Phụ nữ thành thị Trung Quốc sợ sinh con

(Ngày Nay) - Mary Meng quá bận rộn và căng thẳng khi làm việc cho một công ty công nghệ tại Thượng Hải đến nỗi cô không thể tưởng tượng được việc sinh đứa con thứ hai.
Phụ nữ thành thị Trung Quốc sợ sinh con

"Áp lực công việc lớn đến mức tôi thậm chí không có thời gian dành cho con mình", bà mẹ một con cho biết. "Làm sao tôi có thể nghĩ đến việc chăm sóc hai đứa trẻ? Tôi không biết nữa".

Quan điểm của Meng ngày càng phổ biến trong các khu vực thành thị ở Trung Quốc. Nhưng với tốc độ suy giảm dân số và già hóa dân số ở nước này, các nhà nhân khẩu học cho biết tác động của mức sống thành thị đắt đỏ, nhịp độ nhanh đối với tỷ lệ sinh cần được chính phủ xử lý cấp bách hơn.

Trung Quốc đang nhanh chóng "cạn kiệt" các bà mẹ. Số lượng phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, được Liên hợp quốc định nghĩa là từ 15 đến 49 tuổi, sẽ giảm hơn 2/3 xuống còn dưới 100 triệu vào cuối thế kỷ này.

Vào tháng trước, các nhà chức trách Trung Quốc đã công bố kế hoạch xây dựng một "xã hội thân thiện với sinh nở" - cam kết thực hiện các biện pháp mà các chuyên gia dân số đã kêu gọi từ lâu, chẳng hạn như giảm chi phí chăm sóc trẻ em và giáo dục.

Nhưng, điều khiến các chuyên gia này tuyệt vọng, Bắc Kinh cũng cam kết sẽ khuyến khích nhiều người hơn đến các khu vực thành thị.

Chính sách này nhằm mục đích tăng nhu cầu nhà ở để hỗ trợ lĩnh vực bất động sản đang bị khủng hoảng và khôi phục tăng trưởng kinh tế đang trì trệ thông qua việc tăng năng suất và tiêu dùng mạnh hơn. Cư dân thành thị thường sản xuất và mua các hàng hóa và dịch vụ có giá trị gia tăng cao hơn so với những người dân nông thôn.

Nhưng động thái đô thị hóa mới này đã bỏ qua lý thuyết nhân khẩu học cơ bản. Ở các thành phố, mọi người sinh ít con hơn do chi phí nhà ở cao, không gian hạn chế, giáo dục đắt đỏ và ít có thời gian chăm sóc con.

Tỷ lệ vô sinh của các cặp vợ chồng ở Trung Quốc cũng tăng từ 2% vào những năm 1980 lên 18%, so với khoảng 15% trên toàn cầu. Các bác sĩ nhắc đến những yếu tố như căng thẳng liên quan đến công việc và ô nhiễm công nghiệp để lý giải cho đà gia tăng này.

Tỷ lệ sinh ở các vùng nông thôn của Trung Quốc cao hơn một chút ở mức 1,54 so với mức trung bình toàn quốc là 1,3 vào năm 2020, trong khi tỷ lệ sinh của thành phố Thượng Hải vào năm 2023 là 0,6 so với 1,1 trên toàn quốc.

"Các nhà chức trách đang đẩy những người trẻ tuổi đến những thành phố lớn không thân thiện với việc sinh nở nhất, điều này sẽ dẫn đến tình trạng sinh sản tiếp tục giảm và làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng già hóa", Yi Fuxian, nhà nhân khẩu học tại Đại học Wisconsin-Madison (Mỹ) cho biết. "Việc kìm hãm tỷ lệ sinh theo mật độ dân số là một quy luật sinh học".

Hiện tượng này rõ ràng nhất ở các nước Đông Á. Nhật Bản, Hàn Quốc đã đô thị hóa và công nghiệp hóa với tốc độ nhanh hơn hầu hết các nền kinh tế khác sau Thế chiến thứ hai. Hai nước này cũng có tỷ lệ sinh thấp nhất trên toàn cầu.

Để có dân số ổn định, các quốc gia cần có tỷ lệ sinh là 2,1. Điều đó có nghĩa là cứ mỗi phụ nữ như Meng, người chỉ nuôi một con, thì một người khác sẽ cần phải sinh ba con.

Poppy Yu, 21 tuổi, làm việc tại một công ty sản xuất phim ở Bắc Kinh 6-7 ngày một tuần, không muốn sinh con.

"Tôi không có tiền hoặc năng lượng", Yu nói.

Tầm nhìn "xã hội thân thiện với sinh nở" của Trung Quốc bao gồm việc giảm chi phí nuôi dạy con cái và giáo dục, kéo dài thời gian nghỉ phép của cha mẹ, nâng cấp dịch vụ chăm sóc thai sản và nhi khoa, tăng trợ cấp nuôi con và khấu trừ thuế.

Nhiều quốc gia đưa ra những ưu đãi như vậy. Nhưng những quốc gia có chính sách sinh đẻ thành công - chẳng hạn như Pháp hoặc Thụy Điển - nổi bật nhờ quyền bình đẳng giới cao hơn, quyền lao động mạnh mẽ hơn và phúc lợi xã hội vững chắc.

Giảm chi phí chăm sóc trẻ em không tự phát huy hiệu quả "và thay vào đó thúc đẩy một số giá trị gia đình nhất định đòi hỏi phụ nữ phải đảm nhận trách nhiệm gia đình", Yun Zhou, nhà nhân khẩu học tại Đại học Michigan (Mỹ) cho biết.

Meng tin rằng không có chính sách nào có hiệu quả cho đến khi người dân Trung Quốc bắt đầu hy vọng một lần nữa về cuộc sống tốt đẹp hơn, về mặt tài chính.

"Bây giờ mọi người đều nghĩ rằng không có triển vọng nào cả", bà mẹ 37 tuổi cho biết. "Dù bạn có làm việc chăm chỉ đến đâu, thì cũng chỉ là đủ sống".

Theo Reuters
Các em nhỏ, cùng phụ huynh hào hứng tham gia buổi làm bánh Trung thu.
Vừa học làm bánh Trung thu, vừa hướng tới trẻ em vùng lũ
(Ngày Nay) - Tết Trung thu 2024 diễn ra trong những ngày miền Bắc gồng mình khắc phục cơn bão số 3. Tại Hà Nội, nhiều khu dân cư, trường học đã chuyển số tiền tổ chức Tết Trung thu sang từ thiện vùng lũ. Nhưng cũng có nơi vừa tổ chức buổi làm bánh Trung thu cho trẻ trải nghiệm, vừa hướng tới trẻ em vùng lũ bằng việc làm thiết thực.
Ngày mai ở Làng Nủ
Ngày mai ở Làng Nủ
(Ngày Nay) - Làng Nủ bình yên, làng Nủ xanh mát, làng Nủ… Cho đến cái ngày định mệnh 10/9. Cơn lũ từ đỉnh núi Voi đã san phẳng 37 ngôi nhà. Biến xóm làng bình yên trở thành một bãi bùn đất khổng lồ, tan hoang, tang tóc.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề xuất 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để phục hồi sản xuất, kinh doanh sau bão số 3.
Tốc độ tăng trưởng những tháng cuối năm có thể giảm do bão số 3
(Ngày Nay) - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tốc độ tăng trưởng 6 tháng cuối năm của cả nước và nhiều địa phương dự báo chậm lại do ảnh hưởng của bão số 3 Yagi. Bộ trưởng đề xuất 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần làm ngay để phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Có khoảng 1.000 người dân tại TP Hồ Chí Minh được khám tầm soát miễn phí bệnh lý về thận tại chương trình.
Người bệnh thận ngày càng trẻ hoá, làm sao để phát hiện sớm?
(Ngày Nay) - Theo PGS.TS Nguyễn Bách, Trưởng khoa Nội thận lọc máu, Bệnh viện Thống Nhất (TP Hồ Chí Minh), tại Việt Nam, trong 100 người thì có khoảng 6 - 8 người có khả năng mắc các vấn đề về thận, đa phần là không có triệu chứng. Rất nhiều người trẻ mắc thận được phát hiện khi đã ở giai đoạn nặng và phải chạy thận.
Người dân vận chuyển nhu yếu phẩm vào hỗ trợ người dân trong vùng lũ xã Trí Yên, huyện Yên Dũng (Bắc Giang).
Chương trình nghệ thuật "Việt Nam kiên cường" chung tay vì đồng bào vùng bão lũ
(Ngày Nay) - Nhằm chung tay hỗ trợ đồng bào các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc chịu ảnh hưởng của bão số 3 (bão Yagi), với tinh thần “Tương thân tương ái”, “Lá lành đùm lá rách”, Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC, Oscar Media và Báo Hà Nội Mới tổ chức thực hiện chương trình nghệ thuật “Chung tay vì đồng bào vùng bão lũ” với chủ đề “Việt Nam kiên cường”.