TS. La Thế Phúc, Giám đốc Bảo tàng Địa chất Việt Nam đã có cuộc trao đổi thú vị với chúng tôi về giá trị của phát hiện này.
* Những ngày qua thông tin phát hiện hang động núi lửa tại Đắk Nông có độ dài nhất Đông Nam Á thu hút sự quan tâm đặc biệt của xã hội. TS có thể cho biết, quá trình phát hiện và hợp tác nghiên cứu với các nhà khoa học Nhật Bản, trong quá trình phát hiện này ?
- TS. La Thế Phúc: Phát hiện ra hang động núi lửa là nhờ có đề tài “Nghiên cứu di sản địa chất để xây dựng công viên địa chất và bảo vệ môi trường khu vực thác Trinh Nữ, huyện Cư Jut, tỉnh Đắk Nông” của UNESCO tài trợ, được thực hiện từ năm 2007 đến 2008 với kinh phí 15.000USD do tôi làm chủ nhiệm và và trực tiếp khảo sát thi công cùng với các cán bộ của Bảo tang Địa chất. Khi đó tôi “mới” từ Liên đoàn Địa chất và Khoáng sản Biển về công tác tại Bảo tàng Địa chất Việt Nam được hơn 2 năm.
Hang động núi lửa tại Đắk Nông được phát hiện |
Theo thói quen nghề nghiệp, mỗi khi đến khu vực khảo sát, bao giờ tôi cũng phỏng vấn, trao đổi những thông tin cần thu thập với người địa phương và thường nhờ người địa phương dẫn đường khảo sát. Qua phỏng vấn anh Nguyễn Thanh Tùng - người của Công ty Thương mại và Du lịch hồi đó thì được biết trong vùng có hang Dơi. Theo yêu cầu, anh Tùng đã dẫn chúng tôi đi và chỉ cho chúng tôi biết những hang dân hay vào bắt rắn, bắt dơi”. Sở dĩ người dân ở đây gọi hang này là hang dơi vì có nhiều dơi cư trú, họ hay vào đấy để bắt dơi làm thịt. Mỗi khi hoàng hôn buông xuống, hàng nghìn con dơi bay rợp khoảng không trong các hang động tạo một cảm giác rờn rợn, nhưng cũng rất thú vị.
Quần thể hang động núi lửa tạo cảm giác gờn gợn |
Khi đến hang, chúng tôi đã biết được ngay đây là hang động trong đá basalt, đã quay phim chụp ảnh, thu thập tài liệu nguyên thủy về quần thể di sản địa chất nơi đây, lập báo cáo tổng kết đề tài nộp cho UNESCO và địa phương liên quan, biên tập tờ rơi tuyên truyền thông tin về di sản địa chất nơi đây, trong đó có hang động trong đá basalt. Trong khuôn khổ báo cáo này, chúng tôi không có kinh phí để tổ chức các nghiên cứu chi tiết hơn và sâu hơn những vấn đề liên quan tới hang động đã được phát hiện.
* Vâng, ông vừa chia sẻ, năm 2007 đoàn nghiên cứu cảu Bảo tàng Địa chất Việt Nam (Cục Địa chất và Khoáng sản) đã phát hiện ra hang động. Vậy cơ duyên nào mà các bạn Nhật Bản biết thông tin và giúp Việt Nam đo đạc các thông số của hang như công bố vừa qua?
- À, họ biết thông tin khi họ đọc trên tờ rơi tuyên truyền về di sản địa chất của đề tài nêu trên và đọc các bài báo khoa học của tôi gửi các Hội nghị quốc tế tổ chức tại Nhật Bản, các tạp chí địa chất. Tôi cũng xin nói rõ, thông tin về phát hiện về hang động trong đá basalt ở đây đã được tôi biên tập và công bố ở nhiều hội nghị khoa học trong và ngoài nước cũng như các tạp chí chuyên ngành trong nước, như: Hội nghị Khoa học Toàn quốc lần thứ nhất Hệ thống Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam năm 2010; Hội nghị Công viên Địa chất Toàn cầu năm 2012 tại Unzen, Nhật Bản; Tạp chí Địa chất loạt A số 320, 9 - 10/ 2010, số đặc biệt kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống ngành Địa chất Việt Nam năm 2010; Journal of Geology, series B số 35-36/2010; và hàng chục ngàn tờ rơi quảng bá tuyên truyền về di sản địa chất khu vực cụm thác Trinh Nữ - Đray Sáp - Gia Long, trong đó có hang động trong đá basalt. Các thông tin phát hiện này đã được các tổ chức, các nhà khoa học nước ngoài quan tâm nghiên cứu và tạp chí nước ngoài đặt viết bài báo khoa học để công bố. Tiến sĩ Hiroshi Tachihara, Chủ tịch danh dự và tiến sĩ Tsutomu Honda, Chủ tịch Hội Hang động Núi lửa Nhật Bản - đã đặt vấn đề hợp tác với Bảo tàng Địa chất để nghiên cứu hang động trong đá núi lửa ở khu vực này (trên cơ sở nguồn vốn cá nhân tự đóng góp) và đã được Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cho phép. Qua các đợt khảo sát ngắn ngày từ năm 2012 đến nay, mỗi đợt từ 5 - 7 ngày, nhân lực từ 12 - 17 người với các thiết bị đo vẽ chuyên dụng, Đoàn khảo sát hang động núi lửa liên hợp Việt - Nhật đã khảo sát, đo đạc chi tiết 3 trong số hàng chục hang đã được phát hiện ở khu vực này, đã xác lập độ dài kỷ lục về hang động núi lửa ở Đông Nam Á và một số thông tin khoa học bước đầu liên quan. Kết quả ban đầu đã xác định: đây là hệ thống hang động trong núi lửa có quy mô lớn nhất Đông Nam Á, trong đó hang động C7 là hang núi lửa hình ống có chiều dài 1066,5m - dài nhất Đông Nam Á, hang C3 có tổng chiều dài 594.4m – dài thứ 2; hang A1 có tổng chiều dài 456.7m – dài thứ 5 Đông Nam Á.
* Đoàn nghiên cứu của các nhà địa chất VN phát hiện ra hang động từ 2007 nhưng tại sao tới 7 năm sau mới được công bố, thưa TS?
Tại hang người dân hay vào bắt rắn, bắt dơi |
- Sau khi phát hiện ra hang động núi lửa, chúng tôi đã đề xuất dự án “Nghiên cứu điều tra di sản địa chất liên quan đến hoạt động núi lửa Tây Nguyên, Việt Nam và các giải pháp bảo tồn phát triển bền vững”, hướng tới việc bảo tồn và khai thác tổng thể các giá trị di sản cho khu vực Tây Nguyên, trong đó có tỉnh Đăk Nông. Đáng tiếc, có lẽ do nguồn vốn khó khăn và “bụt nhà chưa thiêng” nên dự án này đã bị quên lãng trong suốt nhiều năm. Và thông tin về hang động chỉ được nêu chung chung trong các bài báo liên quan đến di sản địa chất Tây Nguyên như nêu trên. Sau khi được phép hợp tác nghiên cứu, các bạn Nhật Bản sang đã giúp chúng tôi có thiết bị đo đạc chuyên dụng, hiện đại bằng lazer nên đã tính được độ dài của một số hang và vẽ sơ đồ cấu tạo của chúng. Tuy nhiên, những công bố trên phương tiện truyền thông vừa rồi chỉ công bố phát hiện số kỷ lục của hang động chứ về mặt khoa học thì còn ít vì chưa có kết quả nghiên cứu sâu.
* Theo đánh giá của TS, sự đặc sắc của hang động trong đá basalt so với hang động trong đá vôi ở chỗ nào?
- Đặc sắc trước hết là do nó thuộc loại ít gặp. Thứ hai, sự đặc sắc còn nằm ở cơ chế thành tạo của hang. Về bản chất nguồn gốc, hang đá vôi là hang thứ sinh, được thành tạo do quá trình hòa tan, rửa lũa đá, mở rộng dần các khe nứt trong đá carbonat mà tạo thành hang động. Nguồn gốc thứ sinh tức là đá mẹ có trước, đến hàng triệu thậm chí hàng trăm triệu năm sau hang động mới kỳ vĩ mới được hình thành. Hệ thống thạch nhũ ngoạn mục trong các hang động loại này là do nước cùng các tác nhân sinh hóa khác làm hòa tan đá vôi, tạo nên dung dịch có hàm lượng bicarbonat canxi cao. Quá trình bốc hơi sau đó làm kết tủa carbonat canxi, tạo nên hệ thống thạch nhũ vô cùng phong phú đa dạng trong các hang động đá vôi.
TS La Thế Phúc chia sẻ về quần thể hang động mới phát hiện |
Còn hang trong đá basalt này là hang hình thành đồng sinh chứ không phải thứ sinh. Quá trình núi lửa hoạt động, dòng dung nham phun trào lên khỏi mặt đất, chảy tràn trên các bề mặt địa hình, nguội lạnh (đông cứng) và tạo thành hang. Cơ chế thành tạo hang cũng cũng như đặc điểm dòng dung nham là cả một vấn đề khoa học hấp dẫn, có thể do chảy rối chảy xoắn, có thể do co rút thể tích theo quy luật thủy thạch động lực, có thể do chênh lệch áp suất, ... . Mặt khác, liên quan tới hệ thống hang động núi lửa ở đây còn có thể ẩn chứa nhiều di sản khác như: hóa thạch, di chỉ khảo cổ, đa dạng sinh học... đang đòi hỏi các nhà khoa học đầu tư nghiên cứu, giải mã.
* Đoàn địa chất VN gặp nhiều trở ngại, gian khổ trong quá trình tìm kiếm, nghiên cứu về hệ thống hang động này không?
Nhiều người vào thăm quan chụp ảnh hang động |
- Có thể nói phát hiện này là cơ duyên và sự may mắn của chúng tôi khi có được thông tin và người dẫn đường là anh Nguyễn Thanh Tùng. Thực tế, không phải bất kỳ phát hiện nào của các nhà địa chất cũng phải vất vả, mò mẫm đi tìm. Trong trường hợp này, hang động là thực thể khách quan đã tồn tại hàng trăm ngàn năm; được người dân biết đến để bắt dơi, bắt rắn; địa chất chúng tôi chỉ xác định nó là hang động trong đá gì mà thôi và giá trị của nó ra sao. Và đây thực sự là một cơ duyên bởi không ít các nhà địa chất đã từng đặt chân đến khu vực này.