“San hô chết không sinh ra các san hô con”, Giáo sư Terry Hughes - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu rạn san hô ARC tại Đại học James Cook, Úc (JCU) cho biết. “Số lượng san hô mới trên rạn san hô Great Barrier đã giảm 89% sau sự mất mát chưa từng có của san hô trưởng thành do sự nóng lên toàn cầu trong năm 2016 và 2017”.
Rạn san hô Great Barrier là hệ thống rạn san hô lớn nhất thế giới, bao gồm khoảng chừng 3.000 tảng đá ngầm riêng rẽ và 900 hòn đảo, kéo dài khoảng 2.600 km, bao phủ một vùng có diện tích xấp xỉ 344.400 km2. Phần đá ngầm nằm cách bờ biển Queensland về hướng đông bắc Úc. Rạn san hô Great Barrier được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới vào năm 1981.
Nghiên cứu đã đo lường số lượng san hô trưởng thành sống sót dọc theo chiều dài của hệ thống rạn san hô lớn nhất thế giới sau áp lực của nhiệt độ cao và số lượng san hô mới mà chúng tạo ra để bổ sung cho rạn san hô Great Barrier vào năm 2018.
“Số lượng ấu trùng san hô được sinh ra mỗi năm và nơi chúng di chuyển đến trước khi định cư trên một rạn san hô, là yếu tố quan trọng của khả năng phục hồi của rạn san hô Great Barrier. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy khả năng phục hồi của rạn san hô này hiện đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sự nóng lên toàn cầu”, Giáo sư Andrew Baird – đồng tác giả nghiên cứu nói. “Sự suy giảm lớn nhất trong việc bổ sung, giảm 93% so với các năm trước, xảy ra ở san hô nhánh và san hô bảng, Acropora. Khi trưởng thành, các san hô này cung cấp hầu hết môi trường sống san hô ba chiều hỗ trợ hàng ngàn loài khác”.
Giáo sư Hughes cho biết thêm: “Sự pha trộn của các loài san hô con đã thay đổi và điều đó sẽ ảnh hưởng đến sự pha trộn của san hô trưởng thành trong tương lai, vì sự phục hồi sẽ chậm hơn bình thường. Chúng tôi hy vọng sự hồi phục của san hô sẽ dần lấy lại được trong vòng 5 đến 10 năm tới. Và tất nhiên chúng ta mong rằng sẽ không thấy một sự kiện tẩy trắng san hô (cảnh tượng san hô chết đi và để lại “xương trắng” dưới đáy biển được gọi là “tẩy trắng san hô”) hàng loạt nào trong thập kỷ tới”.
Cho đến nay, rạn san hô Great Barrier đã trải qua bốn lần tẩy trắng hàng loạt do sự nóng lên toàn cầu, vào năm 1998, 2002 và quay trở lại vào năm 2016 và 2017. Các nhà khoa học dự đoán rằng khoảng cách giữa các sự kiện tẩy trắng san hô sẽ tiếp tục thu hẹp khi sự nóng lên toàn cầu tăng cường.
“Chúng ta khó có thể thoát khỏi việc phải chứng kiến sự kiện tẩy trắng san hô thứ năm hoặc thứ sáu trong thập kỷ tới”, Giáo sư Morgan Pratchett, một đồng tác giả nghiên cứu khác, cho biết.
Giáo sư Pratchett nói thêm rằng các rạn san hô phía nam thoát khỏi sự tẩy trắng vẫn còn trong tình trạng rất tốt nhưng chúng ở quá xa để bổ sung cho các rạn san hô ở phía bắc.
“Chỉ có một cách để khắc phục vấn đề này, đó là giải quyết nguyên nhân gốc rễ của việc sưởi ấm toàn cầu bằng cách giảm phát thải khí nhà kính xuống 0 càng nhanh càng tốt”, Giáo sư Terry Hughes nói.