Trên thực tế, bộ phim này cũng là một điểm nhấn mới nhất trong làn sóng hồi sinh của bộ môn tennis diễn ra trong vài năm qua.
Quần vợt đang phát triển mạnh mẽ trên quy mô toàn cầu với các tay vợt hạt giống dẫn đầu các chiến dịch quảng bá của nhiều nhãn hiệu thời trang xa xỉ và các vận động viên ngôi sao xuất hiện trên trang bìa tạp chí Vogue. Tất nhiên, TikTok cũng góp mặt trong làn sóng này với sự những video #tenniscore thu hút hàng chục triệu lượt xem. Và dĩ nhiên ngay cả bộ phim “Challengers” gây xôn xao đó cũng đã đứng đầu phòng vé vào tuần chiếu đầu tiên.
Giữa hằng hà sa số những vận động viên ngôi sao thuộc nhiều bộ môn thể thao khác nhau, đài ESPN đã chọn Serena Williams - tay vợt ngôi sao đã từng 23 lần vô địch Grand Slam - đã trở thành người dẫn chương trình cho Giải thưởng ESPY năm nay. Có lẽ đây là một minh chứng khẳng định rằng môn thể thao này được coi là lựa chọn được ưa chuộng nhất ở thời điểm hiện tại.
Quần vợt từng có thời kỳ hoàng kim vào thập niên 1970 và 1980, nhưng sự hồi sinh của bộ môn này bắt đầu vào giai đoạn đỉnh điểm của Covid-19 khi tennis là một trong số ít hoạt động thể thao mà mọi người có thể tập luyện trong thời gian giãn cách xã hội. Độ phổ biến của tennis tăng lên kể từ đó, và những cái tên mới xuất hiện trong danh sách các tay vợt hạt giống dần thu hút sự chú ý ở các lĩnh vực khác như thời trang và phim ảnh.
Làn sóng hồi sinh không chỉ dừng lại số lượng người theo dõi quần vợt: Hiệp hội Quần vợt Mỹ (USTA) cho biết gần 24 triệu người hiện đang tập luyện bộ môn thể thao này, đánh dấu 4 năm tăng trưởng liên tiếp.
Các nhãn hàng nắm bắt thời cơ
Theo PromoterUnited, tại các giải quần vợt trong năm qua, số lượng nhà tài trợ đã tăng 41% và số lượng quảng cáo của các thương hiệu tăng 40%, vượt xa nhiều giải đấu thể thao khác bao gồm MLB, MLS và NBA.
Theo Bob Lynch, Giám đốc điều hành của PromoterUnited, mức tăng trưởng là kết quả của “sự hội tụ của một số yếu tố quan trọng”, bao gồm lượng người xem tăng cao của các kênh tennis và các giải đấu lớn, loạt phim tài liệu “Break Point” của Netflix cùng với độ nổi tiếng của các tay vợt trên mạng xã hội.
Quần vợt là một trong những môn thể thao hiếm hoi diễn ra gần như quanh năm với các giải đấu hàng tuần trên khắp thế giới. Vì vậy bộ môn này “thu hút số lượng người hâm mộ đa dạng trên toàn cầu, giúp các thương hiệu tài trợ tiếp cận được với những tệp khách hàng cụ thể”, ông Lynch chia sẻ với CNN.
Thụy Sĩ đã tổ chức thành công chiến dịch quảng bá du lịch với sự tham gia của tay vợt hàng đầu thế giới Roger Federer và nữ diễn viên Anne Hathaway trong đoạn quảng cáo thu hút hơn 100 triệu lượt xem trên YouTube. Và tất cả logo của các ngân hàng xung quanh sân Roland Garros ở Paris đều nhắm đến mục tiêu khách hàng khá cụ thể - những nhân vật thuộc giới thượng lưu đang theo dõi trận đấu trực tiếp tại sân.
Quần vợt cũng đang trải qua một sự thay đổi với những tay vợt ngôi sao, đặc biệt là ở nội dung nam với Rafael Nadal có thể sẽ chơi mùa giải cuối cùng và Novak Djokovic - tay vợt số 1 thế giới hiện nay - đang chật vật trong các giải đấu gần đây. Những tay vợt nữ nổi tiếng như chị em nhà Williams đều đã giải nghệ, đang hồi phục chấn thương hoặc đang tạm nghỉ để sinh con.
Sự thay đổi này đang tạo cơ hội cho nhiều vận động viên trẻ tuổi hơn vươn lên vị trí ngôi sao, bao gồm cả nhà vô địch Wimbledon 2023 Carlos Alcaraz năm nay mới 21 tuổi và Iga Świątek, tay vợt 22 tuổi đến từ Ba Lan, người đã giành được 4 danh hiệu Grand Slam.
Ông Lynch cho biết: “Những tay vợt trẻ am hiểu về công nghệ và nội dung số như Coco Gauff đang trở nên nổi bật hơn. Người hâm mộ có nhiều cơ hội tiếp cận với các vận động viên hơn bao giờ hết do sự hiện diện của họ trên mạng xã hội, điều này cho phép các tay vợt tạo dựng danh tiếng đối với người hâm mộ cũng như các thương hiệu.”
Trên trang Instagram với gần 2 triệu người theo dõi của Coco Gauff - nhà vô địch Giải Quần vợt Mỹ Mở rộng 2023 nội dung đơn nữ - có thể thấy sự xuất hiện của nhiều nhãn hàng tài trợ khác nhau - từ quảng cáo của hãng mì Ý Barilla đến Microsoft - cùng với những bức ảnh về cuộc sống cá nhân của tay vợt trẻ.
Các tay vợt tận dụng cơ hội
Một thương hiệu khác hiện cũng đang “chiếm sóng” Instagram của Gauff là New Balance, nhà tài trợ trang phục chính thức trên sân của cô. New Balance đã ký hợp đồng với Gauff khi cô mới 14 tuổi và sau đó hãng đã cho ra mắt bộ sưu tập giày thể thao do tay vợt 20 tuổi hợp tác thiết kế.
Khi giành được danh hiệu Grand Slam đầu tiên vào năm ngoái, Coco Gauff không chỉ mặc trang phục thi đấu được New Balance thiết kế riêng cho Giải Mỹ Mở rộng mà sau khi giành chiến thắng, tay vợt trẻ còn mặc chiếc áo phông với dòng chữ “Call Me Coco Champion”, khiến chiếc áo cháy hàng trong vòng vài giờ.
Mặc dù Coco Gauff là gương mặt nổi bật nhất của thương hiệu, tay vợt này là một trong số những vận động viên được New Balance chọn lọc để ký hợp đồng tài trợ, chỉ xếp sau các tên tuổi lớn hơn như Nike và Adidas.
Evan Zeder, giám đốc marketing phân khúc quần vợt và bóng chày của New Balance thừa nhận: “Chúng tôi đã từ chối rất nhiều. Chúng tôi không muốn ký hợp đồng với một loạt vận động viên chỉ để áp đảo về số lượng.”
Các gương mặt đại diện của New Balance nhận tài trợ dưới nhiều hình thức khác nhau, bao gồm các khoản thanh toán trả trước và tiền thưởng cũng như trang phục và giày dép có thể mặc trong và ngoài sân đấu. Đây là điểm khác biệt nổi bật nhất ở bộ môn quần vợt, vận động viên sẽ mặc đồ của thương hiệu tài trợ từ đầu đến chân và là tâm điểm chú ý vì các vòng đấu phần lớn diễn ra dưới hình thức đánh đơn.
Evan Zeder chia sẻ với CNN rằng việc chọn một vận động viên để ký hợp đồng tài trợ đòi hỏi sự tin tưởng của cả hai bên, trong đó New Balance phải chứng minh rằng chất lượng trang phục và giày của họ đạt “mức độ cao nhất của môn thể thao này” và tránh được khủng hoảng truyền thông hiện đang xảy ra trong làng bóng chày, nhưng họ vẫn đang “chờ đợi những cơ hội phù hợp cho thương hiệu”
“Cơ hội để chúng tôi truyền tải thông điệp của thương hiệu qua các vận động viên là độc nhất hơn bất kỳ môn thể thao nào khác vì họ không mặc áo đấu của một đội tuyển, họ mặc đồ New Balance,” ông nói.
Thời trang dẫn đầu xu hướng
Trong khi New Balance là một thương hiệu tương đối mới gia nhập làng quần vợt thì những tên tuổi lâu đời khác đã có mặt trên sân đấu từ nhiều thập kỷ. Lacoste, thương hiệu thời trang xa xỉ của Pháp, đã chú trọng vào bộ môn tennis kể từ khi thành lập vào năm 1933. Suy cho cùng, nhà sáng lập René Lacoste đã tạo ra dáng áo polo dành riêng cho vận động viên quần vợt.
Catherine Spindler, Phó Giám đốc điều hành của Lacoste cho biết: “Lacoste chắc chắn được hưởng lợi từ giá trị vững chắc nhất nhờ nguồn gốc xuất phát từ thể thao của hãng, đặc biệt là bộ môn quần vợt”.
Lacoste hiện sở hữu hai trong số những tên tuổi lớn nhất của làng quần vợt đã đối đầu trong trận chung kết nam Giải Mỹ Mở rộng 2023: Novak Djokovic và Daniil Medvedev, với chiến thắng thuộc về Djokovic.
Những chiếc áo polo của Lacoste đã trở thành một phần quan trọng trong hiện tượng “thời trang quần vợt” hay xu hướng #tenniscore hiện đang làm mưa làm gió trên mạng xã hội. Đây không phải là điều đáng ngạc nhiên vì quần vợt “luôn gắn liền với sự sang trọng, kể cả ở góc độ thời trang”.
Catherine Spindler nói với CNN: “Gần đây, ảnh hưởng của tennis đối với thời trang còn mạnh mẽ hơn nữa và nhiều người đang áp dụng các quy tắc trang phục của môn thể thao này. Các trang phục thi đấu quần vợt được đánh giá cao và là nguồn cảm hứng cho mọi người.”
Gần đây, nữ diễn viên Zendaya đã diện bộ cánh được Lacoste thiết kế riêng cho buổi họp báo quảng bá phim “Challengers” ở Úc. Bộ trang phục này được bà Spindler nhận định là “bằng chứng khẳng định nguồn cảm hứng được tạo ra từ quần vợt”
Sự tham gia của các hãng rượu
Quần vợt không chỉ nâng cao danh tiếng của nhiều thương hiệu thời trang mà còn là nam châm thu hút các hãng rượu cao cấp. Giải Úc Mở rộng phục vụ những ly cocktail Aperol Spritz, Giải Pháp Mở rộng ở Paris có rượu sâm panh Moët & Chandon và Giải Wimbledon sẽ không thể trọn vẹn nếu không có rượu gin của Pimm's.
Tuy nhiên, loại cocktail nổi tiếng nhất trong các giải đấu tennis là ly Honey Deuce ở Giải Mỹ Mở rộng. Ly cocktail trị giá 22 USD này là sự pha trộn giữa rượu vodka Grey Goose, nước chanh và rượu mâm xôi Chambord và được trang trí với một miếng dưa mật. Vào năm 2023, một kỷ lục được ghi nhận với số lượng 450.000 ly Honey Deuce bán ra.
Các nhãn rượu đang tìm cách thâm nhập thị trường Mỹ coi độ phổ biến ngày càng tăng của bộ môn quần vợt là cơ hội để quảng bá. Hãy lấy Maestro Dobel làm ví dụ, đây là một nhãn hiệu rượu tequila được bán ở Mỹ từ năm 2008 nhưng bị lu mờ bởi các đối thủ cạnh tranh được người nổi tiếng hậu thuẫn.
Dobel đã trở thành nhà tài trợ rượu tequila chính thức của Giải Mỹ Mở rộng vào năm ngoái, mang theo ly cocktail Ace Paloma đã từng xuất hiện tại các giải quần vợt khác mà hãng tài trợ.
Lander Otegui, giám đốc tiếp thị của Proximo (công ty mẹ của Maestro Dobel) cho biết, mối quan tâm của thương hiệu đối với môn quần vợt “không phải chuyện xảy ra trong một sớm một chiều”, đồng thời đề cập tới việc Dobel đã tài trợ cho các giải đấu ở Mexico trong hơn một thập kỷ.
Trong những năm gần đây, Dobel đã mở rộng kinh doanh sang phía bắc Mỹ để trở thành nhà tài trợ cho các giải đấu cấp cao ở Miami, Indian Wells và Cincinnati - những nơi mà Dobel nhận thấy doanh số bán hàng tăng lên trong thời gian diễn ra giải đấu.
Ông Otegui cho biết, quần vợt đã thu hút lượng người hâm mộ “khá đa dạng” về độ tuổi nhưng những khán giả “kếch xù” thường xuyên theo dõi các giải đấu trực tiếp tại sân “luôn có mối quan hệ thân thiết với thương hiệu”.
Ông Otegui từ chối tiết lộ con số cụ thể mà thương hiệu cần chi trả cho việc tài trợ một giải đấu, nhưng ông cho biết đó là một “khoản đầu tư trị giá hàng triệu đô la”, bao gồm việc trả một khoản phí khổng lồ và các khoản thanh toán bổ sung cho việc trưng bày sản phẩm và đặc biệt là chi phí thuê khán đài riêng cho người nổi tiếng tại Giải Mỹ Mở rộng.
Năm ngoái, Dobel đã sở hữu cho mình một khu khán đài riêng ở Sân vận động Arthur Ashe - sân đấu lớn nhất của Giải Mỹ mở rộng - và đã thành công thu hút các ngôi sao hạng A như Charlize Theron và Katie Holmes tới theo dõi giải đấu, góp phần quảng bá tên tuổi của thương hiệu này.
Ông Otegui nói: “Quần vợt đang trải thời kỳ hoàng kim đáng kinh ngạc trong vài năm gần đây với số lượng người tham dự hầu hết mọi sự kiện ở Mỹ và trên toàn cầu đều đạt kỷ lục. Môn thể thao này đang ở một vị trí thực sự có lợi và điều đó cũng giúp chúng tôi củng cố danh tiếng của mình.”
Trong tương lai, thời kỳ hoàng kim này sẽ không gặp gián đoạn nếu USTA có thể hiện thực hóa mục tiêu tăng số lượng người chơi tennis lên 35 triệu người, tương đương 10% dân số Hoa Kỳ trong vòng thập kỷ tới.
Source: https://edition.cnn.com/2024/05/26/business/tennis-popularity-zendaya-challengers/index.html