Nhằm ứng phó với bão số 10, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu, đối với các địa phương miền núi có nguy cơ cao xảy ra trượt lở đất đá cần tổ chức tuyên truyền, khuyến cáo nhân dân chủ động quan sát khi thấy các dấu hiệu bất thường như nứt đất, nứt nhà, cây nghiêng, nước chảy sườn đồi chuyển màu…cần chủ động di chuyển đến nơi an toàn.
Các địa phương ven biển, cửa sông rà soát đảm bảo an toàn các trụ sở sơ tán tập trung, sẵn sàng phương án sơ tán dân cư khỏi các khu vực nguy hiểm. Kiên quyết không để người ở lại trên tàu, thuyền, lồng bè.
UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng đã ban hành văn bản hỏa tốc gửi UBND các huyện, thị xã, thành phố về việc khẩn trương triển khai sơ tán dân. Trong đó, UBND tỉnh đặc biệt nhấn mạnh, cần kiên quyết di dời, sơ tán những hộ có nhà yếu, đơn sơ không bảo đảm an toàn.
Đối với những trường hợp không hợp tác thì thực hiện cưỡng chế nếu cần thiết. Các huyện Sơn Tây, Minh Long, Sơn Hà tổ chức sơ tán, di dời dân, cán bộ, công nhân đang ở những khu vực đã và đang bị sạt lở đến nơi tránh trú an toàn. Việc sơ tán, di dời phải hoàn thành trước 17h ngày 3/11.
Theo báo cáo của Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, nhằm ứng phó bão số 10, lực lượng biên phòng và chính quyền các địa phương đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 49.877 phương tiện với 232.118 người biết diễn biến, hướng di chuyển của bão số 10 để chủ động di chuyển vòng tránh hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Hiện còn 8 phương tiện với 60 lao động (Bình Định) trong vùng nguy hiểm đã nhận thông tin và đang di chuyển vòng tránh. Các tỉnh từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa đã chỉ đạo gia cố, di dời đến nơi an toàn 189.829 lồng, bè.
Mưa lũ, sạt lở đất ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên đã khiến 83 người chết và mất tích (39 người chết, 44 người mất tích). Các tuyến quốc lộ trong khu vực còn 36 điểm ách tắc giao thông. Hiện còn 16.977 hộ bị ngập (Nghệ An 16.370 hộ, Hà Tĩnh 607 hộ), 52 xã mất điện tại 2 tỉnh Quảng Nam (12), Quảng Ngãi (40).