ThS.BS Nguyễn Quang Thuận, Phó GĐ trung tâm Chống độc, BV cho biết, trong hơn 1 tuần trở lại đây, hầu như ngày nào cũng có bệnh nhân ngộ độc rượu vào cấp cứu. Trong đó không ít bệnh nhân quá nặng, không thể qua khỏi.
Trường hợp nặng mới nhất là bệnh nhân Trần Xuân Đ. (57 tuổi, Cầu Diễn, Từ Liêm, Hà Nội) bị ngộ độc methanol cấp.
Theo lời người nhà, ngày 17/12, ông Đ. uống rượu mua từ một cửa hàng gần nơi trọ. Ngay ngày hôm sau, ông Đ. có biểu hiện kích thích, đau đầu, mắt mờ, được người thân đưa vào BV Y học cổ truyền Hà Nội, sau đó được chuyển tiếp đến BV Bạch Mai cấp cứu lúc 10h sáng cùng ngày.
BS Thuận cho hay, khi nhập viện, bệnh nhân đã hôn mê sâu, thang điểm Glasgow chỉ còn 3 điểm (mức thấp nhất), toan chuyển hóa nặng, giảm thị lực, tụt huyết áp, suy gan, suy thận, ngộ độc rất nặng.
Bệnh nhân lập tức được cấp cứu theo hướng ngộ độc rượu. BS tiến hành hồi sức, chống độc, đặt nội khí quản, lọc máu.
Kết quả xét nghiệm cho thấy nồng độ methanol trong máu lên tới 169 mg/dL, trong khi bình thường ở mức 20 mg/dL đã rất nặng, phải lọc máu. Hiện tình trạng vẫn đang rất nguy kịch.
Theo Ths.BS Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai, rượu chứa methanol là rượu pha cồn công nghiệp. Khi vào cơ thể, methanol sẽ được chuyển hóa thành chất độc hơn, phát tác chậm, sau 1-2 ngày các biểu hiện bên ngoài mới rõ rệt. Ca ngộ độc methanol nặng nhất từ trước đến nay lên tới 687mg mathanol/dL.
Dù uống liên tục với liều không cao nhưng methanol vẫn tích lũy gây các tổn thương cho người bệnh.
Điều trị cho các bệnh nhân ngộ độc methnol rất tốn kém, tỉ lệ tử vong cao, những ca thoát chết cũng để lại di chứng nặng nề ở não, mắt rất nặng nề như phù, hoại tử nhân bèo, chảy máu não…
Theo VietNamNet