Mẹ cháu Bảo A. cho biết: từ lúc 21 giờ tôi thấy con quấy khóc, khó chịu và ăn sữa kém. Khoảng 4 tiếng sau tức là rạng sáng kiểm tra thấy bụng con căng cứng, bụng chướng và cũng không đi tiểu tiện, đại tiện được như thường ngày. Gia đình rất lo lắng nên đã đưa con tới cơ sở y tế tại địa phương để thăm khám và được chuyển ra bệnh viện tuyến Trung ương.
Tuy nhiên trên đường đi qua tỉnh Bắc Giang, tôi thấy con mệt hơn, da tái và nôn trớ ra nhiều dịch vàng nên gia đình đã quyết định cho con đến viện Sản Nhi Bắc Giang để được điều trị kịp thời.
BS tiến hành cắt đoạn ruột bị hoại tử của cháu Bảo A. (Ảnh: Sức khoẻ & Đời sống) |
Ngay khi tiếp nhận bệnh nhi, các bác sĩ Khoa Ngoại thăm khám thấy cháu Bảo A. đã bị hạ huyết áp, bụng căng chướng, bí trung, đại tiện, có dấu hiệu rắn bò, quai ruột nổi và nôn nhiều ra dịch vàng, đồng thời chỉ định cho cháu Bảo A. làm các xét nghiệm cấp cứu cần thiết và siêu âm, chụp X-quang ngay tại giường bệnh.
Sau khi có kết quả, dưới sự chỉ đạo của Giám đốc bệnh viện - BS CKII Lê Công Tước, các bác sĩ Khoa Ngoại đã hội chẩn với các bác sỹ Khoa Cấp cứu, Hồi sức tích cực và Chống độc thống nhất chẩn đoán xác định cháu Bảo A. bị xoắn ruột và có chỉ định phẫu thuật cấp cứu xử trí thương tổn, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện để hồi sức tích cực cho cháu Bảo A. sau phẫu thuật bởi cháu Bảo A. đã có tình trạng rối loạn điện giải và nhiễm trùng, nhiễm độc.
Khi tiến hành phẫu thuật, quan sát trong ổ bụng bệnh nhi, kíp phẫu thuật nhận thấy có nhiều dịch vàng nhạt trào ra. Kiểm tra các quai ruột, phát hiện quai ruột cách góc hồi manh tràng khoảng 80 cm bị xoắn và tím đen một đoạn dài khoảng 20cm, nhận định quai ruột xoắn đã bị hoại tử không có khả năng phục hồi nên kíp phẫu thuật đã tiến hành cắt đoạn ruột bị hoại tử và thực hiện kỹ thuật khâu nối ruột tận - tận, khâu nối trực tiếp 02 đầu ruột với nhau không phải làm hậu môn nhân tạo. Sau khi nối kiểm tra ruột lưu thông tốt, nuôi dưỡng tốt và không bị chảy máu.
Sau 1 giờ phẫu thuật căng thẳng, ca phẫu thuật đã được thực hiện thành công bởi kíp mổ gồm BS CKI Phạm Văn Đại - Trưởng Khoa Ngoại, BS Hoàng Văn Bình và BS CKI Phạm Văn Khôi phụ trách gây mê.
Sau phẫu thuật, bệnh nhi được chuyển về điều trị tại Khoa Cấp cứu, Hồi sức tích cực và Chống độc. Tuy nhiên do có biểu hiện nhiễm trùng, nhiễm độc nên ngay khi về Khoa để điều trị hậu phẫu, các bác sĩ tiến hành cho trẻ thở máy xâm nhập qua ống nội khí quản, điều chỉnh thăng bằng kiềm - toan, cân bằng nước điện giải, dùng kháng sinh chống nhiễm khuẩn và nuôi dưỡng bé hoàn toàn theo đường tĩnh mạch.
Sau 12 tiếng, trẻ cai được máy thở và được chuyển sang nuôi dưỡng bằng đường tiêu hoá qua ống sonde dạ dày. Sau 7 ngày điều trị tích cực tại Bệnh viện, sức khoẻ cháu Bảo A. ổn định và được xuất viện về nhà với gia đình.
BS CKI Phạm Văn Đại - Trưởng Khoa Ngoại, người trực tiếp thực hiện ca phẫu thuật cho cháu Bảo A. cho biết: Đây là một trong những trường hợp bệnh nhi nhỏ tuổi nhất mắc bệnh lý xoắn ruột được phẫu thuật tại Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang.
Hơn nữa, đây cũng là ca bệnh phức tạp, không chỉ nguy hiểm trong quá trình phẫu thuật mà nhất là việc hồi sức sau mổ cũng gặp nhiều khó khăn bởi trẻ đã có dấu hiệu nhiễm trùng, nhiễm độc, thể trạng yếu với cân nặng chỉ 5,8 kg.
Với trường hợp của cháu Bảo A. nếu được đưa tới bệnh viện chuyên khoa để thăm khám và xử trí sớm thì sẽ bảo tồn được ruột mà không phải cắt bỏ vì thời gian có thể "cứu" đoạn ruột bị xoắn là 06 giờ kể từ khi có triệu chứng.
Sau khoảng thời gian này, ruột sẽ có nguy cơ bị hoại tử phải cắt bỏ, ảnh hưởng không nhỏ tới sức khoẻ của trẻ và thậm chí nguy cơ tử vong do sốc nhiễm trùng, nhiễm độc là rất cao. Rất may là gia đình đã cho trẻ nhập viện Sản Nhi Bắc Giang để được phẫu thuật cấp cứu kịp thời, nếu không thì có thể nguy hiểm tới tính mạng.