Đệ nhất danh cầm Nguyễn Phú Đẹ
Nghệ nhân dân gian Việt Nam Nguyễn Phú Đẹ sinh năm 1932 ở thôn Cao Xã, xã Dân Chủ, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương trong một gia đình năm đời ăn trùm tổng 2 huyện. Bố ông nguyên là quản giáp hàng tổng, mẹ ông vốn là một đào ngự- từng vào kinh thành Huế hát chúc thọ vua Nguyễn.Năm 10 tuổi, ông cùng với người anh là cụ Nguyễn Phú Đọ từ khi 10 tuổi đã được học đàn theo cha và ông nội, dần dần từng ngón đàn nhập tâm và cả hai anh em đều trở thành những kép đàn giỏi của giáo phường.
Danh cầm đệ nhất Nguyễn Phú Đẹ |
Các ngón đàn của ông đều đạt đến độ tuyệt kỹ, lối đàn "hàng huê" của ông, khiến nhiều ca nương "rụng" phách. Nhiều nhà nghiên cứu và thính giả sành nhạc gọi đó là ngón đàn "độc chiêu". Tiếng đàn của nghệ nhân Nguyễn Hữu Đẹ vang lên vô cùng biến hóa, tiếng đàn tròn trĩnh, ẩn mà hiện, xa mà gần hòa quên với tiếng ca, tưởng có mà không, tưởng không mà có, khiến cho người trong nghề cũng phải bội phục.
Hiện dù đã ngoài 85 tuổi, cụ Đẹ vẫn đàn vững vàng những kỹ thuật thượng đẳng từ khi còn trẻ. Ông là kép đàn duy nhất còn có thể đeo đàn đứng hát trong nghi lễ hát ca trù Cửa đình. Tuy tuổi đã cao, ông vẫn còn có thể lôi kéo người nghe vào khung cảnh và không khí của những canh hát xưa.
Trong quá khứ, nghệ thuật Ca trù được xem như thể loại nhạc chuyên nghiệp đầu tiên của người Việt. Từ 1000 năm trước, đã hình thành giới đào kép sinh hoạt trong một tổ chức nghề nghiệp gọi là giáo phường. Người đứng đầu là quản giáp- một chức sắc được nhà nước phong kiến ghi nhận. Khoảng trước thế kỷ XX trung bình mỗi huyện lại có từ một đến 2 làng Ca trù quần tụ sinh sống. Họ có nhiệm vụ thực hành phần nhạc lễ nơi đình làng Việt. Chính vì thế, Ca trù còn có tên gọi khác là Hát cửa đình một hình thức sinh hoạt được xem như cổ điển nhất của thể loại.
Phục dựng Hát cửa đình…
Trải bao thăng trầm, sinh hoạt hát cửa đình vẫn tồn tại cùng dòng chảy lịch sử. Chỉ đến khoảng thập kỷ 50 của thế kỷ XX, do nhiều nguyên nhân khác nhau, cùng với hình thức ca quán Cô đầu, hình thức Hát cửa đình đã chấm dứt đời sống sinh hoạt của mình. Đây được xem như thời kỳ đen tối của thể loại. Do cái nhìn khắc nghiệt trong xã hội, các đào kép, người thì chuyển sang nghề khác, người thì giấu nhẹm tung tích, bỏ hẳn nghiệp tổ nghìn đời.
Khoảng 20 năm trở lại đây, trong thời kỳ phục hồi các giá trị di sản, chúng ta đã dần làm sống dậy từng phần kho tàng nghệ thuật vô giá đó. Xã hội cũng đã có cái nhìn khác với Ca trù, đặc biệt sau khi bộ môn được vinh danh Di sản thế giới cần được bảo vệ khẩn cấp. Trong số những nghệ nhân lão thành còn lại hôm nay, cụ Nguyễn Phú Đẹ (91 tuổi) được xem là kép đàn duy nhất từng thực hành Hát cửa đình vùng Hải Dương thời xưa.
Vừa qua, giữa tháng 9/2014, CLB Ca trù Hải Phòng đã tổ chức một chương trình điền dã dài kỳ về với thầy Nguyễn Phú Đẹ ở Hải Dương. Dự án được thực hiện hoàn toàn do tình yêu tự thân của Câu lạc bộ với di sản cha ông. Trong khoảng 2 tháng ròng, cứ mỗi tuần từ 1-2 buổi, các đào kép lại dắt díu nhau về nhà nghệ nhân để học lại toàn bộ trình thức hát cửa đình.
Ca nương trẻ Hải Phòng học hát cửa đình |
Nghệ thuật hát Cửa đình được cụ Nguyễn Phú Đẹ dạy theo hướng phục dựng lại những nét cơ bản nhất của một không gian hát thờ. Các học trò được học đàn và hát đầy đủ 15 thể cách và thực hành tại chỗ theo sự dàn dựng của cụ Đẹ. Ngày 14/11/2014, CLB đã long trọng tổ chức lễ báo cáo tại nhà nghệ nhân để ông kiểm định chất lượng.
Sắp tới, vào hồi 14h ngày 14 tháng 1 năm 2015, tại đình Hàng Kênh, 55 Nguyễn Công Trứ, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng chầu hát cửa đình phục dựng đầu tiên trong lịch sử sẽ được ra mắt. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho loại hình di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam, một di cảo vô giá của tổ tiên còn lại từ ngàn xưa chính thức được chuyển giao thế hệ…
Xem thêm:
1. Công bố danh mục 26 Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia
2. Trái tim người trẻ khơi nguồn dòng chảy Dân ca Ví, Giặm giữa lòng Hà Nội
3. Mãn giác với đêm trình diễn tinh hoa cổ nhạc
4. Hình tượng danh tướng Việt Nam qua tác phẩm nghệ thuật
5. NSƯT Tạ Duy Ánh: Người giữ lửa cho bộ môn nghệ thuật khó chiêu sinh