Kè biển Cửa Đại bị sóng biển đánh sập khiến gần 500 hộ dân phường Cửa Đại, tuyến đường Âu Cơ, công trình cáp ngầm cung cấp điện cho đảo Cù Lao Chàm và nhiều khách sạn tiếp tục bị triều cường và sóng biển đe dọa.
Trước thực tế này, phương án sửa chữa khẩn cấp nhằm khắc phục hiện trạng sụt lún kè chống xâm thực bờ biển Cửa Đại đã được UBND thành phố Hội An khẩn trương thực hiện. Tuy nhiên do việc thi công phụ thuộc nhiều vào thủy triều và sóng biển nên đến thời điểm này dự án mới chỉ thực hiện đạt khoảng 60% khối lượng công việc. Theo đó, việc sửa chữa thân kè và 4 điểm bị sạt đổ đã hoàn thành.
UBND thành phố Hội An đã yêu cầu các đơn vị thi công hoàn thành dứt điểm việc thi công ở những vị trí xung yếu trước mùa mưa bão. Trong điều kiện thời tiết phức tạp không thể thi công, UBND thành phố Hội An đã có phương án bảo vệ công trình. " Chúng tôi đang nỗ lực để đến giữa tháng 10 này những hạng mục quan trọng nhất sẽ được cải tạo xong." ông Nguyễn Thế Hùng khẳng định.
Thường xuyên có mặt trên công trình, ông Trần Quốc, Giám sát công trình kè biển Cửa Đại cho hay: Hiện là mùa mưa nên việc thi công gặp nhiều khó khăn do sóng biển và triều cường tác động. Khắc phục khó khăn này, các đơn vị thi công đã dùng bao cát, vải kỹ thuật, vách thép để chắn sóng đảm bảo thi công.
Hằng ngày trên công trình, các đơn vị huy động hàng chục phương tiện cơ giới, chuẩn bị đầy đủ vật tư, nhân lực để thi công liên tiếp theo sự lên xuống của thủy triều. Dự kiến đến giữa tháng 10/2018 các đơn vị sẽ thi công hoàn thành phần dưới nước, đồng thời có phương án phòng chống lụt bão cụ thể để giảm thiểu thiệt hại cho công trình nếu mưa bão xảy ra.
Ông Nguyễn Long, đại diện Ban Quản lý đầu tư xây dựng thành phố Hội An cho biết, với nguồn kinh phí được bổ sung gần 30 tỷ đồng, việc gia cố sửa chữa khẩn cấp bờ kè biển Cửa Đại được tháo dỡ toàn bộ mái kè cũ và thay thế bằng mái kè mới với cấu kiện bê tông có kích thước và trọng lượng lớn hơn.
Toàn bộ hệ dầm khung từ cao trình +2,5 m đến dưới mặt nước -3,5 m, dài hơn 700 m được thay mới bằng cấu kiện bê tông đúc sẵn, được thiết kế có khả năng làm giảm được sức va đập mỗi khi sóng đánh. Thân kè còn được gia cố bằng trụ bê tông và được bổ sung cát bên trong để khắc phục tình trạng sụt lún.
Khối lượng bê tông mái kè cũ được tận dụng làm đê bao phía ngoài để ngăn sóng. Về lâu dài, thành phố Hội An sẽ tiến hành xây dựng hệ thống mỏ hàn, đê bao phía ngoài thân đập để giảm sóng, hạn chế xói lở, tạo bãi cát tự nhiên theo khuyến nghị của các nhà khoa học nhằm tăng cường ổn định lâu dài cho công trình,
Chạy đua với thời gian trên công trình kè biển Cửa Đại là nỗ lực đáng ghi nhận. Tuy nhiên việc đầu tư kinh phí để thi công sửa chữa khẩn cấp kè biển Cửa Đại cũng chỉ là giải pháp tạm thời, bởi việc làm kè để bảo vệ bờ biển Hội An trước sự xâm thực của triều cường và sóng biển đã diễn ra từ nhiều năm nay song vẫn chưa thu được kết quả khả quan.
Vấn đề cốt lõi để bảo vệ bờ biển Hội An trước sự xâm thực của triều cường và sóng biển đã nhiều lần được các nhà khoa học trong và ngoài nước khuyến cáo như: Nuôi bãi cát biển tự nhiên, hạn chế việc chặn nước ở vùng đầu nguồn để làm thủy điện và chấm dứt tình trạng khai thác cát bừa bãi trên hệ thống sông Thu Bồn..., tuy nhiên đến nay vẫn chưa được thực hiện một cách hiệu quả.
Quảng Nam khẩn cấp khắc phục sụt lún kè chống xâm thực biển Cửa Đại
Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An cho biết, do ảnh hưởng các đợt không khí lạnh kết hợp với triều cường hồi đầu năm 2018, đoạn kè mái taluy bằng tấm lát bê tông dài hơn 700 m, khu vực giữa khách sạn Sunrise và Fusion Alya, thuộc phường Cửa Đại, thành phố Hội An đã bị hư hỏng nặng.
Thân bờ kè biển Cửa Đại được gia cố bằng cát và bê tông để ngăn chặn tình trạng sạt, lún. |
Theo Báo Tin tức