Ngoài ra, quận Hoàn Kiếm cũng phấn đấu có thêm khoảng 30 nhà hàng, khách sạn được gắn biển Nhà hàng, khách sạn an toàn thực phẩm và không khói thuốc.
Khả quan
Cho đến nay, Ban quản lý và Ban giám đốc 16 điểm văn hoá và 14 đình, đền, chùa thuộc quận Hoàn Kiếm đã quyết tâm ký cam kết “Điểm du lịch, văn hóa không khói thuốc”.
Đây là 30 điểm văn hóa, du lịch đầu tiên trong tổng số 150 điểm văn hoá, di tích thuộc quận Hoàn Kiếm thí điểm thực hiện mô hình không khói thuốc. Nếu người dân, khách du lịch cố tình vi phạm sẽ bị nhắc nhở, thậm chí phạt tiền ngay tại chỗ.
Nguyễn Minh Thư, sinh viên năm ba Đại học Ngoại ngữ Hà Nội cho rằng, việc xóa sổ khói thuốc ở những điểm du lịch trên địa bàn Hà Nội đáng lẽ phải thực hiện từ lâu, đây là nét văn minh mà nhiều quốc gia trên thế giới đã làm. “Trong những năm qua, Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá đã phần nào đi vào đời sống, thay đổi ý thức của một bộ phận giới trẻ, rất nhiều người trẻ chúng em không còn mặn mà hút thuốc nên chuyện thực hiện Điểm du lịch, văn hóa không khói thuốc có thể thực hiện thành công” – Thư nói.
Theo bà Phạm Thị Thanh Nhàn, Trưởng phòng Y tế quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đoàn kiểm tra liên ngành của quận đã đi khảo sát và nhận thấy việc thực hiện cam kết không khói thuốc ở 30 điểm văn hóa, du lịch này rất khả quan.
Trước đó, nhiều thành phố du lịch như Hội An, Hạ Long, Nha Trang… đã và đang thực hiện mô hình này, hứa hẹn sẽ trở thành những “thành phố du lịch sinh thái” không khói thuốc thu hút khách du lịch. Đơn cử, chỉ sau 3 năm triển khai thực hiện “Xây dựng Hội An - Thành phố du lịch không khói thuốc lá”, Hội An đã xây dựng những địa điểm không thuốc lá như khách sạn, nhà hàng, địa điểm tham quan du lịch, bệnh viện, nơi làm việc, doanh nghiệp.
Xử lý cứng hay mềm?
Ngay từ năm 2009, Hạ Long đã quyết tâm hướng đến mục tiêu trở thành những đô thị văn minh, không khói thuốc đầu tiên trên cả nước. Nhưng đến nay, tại nhiều điểm du lịch Hạ Long, người ta vẫn thấy vài ba điếu thuốc vờn bay như khói lam chiều. Việc triển khai khả quan hay không phụ thuộc nhiều vào sự nghiêm túc của ban quản lý, nhưng còn dựa vào ý thức của khách du lịch.
Ông Đặng Đình Bằng, phó ban thường trực Ban Quản lý phố cổ Hà Nội cho biết, việc thực hiện cam kết không mấy khó khăn với các điểm di tích này bởi từ vài năm nay gần như không mấy khi xảy ra tình trạng du khách hút thuốc lá tại các điểm du lịch. Nhưng khó khăn nhất là xử lý các trường hơp vi phạm, bởi ban quản lý các điểm du lịch không có chức năng xử phạt hành chính nên sẽ phải phối hợp với công an phường, quận, khá phức tạp, mất thời gian, trong khi điểm du lịch là nơi kinh doanh dịch vụ nên phải rất tránh gây phiền toái cho du khách. Xác định khâu xử phạt khó khăn nên bước đầu quận Hoàn Kiếm “không đặt nặng chuyện xử phạt”, chỉ chú trọng vào cảnh báo và nhắc nhở.
Tuy nhiên, theo nhiều người dân Thủ đô, nếu không khắt khe thực hiện thì việc triển khai các điểm du lịch không khói sẽ thất bại chẳng khác nào cấm hút thuốc nơi công cộng.
Mặc dù Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá đã có hiệu lực từ năm 2013 nhưng đến nay, rất nhiều người dân vẫn cố tình “phớt lờ” hút thuốc ngay cạnh các biển cấm ở bệnh viện, bến xe, công sở…
Nói về khó khăn này, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám Chữa bệnh (Bộ Y tế) lý giải, công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính hút thuốc lá còn gặp rất nhiều khó khăn do lực lượng thanh tra mỏng trong khi ý thức tuân thủ các quy định cấm hút thuốc của nhiều người còn hạn chế. Thuốc lá là sản phẩm gây nghiện nhưng lại được bày bán tràn lan ở khắp mọi nơi, với giá rất rẻ, bất cứ ai cũng có thể mua được… Chưa kể hành vi hút thuốc xảy ra nhanh, các lực lượng chức năng khó khăn trong việc xác định vi phạm nếu không có các thiết bị nghiệp vụ được phép sử dụng làm cơ sở cho việc xử phạt…
Ông Khuê nhấn mạnh, khói thuốc là thủ phạm hàng đầu gây ra ung thư phổi, khói thuốc còn có thể dẫn đến đột quỵ vì xơ vữa động mạch, xơ vữa động mạch tim.
Việc triển khai mô hình không khói thuốc thể hiện một xã hội văn minh, phải quyết tâm thực hiện, thực hiện đến cùng dù còn nhiều thách thức.