Việc biến chủng virus COVID-19 có khó khăn cho công tác phòng ngừa, xét nghiệm và điều trị hay không thưa bác sĩ?
Bs Trương Hữu Khanh: Tới thời điểm này thì con đường của COVID-19 vẫn chủ yếu được ghi nhận qua hô hấp là chính. Do đó, cách phòng ngừa chung trong cộng đồng đơn giản và hiệu quả là đeo khẩu trang, rửa tay và hạn chế tiếp xúc gần không cần thiết. Công tác phát hiện, xét nghiệm thì trước đây vẫn hiệu quả. Các nhà nghiên cứu cũng cập nhật và có điều chỉnh phù hợp...về ngăn ngừa, hiện thế giới cũng đã có vaccine phòng ngừa COVID-19 của một số hãng đã được cấp phép, tỷ lệ phòng ngừa tới hơn 90%. Và khi có chủng mới thì nhà nghiên cứu, nhà sản xuất cũng điều chỉnh cho hiệu quả tối đa.
Nói tóm lại, biện pháp phòng ngừa hữu hiệu và đơn giản trong cộng đồng lúc này là ngăn chặn, không để virus lọt vào. Còn lại, mong mọi người đừng hoang mang quá và cũng không quá chủ quan. COVID-19 vẫn qua hô hấp, không độc hơn, nhưng sẽ tấn công nhanh đến đối tượng có nguy cơ hơn, và phòng ngừa khoanh vùng phải tích cực hơn.