Nếu buộc phải ra đường, để phòng ngừa hít phải bụi mịn, người dân nên dùng các loại khẩu trang chuyên dụng để ngăn các loại bụi có kích cỡ khác nhau.
Trong nhà, người dân nên đóng kín cửa, trang bị thêm hệ thống lọc không khí nếu có điều kiện. Ngoài ra, người dân cần uống nhiều nước, rửa tay khi về nhà, sử dụng dung dịch nước muối để làm sạch mũi… góp phần loại bỏ độc tố.
Đặc biệt, khi chỉ số chất lượng không khí ở ngưỡng không tốt cho sức khỏe, người già, trẻ em và những người bị bệnh phổi, bệnh tim mạch mãn tính không nên đi ra đường.
Theo đánh giá của các chuyên gia môi trường, thời gian gần đây nồng độ bụi mịn trong không khí tại một số địa phương như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh tăng cao đột biến. Chỉ số chất lượng không khí ở mức kém tại nhiều trạm quan trắc không khí ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, một số tỉnh phía Nam ở mức cảnh báo có hại cho sức khỏe. Tại Hà Nội, có thời điểm chỉ số bụi mịn cao gấp 4,5 lần quy chuẩn quốc gia và 11,1 lần trung bình năm của Tổ chức Y tế thế giới.
Ghi nhận từ một số ứng dụng quan trắc chất lượng không khí của Mỹ cho thấy, chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở Thành phố Hồ Chí Minh ngày 23/9 là 128, ngày 24/9 là 132, đều ở ngưỡng không tốt cho sức khỏe, nhất là nhóm có cơ địa nhạy cảm. Ở Hà Nội ngày 26/8 là 145, các ngày 15 - 16/9 đều ở ngưỡng 150 - 170 là mức có hại cho sức khỏe.