Quốc vương Campuchia đến Hà Nội, bắt đầu thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Sáng 28/11, Quốc vương Campuchia Preah Bat Samdech Preah Boromneath Norodom Sihamoni đến Hà Nội, bắt đầu thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 28 đến 29/11, theo lời mời của Chủ tịch nước Lương Cường.
Quốc vương Campuchia đến Hà Nội, bắt đầu thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam

Ra đón đoàn ở sân bay quốc tế Nội Bài có: Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Hà Minh Hải; Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Nguyễn Huy Tăng; cùng một số cán bộ của Văn phòng Chủ tịch nước và Bộ Ngoại giao.

Tháp tùng Quốc vương Norodom Sihamoni thăm Việt Nam có: Samdech Mahamontrei Kuy Sophal, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Hoàng cung, Cố vấn tối cao của Quốc vương; ngài Neth Savoeun, Phó Thủ tướng; bà Chan Samdarind, Cố vấn tối cao của Quốc vương, Phó Chánh Văn phòng Quốc vương; bà Mean Som An, Thượng nghị sĩ, Chủ nhiệm Ủy ban 8 của Thượng viện; ngài Sous Yara, Nghị sĩ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban 5 của Quốc hội; ngài Vann Van, Cố vấn tối cao của Quốc vương; ngài Kol Bunly, Cố vấn tối cao của Quốc vương, Quốc Vụ khanh Bộ Hoàng cung; bà Chea Kimtha, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Campuchia tại Việt Nam; ngài Kan Sovanna, Quốc Vụ khanh Bộ Hoàng cung; ngài Nov Sorpiseth, Quốc Vụ khanh Bộ Hoàng cung; ngài Chiep Chanyoutha, Quốc Vụ khanh Bộ Hoàng cung.

Quốc vương Norodom Sihamoni sinh ngày 14/5/1953, tại Phnom Penh, là con trai cố Quốc vương Norodom Sihanouk và Hoàng Thái hậu Norodom Monineath Sihanouk.

Từ năm 1959 đến 1962, ông học tại Tiểu học Norodom và Trung học Descartes ở Phnom Penh. Từ năm 1962 đến 1967, ông học Tiểu học và Trung học cơ sở tại Praha (Cộng hòa Séc - Tiệp Khắc cũ).

Từ năm 1967 đến 1971, ông học các khóa nhạc vũ kịch tại Nhạc viện Quốc gia Praha (Tiệp Khắc cũ). Năm 1970, ông tốt nghiệp Trung học Praha (loại xuất sắc). Năm 1971, ông đoạt giải Nhất trong khóa học vũ cổ điển tại Nhạc viện Quốc gia Praha.

Từ năm 1971 đến 1975, ông học nâng cao về nhạc vũ kịch tại Viện Hàn lâm Nghệ thuật âm nhạc Praha. Năm 1975, ông tốt nghiệp Viện Hàn lâm Nghệ thuật âm nhạc Praha; làm luận án “Khái niệm và quản lý các trường nghệ thuật ở Campuchia”.

Từ năm 1975 đến 1976, ông học cao học về nghệ thuật điện ảnh tại Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên. Từ năm 1979 đến 1980, ông là Thư ký riêng của Vua cha Norodom Sihanouk.

Từ năm 1981 đến 1990, ông là Giáo sư vũ cổ điển và giáo dục nghệ thuật tại Nhạc viện Marius Petipa, Nhạc viện Gabriel Faure và Nhạc viện W.A Mozart tại Paris; trong đó, giai đoạn 1984-1988, ông là Chủ tịch Hội múa Khmer tại Pháp; tổng đạo diễn và đạo diễn nghệ thuật của Nhóm Ballet “DEVA”. Giai đoạn 1988-1993, ông là tổng đạo diễn và đạo diễn nghệ thuật của Hiệp hội Điện ảnh Hoàng gia Khmer “Khemara Pictures”; đã sáng tác hai bộ phim ballet là “Giấc mơ” và “Bốn nguyên tố”.

Từ năm 1992 đến 1993, ông được các thành viên Hội đồng Dân tộc Tối cao Campuchia nhất trí bầu là Đại diện Thường trực của Campuchia ở Liên hợp quốc. Từ năm 1993 đến 2004, ông là Đại sứ Campuchia tại UNESCO.

Ngày 1/2/1994, ông được sắc phong tước hiệu Samdech Krom Khun. Từ ngày 17/10/2003, ông được bổ nhiệm làm Cố vấn tối cao của Quốc vương. Năm 2004, ông là thành viên của Hội đồng cấp cao Tổ chức Pháp ngữ (Francophonie).

Ngày 31/8/2004, ông được Quốc vương Norodom Sihanouk sắc phong tước hiệu Samdech Preah Boromneath. Ngày 14/10/2004, ông được các thành viên Hội đồng Tôn vương nhất trí bầu là Quốc vương của Campuchia để kế vị Vua cha Norodom Sihanouk đã quyết định thoái vị. Ngày 29/10/2004, ông chính thức đăng quang Quốc vương Campuchia.

Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam lần này là chuyến thăm lần thứ 4 đến Việt Nam của Quốc vương Campuchia Preah Bat Samdech Preah Boromneath Norodom Sihamoni.

Trong chuyến thăm, dự kiến Quốc vương Norodom Sihamoni sẽ có các cuộc hội đàm, hội kiến với tất cả các nhà lãnh đạo cấp cao nhất của Việt Nam, qua đó góp phần làm sâu sắc hơn mối quan hệ Việt Nam-Campuchia theo phương châm “Láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”.

Interpol bắt giữ 1.000 tội phạm mạng trên khắp châu Phi
Interpol bắt giữ 1.000 tội phạm mạng trên khắp châu Phi
(Ngày Nay) - Ngày 26/11, Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) cho biết đã bắt giữ hơn 1.000 đối tượng bị tình nghi là tội phạm mạng tại 19 quốc gia châu Phi trong một chiến dịch diễn ra vào khoảng từ tháng 9 đến tháng 10/2024.
Sữa đặc là một trong những sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Vinamilk, đã có mặt tại 35 quốc gia trên thế giới
Vinamilk: Một thương hiệu Quốc gia “đặc biệt” và “khác biệt”
(Ngày Nay) - Tính từ lần đầu tiên được vinh danh Thương hiệu Quốc gia năm 2010 đến nay, Vinamilk đã phát triển số thị trường xuất khẩu của mình từ 42 lên đến 62 quốc gia. Đáng chú ý, các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Vinamilk như Sữa đặc Ông Thọ, Sữa bột trẻ em Dielac, Sữa chua ăn Vinamilk… đều là những sản phẩm được vinh danh Thương hiệu quốc gia. Đó thực sự là một hành trình tiên phong để mang thương hiệu Việt đi ra thế giới và ngày càng nâng cao giá trị .
Các trường đại học lâm nguy do hạn chế sinh viên nước ngoài
Các trường đại học lâm nguy do hạn chế sinh viên nước ngoài
(Ngày Nay) - Làn sóng thắt chặt quy định nhập cư đối với sinh viên quốc tế tại các quốc gia như Anh, Canada và Australia đang đặt các trường đại học vào tình thế khó khăn chưa từng có. Không chỉ ảnh hưởng đến ngân sách hoạt động, động thái này còn tác động nghiêm trọng đến uy tín toàn cầu và khả năng đóng góp cho khoa học của các học viện.
Ngôi chùa 283 năm tuổi ở Bình Dương
Ngôi chùa 283 năm tuổi ở Bình Dương
(Ngày Nay) - Chùa Hội Khánh (Bình Dương) là di tích lịch sử cấp quốc gia với 283 năm tuổi. Đây là nơi cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh từng tới hoạt động, gây dựng phong trào yêu nước một thời gian khá dài từ năm 1923-1926.