Dự Lễ ra mắt có ông Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; các Phó Tổng Giám đốc TTXVN: Nguyễn Tuấn Hùng, Nguyễn Thị Sự; tác giả cuốn sách Trần Mai Hưởng; nguyên lãnh đạo TTXVN qua các thời kỳ, cùng nhiều bạn bè, đồng nghiệp của tác giả.
Trải qua 4 cuộc chiến tranh của thế kỷ XX, cả nước ta có khoảng 500 nhà báo - liệt sỹ. Họ là những người đã ngã xuống trên các chiến trường khác nhau, vì sự nghiệp thống nhất Tổ quốc, giành hòa bình, tự do cho dân tộc. Qua nhiều lần xác nhận, đối chiếu, số nhà báo - liệt sỹ của TTXVN được xác nhận là hơn 260 người. Nhà báo Trần Mai Hưởng là một trong số những người còn sống trở về và ông kể lại cuộc đời của người phóng viên chiến trường - những người chép sử bằng máu trong lửa đạn.
Phát biểu tại Lễ ra mắt cuốn sách, Phó Tổng Giám đốc TTXVN Nguyễn Thị Sự chúc mừng Nhà báo Trần Mai Hưởng đã có thêm một cuốn sách quý, làm dày thêm các tác phẩm của mình; chúc mừng Nhà xuất bản Thông tấn và Công ty Cổ phần sách Alpha đã ra mắt cuốn sách kịp thời, có ý nghĩa đúng vào dịp cả nước đang chuẩn bị chào mừng Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12).
Chia sẻ cảm nhận về cuốn sách, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Sự khẳng định: Cuốn sách giúp người đọc trở lại những năm tháng chiến tranh với những nhân vật, sự kiện trong những bối cảnh ác liệt, giúp thế hệ sau hiểu được một thời tuổi trẻ xông pha dấn thân của chính tác giả, cũng như những đồng nghiệp TTXVN trước đây - những người đã hoàn thành vẻ vang sứ mệnh nhà báo - chiến sỹ, làm nên lịch sử của TTXVN, đóng góp vào sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam. Cuốn sách cũng giúp hiểu hơn về một nhà báo yêu nghề, kính nghiệp, một vị lãnh đạo tiền bối của TTXVN, đã dành sự quan tâm, khích lệ, truyền lửa cho thế hệ trẻ để tiếp nối và phát huy truyền thống của TTXVN - cơ quan báo chí đã ba lần đón nhận danh hiệu Anh hùng.
Nghề báo là một nghề thực sự nguy hiểm, đặc biệt là đối với các phóng viên chiến trường, những người phải lăn lộn ở những nơi có tiếng súng, tiếng bom nhằm cung cấp đến cho độc giả những dòng tin, hình ảnh ở vùng chiến sự ác liệt. Họ thực sự ở giữa lằn sinh tử trước mũi tên hòn đạn. Độc giả càng thấy rõ điều này trong cuốn sách "Hồi ký phóng viên chiến trường" của tác giả, Nhà báo Trần Mai Hưởng.
Tác giả là một trong số những phóng viên có mặt ở tuyến đầu khi Quảng Trị vừa được giải phóng trong chiến dịch tổng tiến công 1972; là người tận mắt chứng kiến, ghi chép lại những khoảnh khắc trao trả tù binh giữa hai bên và niềm vui vỡ òa khi những chiến sỹ của ta bị tù đày gặp lại người thân tại Thạch Hãn, Quảng Trị sau khi Hiệp định Paris ký kết đầu năm 1973, Mùa Xuân 1975. Tác giả cũng là người có mặt ngay trong buổi sáng đầu tiên khi Thừa Thiên - Huế được giải phóng, kịp thời chuyển tải tin bài về không khí ngày hội của thành phố; có mặt ở Đà Nẵng sau khi thành phố được giải phóng để kịp thời đưa tin trong một hành trình đầy gian nan trên chiếc xe máy. Điều đáng nhớ nhất là tác giả kịp thời có mặt tại Dinh Độc Lập để ghi lại khoảnh khắc "Xe tăng quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975". Bức ảnh này sau đó được sử dụng rộng rãi, trở thành một biểu tượng quen thuộc của Đại thắng Mùa Xuân năm 1975 mà với tác giả, đó "là một kỷ niệm không thể nào quên trong cuộc đời làm báo" của mình.
Không chỉ tham gia đưa tin về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân, dân ta, tác giả, Nhà báo Trần Mai Hưởng còn tham gia đưa tin về cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, bảo vệ Tổ quốc và giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng, hồi sinh đất nước.
Ông là phóng viên trực tiếp có mặt tại Phnom Penh khi thành phố này được giải phóng để kịp thời có những tin, bài, ảnh về giải phóng thành phố, cũng như Svay Rieng, Prey Veng và nhiều hình ảnh khác về Campuchia. Khi bộ đội Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ trên nước bạn, ông cũng là người tận mắt chứng kiến tình cảm tốt đẹp của người dân Campuchia dành cho bộ đội Việt Nam.
Sau này, tác giả còn có mặt ở Hà Giang, Cao Bằng trong cuộc chiến đấu chống quân bành trướng xâm lược. Ông cũng có dịp đặt chân đến Hoa Kỳ, tìm về "dấu mốc liên quan đến ký ức", đó là đài tưởng niệm về chiến tranh Việt Nam ở New York và Washington. Những ghi chép của ông về người gốc Việt ở Hoa Kỳ cũng hiện lên rất sống động và những người gốc Việt nơi đây vẫn luôn mong muốn quê hương, đất nước phát triển giàu mạnh.
Giới thiệu về quá trình xuất bản cuốn sách, Giám đốc Nhà xuất bản Thông tấn Phùng Thị Mỹ cho biết: Nhà xuất bản được thành lập năm 2001. Qua hơn 20 năm xây dựng, trưởng thành, đơn vị đã cho ra đời rất nhiều cuốn sách có giá trị ở 3 mảng thế mạnh: thời sự - sự kiện, sách ảnh và đặc biệt là mảng sách về báo chí. Là một đơn vị trực thuộc TTXVN, Nhà xuất bản Thông tấn xác định các đề tài về báo chí là lĩnh vực trọng tâm, cần tập trung phát triển. Đó chính là lý do Nhà xuất bản hợp tác với Alpha Books và thương hiệu sách “Sống” giới thiệu với bạn đọc cuốn sách “Hồi ký phóng viên chiến trường” của tác giả, Nhà báo Trần Mai Hưởng.
Cuốn sách “Hồi ký phóng viên chiến trường” của tác giả, Nhà báo Trần Mai Hưởng là một tác phẩm của người làm báo, viết về chặng đường tác nghiệp của nghề phóng viên, Giám đốc Nhà xuất bản Thông tấn hy vọng cuốn sách sẽ mang lại cho độc giả, nhất là những người làm báo hay những ai mong muốn trở thành nhà báo, những trải nghiệm sâu sắc, thú vị về nghề phóng viên, đặc biệt là phóng viên chiến trường.
Dưới ngòi bút sắc sảo, sống động, cũng không kém phần lãng mạn qua những bài thơ trong sách, "Hồi ký phóng viên chiến trường" cho thấy Nhà báo Trần Mai Hưởng đã cùng đông đảo các đồng nghiệp cùng thế hệ đi qua những giai đoạn khó khăn ác liệt nhất của chiến tranh, trên khắp các chiến trường, thực hiện nhiệm vụ của những người "đưa tin trong lửa đạn".
Cuốn sách cũng cho thấy những chiêm nghiệm của tác giả về hành trình của một đời người qua những năm tháng khắc nghiệt của chiến tranh - hòa bình, những bài thơ trong sách cũng là chất xúc tác giúp cho các trang viết thêm liền mạch. Có lẽ những gì trải qua trong chiến tranh sau này đã trở thành những kinh nghiệm quý báu để ông có thể vận dụng linh hoạt trong quá trình lãnh đạo cơ quan sau này trên cương vị Tổng Giám đốc TTXVN.
Cuốn sách dày 468 trang, có 11 phần, khổ 16 x 24cm, bìa mềm, trình bày trang trọng, được phát hành trên toàn quốc.