Gần hai năm sau khi Trung Quốc siết chặt hoạt động dạy và học thêm, một cuộc khảo sát mới cho thấy các bậc cha mẹ vẫn rất căng thẳng về việc học hành của con cái họ.
Cuộc khảo sát được thực hiện bởi nền tảng tin tức công nghệ trực tuyến Youth36kr, cho thấy 92% trong số 535 phụ huynh được hỏi cho biết họ đã trải qua cảm giác suy sụp tinh thần do việc học hành của con cái. Hơn 72% phụ huynh bày tỏ mức độ lo lắng cao.
Vào tháng 7 năm 2021, chính phủ Trung Quốc, trong nỗ lực giảm bớt khối lượng công việc học tập cũng như giảm gánh nặng cho học sinh và phụ huynh, đã triển khai một sáng kiến có tên là shuangjian, hay “giảm gấp đôi”.
Nó tập trung vào việc giảm thời gian trẻ em từ lớp 1 đến lớp 9 làm bài tập về nhà và các lớp học ngoại khóa. Chính sách này cũng nhằm giảm bớt trách nhiệm chăm sóc con cái cho các cặp vợ chồng Trung Quốc bằng cách giảm căng thẳng tài chính cho việc dạy kèm sau giờ học.
Khi đó, một số phụ huynh đã phàn nàn rằng sự thay đổi chính sách đã gây ra nhiều lo ngại hơn, một phần vì điều đó có nghĩa là họ phải tự dạy kèm con mình. Tuy nhiên, nhiều người khác đã hoan nghênh chính sách này, nói rằng nó đã giúp giảm bớt gánh nặng học tập cho trẻ nhỏ.
Trong số các bậc cha mẹ tham gia cuộc thăm dò của Youth36kr, 84,1% cho biết họ dành trung bình 67 phút dạy kèm con cái mỗi ngày. Cuộc khảo sát cũng chỉ ra rằng các bậc cha mẹ lớn tuổi sẵn sàng dành thời gian cho việc dạy kèm conhơn vì họ có nhiều thời gian hơn.
Các bậc cha mẹ thuộc thế hệ sau thập niên 80, nhóm nhân khẩu học lớn nhất trong cuộc khảo sát, đã dành nhiều thời gian nhất để dạy kèm con cái của họ, trung bình 77 phút mỗi ngày. Trong khi đó, những người từ thế hệ sau năm 1995, những người có cách tiếp cận thoải mái hơn trong việc nuôi dạy con cái hoặc hiện đang đối mặt với những thách thức trong thăng tiến nghề nghiệp, chỉ dành trung bình 54 phút.
Theo Youth36kr, dạy kèm chiếm gần một nửa thời gian rảnh rỗi của các bậc cha mẹ được khảo sát, những người hiện cũng chi trung bình 29.239 nhân dân tệ (hơn 97 triệu đồng) cho việc học hành của con cái.
“Tôi cảm thấy như mình có thể lên cơn đau tim khi dạy kèm cho con gái”, Tai Xin, mẹ của một học sinh lớp 1, chia sẻ. Thay vì ngồi bên cạnh con gái để giám sát bài tập về nhà, bà mẹ thuộc thế hệ sau năm 1985 cho biết giờ đây cô để con gái tự học.
“Miễn là giáo viên của cháu hài lòng, tôi không quan tâm cháu làm bài đúng hay sai, hay cháu có nhớ đúng các ký tự hay không. Tôi có công việc của mình và muốn sống thọ hơn", Tai Xin nói.