Mút rửa bát
Nhiều nghiên cứu khẳng định mút rửa bát là vật dụng bẩn nhất trong nhà. Mới đây nhất, khảo sát của Trung tâm hợp tác về An toàn thực phẩm và nước uống của Tổ chức Y tế thế giới WHO - NSF International chỉ ra: 77% mẫu mút rửa bát chứa khuẩn Ecoli – gây tiêu chảy, các bệnh đường ruột và khuẩn Samonella - thủ phạm gây bệnh thương hàn, ngộ độc thực phẩm.
Đáng sợ hơn, 18% mút rửa bát chứa tụ cầu khuẩn – loại vi khuẩn có khả năng gây ra những căn bệnh nguy hiểm như nhiễm trùng da, dẫn đến nhiễm trùng huyết và có thể gây viêm tủy xương, viêm màng não…
Bạn nên thay mút rửa bát 2 tuần/lần. Ngoài ra, có thể để mút rửa bát ẩm vào lò vi sóng, quay 2 phút/ngày để triệt tiêu hoàn toàn vi khuẩn. Nếu nhà bạn dùng loại cước, nhúng vào nước sôi mỗi 1-2 ngày/lần.
Bàn chải đánh răng
Bạn có biết, khi giật nước bồn cầu, vi khuẩn sẽ phát tán trong không gian nhà tắm trong thời gian 2 tiếng và bám lại nhiều nhất trên… bàn chải? Đây là kết quả nghiên cứu gây sốc của ĐH Arizona – Mỹ. Như vậy, ngoài lượng vi khuẩn truyền từ miệng khi đánh răng mỗi 2 ngày/lần, bàn chải còn “gánh” một lượng vi khuẩn khổng lồ mỗi khi bạn giật nước.
Ngoài lượng vi khuẩn truyền từ miệng khi đánh răng mỗi 2 ngày/lần, bàn chải còn “gánh” một lượng vi khuẩn khổng lồ mỗi khi bạn giật nước. (Ảnh minh họa).
Nhất thiết phải đóng nắp bồn cầu khi giật nước là việc cần làm. Ngoài ra, bạn cần đặt bàn chải xa bồn cầu, ở nơi đảm bảo thoáng khí, và không quên thay bàn chải mỗi 3-4 tháng lần để bảo vệ sức khỏe răng miệng nói riêng và cơ thể nói chung.
Đồ chỉnh tivi
Rơi xuống đất, nhét trong kẽ sofa, được nhiều người cầm nắm, dính tia nước bọt khi ho, hắt hơi…, đồ chỉnh ti vi là món vật dụng chứa nhiều vi khuẩn hàng đầu mà ít ai ngờ tới.
Để loại bỏ ổ vi khuẩn này, bạn cần định kỳ vệ sinh đồ chỉnh ti vi bằng bông sạch thấm cồn. Thực hiện tương tự với các vật dụng thường xuyên có tay người cầm nắm như tay nắm cửa, công tắc đèn quạt… để đảm bảo chúng không trở thành vật trung gian truyền các bệnh về hô hấp, đường ruột cho cả gia đình.
Đệm
Trong mỗi chiếc đệm chứa từ 100 nghìn đến 10 triệu bọ mạt - loại ký sinh trùng ăn da chết do cơ thể đào thải mỗi ngày khi bạn ngả lưng trên chiếc đệm – nguyên nhân gây nhảy mũi, viêm mũi dị ứng, các bệnh hen suyễn và ngứa ngáy ngoài da. Đó là chưa kể, bề mặt đệm cũng là nơi “chứa chấp” tất cả loại vi khuẩn tìm thấy trên bồn cầu, bao gồm cả khuẩn Ecoli và Samonella.
Công đoạn vệ sinh đệm cũng đòi hỏi nhiều công sức và kỹ thuật nhất: bạn có thể đổ soda lên đệm để khử khuẩn, dùng gậy đập lên bề mặt đệm để tống khứ bụi bẩn, da chết và các loại ký sinh trùng tích tụ, sau đó dùng máy hút bụi hút sạch lần nữa, phơi nắng tối thiểu 12 tiếng liên tục để trừ khử nấm mốc. Việc vệ sinh này cần tiến hành 1 tháng/lần mới đảm bảo tấm đệm sạch sẽ tinh tươm, an toàn cho sức khỏe.
P.V