Ngóng người thân trong vô vọng
Tháng 10/2020, mưa lớn đổ xuống trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế. Tại trung tâm thành phố Huế, anh Đặng Văn Thành và vợ cặm cụi đưa đống hàng hóa lên cao, chạy lũ. Họ không có thì giờ đọc báo, xem tin tức.
Chiều 13/10/2020, người dưới làng điện lên cho anh chị, hỏi han: “Nghe tivi đưa tin thủy điện Rào Trăng sạt lở, vùi lấp nhiều người. Em nhà mình có bị chi không?”. Sau cú điện thoại, anh Thành dừng tay, lòng cảm thấy bất an hơn. Anh nói với vợ rồi mở tin tức ra xem. Đúng như thông tin báo, thủy điện Rào Trăng 3 xảy ra sự cố.
Vợ chồng anh Thành tức tốc thuê xe ra xã Phong Xuân hỏi han tình hình. Cả hai giấu ông bà chuyện này.
Anh Thành đi tìm em trai vợ, anh ghé thắp nhang tại chiếc am lập cho các nạn nhân xấu số đã được tìm thấy trước đó. Ảnh: Nguyễn Đắc Thành |
Nhiều tuyến đường trong thành phố ngập nước. Quốc lộ 1A đoạn qua thị xã Hương Trà ngập, giao thông bị chia cắt. Người đàn ông với khuôn mặt đen nhẻm, rắn chắc, bận bộ đồ sơ xài khăn gói đi hỏi thông tin em vợ. Vợ anh trong bộ quần áo mưa, khuôn mặt thất thần cùng chồng đi nghe ngóng tin tức em ruột. Hai người tìm đường lên xã Phong Xuân, nơi nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 đang thi công.
Tại trung tâm xã, nhiều xe cơ giới cỡ lớn, xe quân sự, y tế… đậu dọc hai bên đường. “Sự việc nghiêm trọng rồi”, anh nghĩ, rồi cả hai đi vào Ủy ban xã Phong Xuân hỏi thông tin.
“Tôi có người thân làm việc trong thủy điện”, anh trình báo với cơ quan chức năng. Phía chính quyền nói rằng họ chưa có được thông tin cụ thể về tình hình trong đó, đường đi vào thủy điện đang bị sạt lở nghiêm trọng.
Cả hai đi dọc đường ở trung tâm xã, hỏi dò dân sống ven đường xem tình hình như thế nào, nhưng không có thông tin gì. Mọi thứ mù mờ. Chỉ duy nhất hình ảnh những chiếc xe cơ giới cỡ lớn liên tục được điều chuyển vào sâu trong rừng từ tuyến đường mòn là hiển hiện trước mặt vợ chồng anh.
Công an đứng chốt dọc các tuyến đường. Người thân những công nhân đang làm việc trong nhà máy thủy điện bắt đầu đổ về Phong Xuân ngày một đông. Họ đến và cũng chỉ biết đứng nhìn sâu vào trong hun hút núi thẳm. Mọi thông tin đều mất tín hiệu.
Chiều tối 14/10/2020, nghe được thông tin có đưa một số anh em bị thương từ thủy điện Rào Trăng 3, theo đường thủy ra Bệnh viện Bình Điền, thị xã Hương Trà. Vợ chồng anh Thành tức tốc bắt xe đi qua đó. Quãng đường đi hơn 50km, cả hai nguyện cầu cho đứa em của mình nằm trong số những người được đưa ra. Nhưng rồi cũng không thấy em ở đâu trong số đó. Anh nghĩ mọi chuyện đang “lành ít dữ nhiều”.
Người nhà nạn nhân mong ngóng tin tức con em mình. Ảnh: Nguyễn Đắc Thành |
Đêm đó vợ chồng anh quay về nhà, vẫn chưa tính đến chuyện giấu thông tin. Nhưng bố mẹ vợ anh đã biết. Cả hai không giấu nhưng cũng không có chút thông tin gì hơn để trả lời ông bà. Cả nhà ngồi nhìn nhau, lặng thinh trong căn nhà giữa trung tâm thành phố.
Những ngày sau đó, vợ chồng anh tiếp tục khăn gói ra Phong Xuân nghe ngóng thông tin. Ông bà ở nhà được đứa em gái qua chăm sóc. Tinh thần cả nhà xuống hẳn. Cuộc sống xáo trộn khi chưa biết rõ thông tin đứa con trai độc đinh như thế nào.
Anh Huỳnh Ngọc Cường là một trong số những người từ Sài Gòn bắt xe ra quê đi tìm kiếm thông tin em trai. Cũng như bao nhiêu người thân các nạn nhân khác, anh Cường cũng chẳng có được chút thông tin gì. Đến giờ vẫn vậy, anh vẫn chưa biết em mình đang ở đâu.
Đứa em làm ở thủy điện Rào Trăng 3 hơn một năm, vừa mới được ký hợp đồng gần tháng thì xảy ra sự cố. Đến giờ, thông tin về em vẫn là con số không. “Khi nghe tin, mình hi vọng em nó sẽ chạy thoát được vào rừng. Giờ mình vẫn hi vọng trong lúc em hoảng loạn, bỏ chạy vào rừng rồi thất lạc đâu đó chứ không phải bị chôn vùi dưới đất đá, dưới suối”, anh Cường con mắt đỏ hoe, chăm chú dõi theo những chiếc gàu múc đất đá dưới suối.
Lực lượng công an, quân đội nắn dòng để tìm kiếm nạn nhân. Ảnh: Nguyễn Đắc Thành |
Cuộc vật lộn với đất, đá và nước
Hơn 1 tuần sau sự cố, tuyến đường 71 dẫn vào thủy điện Rào Trăng 3 đã được thông tuyến. Xe cơ giới, cùng hàng nghìn lượt người luân phiên nhau vào đào bới, tìm kiếm người mất tích. 17 người được xác định mất tích khi xảy ra sạt lở. 4 giai đoạn tìm kiếm được đưa ra, chỉ mới tìm kiếm được 6 thi thể. Những người còn lại, hiện đang ở đâu, nằm ở điểm nào dưới hàng trăm m3 đất, đá vẫn chưa thể xác nhận cụ thể. Những điểm được đặt hi vọng lớn sẽ tìm gặp đều đã xới tung lên, nhưng không có kết quả.
Trước Tết nguyên đán 2 tuần, anh Thành nằm mơ thấy em vợ về báo mộng. Đứa em đứng trên một mô đất cao, vẫy tay chào anh Thành rồi chỉ xuống dưới chân mình. Ở đó là một triền đồi, đất còn mới. Anh Thành đứng ở con đường bê-tông ngước mắt lên nhìn đứa em. Trong giấc mơ, anh thấy mình đào bới ở khoảnh đất đứa em đứng, phát hiện có hai thanh trụ bê-tông, một tấm tôn và một thi thể. Tỉnh cơn mơ, người anh toát ướt cả mồ hôi. Lúc đó, 2 giờ sáng.
Sáng hôm sau, anh cùng người nhà quay vào lại hiện trường, đào ở chỗ đất mà anh nằm mơ đêm hôm trước, tất cả những gì anh nằm mơ đều phát hiện được khi đào xới đất lên, trừ thi thể người.
Một vài tài sản, đồ dùng của nạn nhân được tìm thấy, nhưng thi thể thì chưa.... Ảnh: Nguyễn Đắc Thành |
Khi những cơn mưa liên tiếp trút xuống Thừa Thiên - Huế, giai đoạn ba của việc tìm kiếm các nạn nhân khép lại. Những hi vọng lớn lao nhất của người thân chờ đợi vẫn không đem lại sự khởi sắc gì. Họ, đành vin vào những quẻ bói tâm linh như một sự dựa dẫm và tìm kiếm chút hi vọng. Người nhà mời thầy cúng, xem quẻ. Thầy chỉ đâu, những khối đất được đào xới tung lên, nhưng không thấy gì. “Gia đình đi coi bói, thầy nói tháng 3 này sẽ tìm ra”, anh Cường nắm chặt hai bàn tay vào nhau, dưới suối xe múc và đội tìm kiếm vẫn đang làm việc cật lực.
Đi tìm em, anh Cường phải xin nghỉ việc. Anh để lại vợ và con nhỏ ở đất khách, mưu sinh qua ngày. Mẹ ở nhà tinh thần suy sụp, các chị em phải thay nhau chăm sóc. Bố mất sớm, anh con cả phải cáng đáng mọi việc. “Giờ phải tìm cho ra em. Thực sự là giờ không có tâm trạng để nghỉ đến những việc khác”, anh Cường bộc bạch.
Tìm kiếm đến cùng…
Gần cuối tháng 3, anh Thành nhận được thông tin lực lượng tìm kiếm phát hiện được nhiều vật dụng cá nhân, trong đó có một chiếc ví của em vợ. Anh báo cho gia đình. Sáng hôm sau, anh cùng vợ và đứa em bắt xe lên thủy điện Rào Trăng 3, dọc đường họ hi vọng sẽ tìm được thi thể em mình.
Chiếc xe dừng lại tại hiện trường tìm kiếm, đơn vị tìm kiếm giao chiếc ví cho phía gia đình, bên trong có giấy tờ tùy thân, bằng lái xe, và 100 nghìn đồng. Vợ anh Thành, cầm chiếc ví khóc nức nở. Cả ngày hôm đó, họ dõi theo cuộc tìm kiếm, hi vọng tìm ra em, nhưng đến chiều tối không có thêm thứ gì tìm được. Hai người chị bắt xe về trông coi ông bà ở nhà. Anh Thành ở lại tìm kiếm cùng với lực lượng quân đội, công an.
Lực lượng tìm kiếm dùng máy quét tầm nhiệt rà soát dưới lòng sông. Ảnh: Nguyễn Đắc Thành |
Giai đoạn 4 được tiến hành tìm kiếm khi thời tiết ở Thừa Thiên - Huế bắt đầu vào mùa nóng. Lực lượng tìm kiếm được triển khai lại. Máy móc, phương tiện được đưa vào lại hiện trường tiến hành ngăn suối, nắn dòng chảy tìm kiếm. Hơn 30.000 m3 đất đá được đào xới. Đội tìm kiếm phát hiện xe máy, tủ lạnh nằm sâu dưới suối.
Một số người nhà những nạn nhân mất tích, họ vào ăn ở cùng với lực lượng tìm kiếm. Khi những chiếc xe múc đào bới đất đá, họ ngồi bên bờ đưa mắt dõi theo. Những đống đất, cát được múc lên đổ xuống bên cạnh. Mỗi chiếc xe ngoài tài xế còn có thêm một chiến sĩ quân đội ngồi bên cạnh, khi thấy có vật thể nghi ngờ họ sẽ ra hiệu để xe làm chậm lại, xới đất nhẹ hơn.
Trưa. Công việc dừng lại, đội tìm kiếm ăn cơm, nghỉ trưa, người thân họ đi dọc suối, đưa mắt dò tìm trong các hóc đá, từng con suối. “Biết là anh em và chó nghiệp vụ dò tìm kỹ lắm rồi, nhưng chúng tôi cứ đi vậy, biết mô được”, anh Thành vừa đi dọc suối, vừa nói.
Bữa trưa của lực lượng tìm kiếm bên bờ sông. Ảnh: Nguyễn Đắc Thành |
Những chiếc ví, vật dụng cá nhân được tìm thấy vào đoạn cuối tháng ba, người nhà nạn nhân đã rất hi vọng, họ nghĩ thầy bói gieo quẻ đúng. Nhưng rồi, đợt 1 của giai đoạn 4 kết thúc, họ không nhận được thứ gì thêm.
“Chúng ta kỳ vọng lớn, nhưng vẫn chưa có kết quả. Anh em cũng làm hết khả năng, điểm nào làm được thì đã làm”, ông Nguyễn Văn Phương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, nói và hi vọng “gia đình các nạn nhân chia sẻ với chính quyền”.
Mỗi giai đoạn tìm kiếm nạn nhân mất tích, lực lượng tìm kiếm luôn túc trực quân số từ 50-70 chiến sĩ, bao gồm cả lực lượng quân đội, công an… Họ thay phiên nhau đào xới, dò tìm ở những điểm đất, đá được xới lên.
Một nhóm các chiến sĩ khác làm nhiệm vụ hậu cần, nấu ăn từ khuôn viên thủy điện Rào Trăng 4, cách đó hơn 10km rồi vận chuyển mọi thứ cung ứng cho đội tìm kiếm.
“Quan điểm của tỉnh sẽ tìm kiếm đến cùng, không bỏ. Kết quả tìm kiếm thì chúng ta đã biết, nhưng vẫn chưa tìm thấy nạn nhân”, Phó Chủ tịch tỉnh nhấn mạnh. Ông Phương cho hay, trong giai đoạn 4 này, chính quyền sẽ tiếp tục làm bãi bồi thứ 2 và thứ 3 là chấm dứt. Tỉnh này xác định còn 2 bãi bồi ở trên dòng suối có khả năng tìm kiếm. Về vị trí ở đập chân xả, vấn đề kỹ thuật không cho phép nếu không ngăn dòng; không có máy bơm nào bơm nổi với lượng nước ở sông hiện nay.
“Điều kiện đầu tiên phải ngắt được nước, chỉ có ngắt nước mới có thể làm được. Nguyên tắc thì bãi bồi thì phải tìm kiếm hết”, ông Phương nhấn mạnh, và đề nghị nhà máy 15 ngày phải có kế hoạch chi tiết về phương án tìm kiếm ở khu vực nhà máy. Bộ chỉ huy quân sự tỉnh sẽ phụ trách ở khu vực bãi bồi thứ 2.
Chính quyền tỉnh đưa ra phương án, phải đẩy nhanh tiến độ vào khoảng cuối tháng 6 và sẽ khẩn trương tìm kiếm. Nếu chậm, thời tiết vào mùa mưa sẽ khó thực hiện được. Ông Phương giao cho Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh phối hợp với các đơn vị để lên phương án, kế hoạch và cả thời gian để tiếp tục tìm kiếm.