Tại đây, Chi cục đã phối hợp với Trung tâm kỹ thuật quan trắc môi trường thuộc Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp Quảng Ngãi lấy mẫu nước trong hồ nuôi để xét nghiệm nhanh các chỉ số về môi trường. Ông Hồ Minh Tuấn, Phó trưởng phòng Trung tâm kỹ thuật quan trắc môi trường, Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp Quảng Ngãi cho hay: "Chúng tôi text nhanh độ PH, DO để xác định hiện trạng nước trong hồ nuôi như thế nào. Còn các chỉ số khác như phú dưỡng, Ni tơ, Phốt phi, BOD... sẽ được lấy mẫu đem về phòng thí nghiệm tiếp tục xét nghiệm theo quy chuẩn".
Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã hướng dẫn hộ chị Đỗ Thị Vân sử dụng các loại thuốc kháng sinh trộn chung với thức ăn viên rải cho cá ăn để hạn chế sự lây lan dịch bệnh. Ông Nguyễn Đình Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Ngãi cho biết, theo nhận định ban đầu, cá chết có thể do ảnh hưởng của yếu tố môi trường không đảm bảo. Chi cục sẽ gửi mẫu cá cho Cơ quan Thú y vùng 4 Đà Nẵng xét nghiệm và trước khi có kết quả cuối cùng, Chi cục chỉ có thể hướng dẫn người dân một số biện pháp cơ bản để chăm sóc tốt số cá còn lại; cách tiêu độc, khử trùng hồ nuôi và hướng dẫn người dân chôn lấp số cá chết đúng quy định.
Cá chết nổi trắng hồ. |
Trước đó, như TTXVN đã đưa tin, nhiều hộ dân sống dọc đập Hố Chuối, thôn Phú Lễ 2, xã Bình Trung, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) lo lắng khi cá trong lòng đập chết hàng loạt, nổi dày đặc trên mặt nước, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Người dân cho biết, tình trạng cá chết diễn ra vài năm nay rồi nhưng với mức độ rải rác. Sau trận mưa lớn cách đây 3 ngày, cá chết với số lượng lớn, nổi trắng. Thiệt hại nhiều nhất phải kể đến các hộ nuôi cá gần khu vực hồ Hố Chuối, như gia đình chị Đỗ Thị Vân thả nuôi hơn 20.000 con cá trắm, mè, chép… trên diện tích 3,5 ha, mỗi ngày gia đình chị có khoảng gần 1 tạ cá chết, gây tổn thất vài triệu đồng.
Theo TTXVN