Các nhà nghiên cứu từ Đại học McMaster và Viện nghiên cứu của Trung tâm Y tế Đại học McGill đã tiến hành thực nghiệm và quan sát trên các bệnh nhân bị gãy xương hở. Các bệnh nhân được chia làm 2 nhóm, một nhóm được rửa vết thương bằng nước muối, nhóm còn lại rửa vết thường bằng xà phòng và nước.
Sau 12 tháng quan sát, các nhà nghiên cứu theo dõi tình hình vết thương của các bệnh nhân xem có ai bị nhiễm trùng hoặc gặp phải các vấn đề tại vết thương hay không. Kết quả cho thấy việc sử dụng xà phòng và nước để làm sạch vết thương sẽ có nguy cơ bị nhiễm trùng cao và lâu lành hơn việc làm sạch bằng nước muối.
Nghiên cứu trên được công bố trên tạp chí y học New England Journal of Medicine. Khoảng 2.400 bệnh nhân bị gãy xương hở ở cánh tay hoặc chân đã tham gia vào nghiên cứu này, phần lớn trong số đó đến từ Mỹ, Canada, Australia, Na Uy và Ấn Độ.
“Đã có rất nhiều tranh cãi xung quanh việc làm sạch vết thương đối với người bị gãy xương hở. Tất cả các vết thương cần phải được làm sạch từ bên trong, nhưng bằng chứng bất ngờ cho thấy rằng làm sạch vết thương bằng xà phòng thực chất không tốt hơn việc chỉ dùng nước”.
Các nhà nghiên cứu tin rằng phát hiện này sẽ giúp các nước có thu nhập thấp và trung bình tiết kiệm được đáng kể chi phí trong việc làm sạch vết thương bởi vì những quốc gia này có hơn 90% số những người tử vong là do tai nạn giao thông.
“Phát hiện này có ý nghĩa quan trọng cho việc chăm sóc các bệnh nhân bị gãy xương hở trên toàn thế giới, đặc biệt là ở các nước phát triển với số ca gãy xương hở ngày càng tăng”, Tiến sĩ Edward Harvey, Giám đốc Khoa Chỉnh hình chấn thương tại Trung tâm Y tế Đại học McGill cho biết.
Danh Tuyên (theo IBTimes)