Tại bãi đất trồng gần nhà văn hóa tổ 7 phường Đồng Mai, quận Hà Đông, Hà Nội là nơi mà gia đình ông N dùng để chế biến chanh, quất phục vụ làm mứt Tết. Tuy nhiên, bãi đất này cũng là nơi chăn thả trâu, bò, gia cầm và vứt rác thải bừa bãi.
Những hố đất rộng được đào lên và phủ bạt nylon dùng để chứa, ủ chanh, quất tươi. Phía dưới lớp chanh này là một lớp vôi bột, phía trên là một lớp muối. Hàng tấn chanh, quất được ủ trong khoảng chục ngày thì đào lên để phơi khô.
Điều đáng nói ở đây là những chiếc hố chứa nước đục ngầu, bốc mùi hôi thối liên tiếp được dùng để ủ hết phần chanh, quất này đến phần chanh, quất khác mà không qua một quá trình xử lý vệ sinh nào cả.
Được biết, nguyên liệu chính là chanh, quất được nhập từ Hòa Bình, số hàng này được đóng thành từng bao tải và chuyển về tận nơi. Giá thành khá rẻ, chỉ từ vài trăm nghìn đến 1 triệu đồng/tấn.
Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Quang Thoan - Chủ tịch UBND phường Đồng Mai, cho biết, vào năm 2013, 2014 trên địa bàn có một số hộ gia đình làm nghề ủ chanh, quất làm mứt tết nhưng đã được phường xử lý và đến nay không tái phạm nữa.
Hiện nay, trên địa bàn chỉ còn duy nhất hộ ông N là còn tiếp tục làm công việc này, nhưng cơ quan chức năng phường lại không nắm rõ được tình hình kinh doanh của hộ gia đình.
Nói về hố ủ chanh, quất đang hoạt động, ông Thoàn cho biết, hai hố đó ngày trước hoạt động, tuy nhiên đến nay phường đã nghiêm cấm và ngừng sử dụng. Những gì ông Thoàn trao đổi đều trái ngược với thực tế đang diễn ra. Sự thật, tại bài phơi này hàng ngày vẫn có hàng tấn chanh, quất được chủ hộ chế biến.
Từ trước đến nay, phường Đồng Mai là vùng nổi tiếng với nghề sơ chế ô mai. Sau khi các nguyên liệu được ủ và phơi nắng tại đây sẽ được xuất đến các cơ sở đặt hàng trong nước hoặc xuất sang Trung Quốc.
Mặc dù các cơ quan chức năng đã kiểm tra nhiều mặt hàng mứt Tết nhưng trên thực tế vẫn có nhiều sản phẩm mứt không rỗ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn len lỏi vào thị trường, bán tràn lan dưới hình thức bán hàng online.
Lê Khánh