Sách là món quà cho tất cả mọi người

0:00 / 0:00
0:00

(Ngày Nay) -  Văn hoá đọc đang dần lan toả khắp các ngõ phố và len lỏi vào từng ngôi nhà. Nhiều cuốn sách có giá không bằng cốc trà sữa nhưng hàm lượng “dinh dưỡng” lại tốt hơn vạn lần. Sách sẽ càng ngày càng phổ biến hơn, vì sách là món quà dành cho tất cả mọi người.

Sách là món quà cho tất cả mọi người

Đó là suy nghĩ giản dị của Nguyễn Thị Nguyệt Nga, người có gần 12 năm kinh nghiệm làm việc tại các công ty sách, CEO 25 Agency, một đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ xuất bản và truyền thông cho cộng đồng người Việt.

“Kho báu” của ông

Tốt nghiệp Khoa Ngữ Văn, Đại học Sư phạm Huế năm 2009, Nguyễn Thị Nguyệt Nga tiếp tục học thêm hai năm cao học và lấy bằng Thạc sĩ vào năm 2011. Lúc đó, Nga đã từng nghĩ mình sẽ làm giáo viên theo truyền thống gia đình nhưng cuộc đời có những rẽ ngoặt bất ngờ. Năm 2012, Nguyệt Nga ra Hà Nội, đầu quân cho một công ty sách, và gắn bó với những trang sách đến tận bây giờ.

“Gia đình tôi có truyền thống sư phạm, ông là thầy giáo dạy môn Văn, chú, cô, anh trai đều là giáo viên. Nhưng tôi được tự do làm những gì mình thích. Tôi nhớ hồi bé mình được vẽ khắp nhà, cũng có khoảng thời gian được thoải mái tham gia đội bóng đá nữ, cho tới tận đại học. Và quý giá hơn, tôi được đọc sách từ bé, trong tủ sách của ông, một “kho báu” toàn sách văn học Nga, văn học Trung Quốc và văn học Việt Nam”, Nguyệt Nga nhớ lại.

Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê miền Trung với đặc sản gió Lào và cái rét cắt da cắt thịt, Nga cũng như bao đứa trẻ nông thôn khác, thích chơi trốn tìm, thích đùa nghịch với cánh đồng và thường trốn ngủ trưa. Nhưng Nga khác các bạn là rất nhiều lần cô trốn sau đống rơm đọc sách, tự làm nhà trên cây để đọc sách, và thậm chí xin ông bỏ rơm lên gác xép để tự làm… tổ đọc sách. Những cuốn sách đầu đời mà Nguyệt Nga đọc được là những cuốn trong tủ của ông “Những người khốn khổ”; “Tam quốc diễn nghĩa”... và truyện tranh mượn được của bạn: “Teppi siêu quậy”, “Dấu ấn rồng thiêng”, “Nữ hoàng Ai Cập”… cho tới các cuốn tạp chí Văn học trẻ, báo Nhân Dân… Bất cứ thứ gì có chữ, đều có thể khiến cô say mê.

Sở thích đọc bắt nguồn từ tủ sách của ông đã nuôi dưỡng tình yêu đặc biệt với sách trong tâm trí cô cháu gái nhỏ. Để rồi, sau những ước mơ thay đổi xoành xoạch từ thuở ấu thơ, lúc thích làm họa sĩ, lúc thích làm cầu thủ bóng đá… Nguyệt Nga quyết định dừng chân ở lĩnh vực xuất bản, làm về sách. May mắn nhất của Nga là chỗ dựa “phía sau” luôn có có một gia đình tuyệt đối tin tưởng con gái.

“Năm lớp 9, tôi chọn bóng đá chứ không phải trường chuyên, nên đã dành hầu hết buổi chiều để đạp xe 10km xuống sân bóng của huyện để tham gia đội bóng đá nữ. Năm đó tôi dĩ nhiên tôi rớt trường chuyên. Sự lựa chọn lúc đó có khó khăn với tôi không? Có chứ, vì tôi sinh ra trong một gia đình mà từ đời ông nội đã làm nghề giáo, từ bé tôi đã được “đầu tư” học hành hơn bất cứ bạn bè khác đồng trang lứa. Thế nhưng tôi đã quyết định một việc hoàn toàn khác với truyền thống gia đình. Nhưng sao tôi lại tin đó là quyết định đúng, là vì tôi đã thực sự hạnh phúc khi được hết mình với đam mê lúc đó”.

Đến khi ra trường, Nguyệt Nga quyết định từ bỏ ngành sư phạm theo học, không chọn vào nhà nước mà chọn công việc mà cô muốn phát triển, đó là công việc sáng tạo câu chữ.

Nhiều người hỏi Nga vì sao lại mạo hiểm, sao không thích ổn định? Cô cười nói, “Tôi thường nhớ tới hình ảnh con bé lớp 9 ngày nào đã cười hạnh phúc ra sao khi chọn làm điều mình muốn. Và tôi của 24 tuổi không khác tôi của năm 15 tuổi chút nào: Háo hức trước mọi thử thách phía trước”.

Sách là món quà cho tất cả mọi người ảnh 1

CEO 25 Agency Nguyễn Thị Nguyệt Nga

Mang mộng mơ ra khởi nghiệp

Sau gần 12 năm “tôi luyện” trong môi trường công ty sách, Nguyễn Thị Nguyệt Nga quyết định khởi nghiệp với sách, thành lập công ty nhỏ của riêng mình.

“Vốn dĩ tôi được đọc sách từ bé, nòi văn chương cũng do gen di truyền, tính cách mộng mơ được khuyến khích từ gia đình và nuôi dưỡng theo thời gian, nên mộng mơ là điều mình có nhiều hơn người khác. Mang mộng mơ ra khởi nghiệp tại sao không nhỉ? Hơn nữa, gần 12 năm làm ngành sách, tôi cũng có được những thành tựu nhất định và tôi tin mình nuôi được sách và sách nuôi được mình”, Nguyệt Nga chia sẻ.

Sách là món quà cho tất cả mọi người ảnh 2

Nguyễn Thị Nguyệt Nga chia sẻ, cô đầy mộng mơ với sách

Tình yêu sách của cô gái miền Trung cứ thế được tô đậm thêm từng ngày. Càng gắn bó với sách, Nga càng cảm nhận niềm hạnh phúc khi mua được một quyển sách hay, hoặc khi giúp một tác giả trẻ ra mắt thành công một đầu sách… Với Nga, “sách là người bạn chung thuỷ nhất”, có nhiều khi cô mệt mỏi rã rời vẫn cắm cúi đọc, đọc tới khi thoải mái hơn thì thôi. Sách truyền năng lượng cho Nguyệt Nga theo nghĩa đen đích thực.

Mộng mơ của Nga theo chân cô đi khắp đó đây, đến mọi ngõ ngách và đi gặp nhiều tác giả khác nhau. “Tôi chủ yếu làm sách tác giả Việt Nam, nên khi nhìn ánh mắt của các tác giả lúc có sách mới thật hạnh phúc. Đó chính là động lực để mình nỗ lực hơn trên con đường này, với khát khao một ngày có thể mang sách tác giả Việt đi khắp thế giới”, Nga nói.

Tò mò hỏi Nga có sợ lỗ không, sợ thất bại không? Nga cười: “Bạn thấy nhiều công ty sách mở ra không? Cũng có nhiều công ty đóng lại. Đó là luật chơi kinh doanh. Dám lỗ thì mới có lãi chứ”. Nga bảo, cô nghĩ mình lãi nhiều hơn là lỗ: lãi tác giả, lãi độc giả, lãi trải nghiệm, lãi câu chuyện....

Làm sách có giàu không?

Mọi người hay hỏi Nguyệt Nga làm sách có giàu không, Nga cũng chẳng biết giàu là như thế nào? Bao nhiêu là đủ? Với cô: “nghề nào cũng có vất vả, khó khăn riêng. Nhưng với tôi, tôi giàu bởi được thỏa sức làm công việc mà mình yêu thích, công việc đó có thể đủ nuôi sống bản thân và cộng sự. Hơn nữa, sách lan toả thật nhiều giá trị, cho thật nhiều thế hệ, đó là điều không thể đong đếm được. Tôi biết đủ khi làm sách. Tôi cũng tràn trề mộng mơ với sách”.

Nguyệt Nga cho biết thêm, văn hoá đọc đang lan toả khắp các ngõ phố, len lỏi vào từng ngôi nhà. Bố mẹ bắt đầu đọc sách nhiều hơn để làm gương cho con cái. Giá sách cũng không hề quá cao, thậm chí có cuốn không bằng cốc trà sữa, nhưng hàm lượng “dinh dưỡng” lại tốt hơn vạn lần. Sách sẽ càng ngày càng phổ biến hơn, vì sách là món quà dành cho tất cả mọi người. Thậm chí hiện tại ebook, audiobook cũng bắt đầu bước vào thị trường sách nên việc tiếp cận sách sẽ đa dạng, dễ dàng hơn rất nhiều.

Sách là món quà cho tất cả mọi người ảnh 3

Sách sẽ càng ngày càng phổ biến hơn, vì sách là món quà dành cho tất cả mọi người. (Ảnh minh họa - Đỗ Mạnh Cường)

Gần 12 năm kinh nghiệm theo sát thị trường sách, Nguyễn Thị Nguyệt Nga cho biết, với độc giả trẻ, sách bán chạy nhất vẫn là sách tâm lý, vì hình như trong thời đại số, giới trẻ khủng hoảng, trầm cảm nhiều hơn. Cũng trong thời đại số, giới trẻ khao khát khám phá bản thân nhiều hơn. Còn theo kinh nghiệm của Nga, một cuốn sách bán chạy hiện nay phải hội tụ đủ ba yếu tố. Một là đề tài, chủ đề theo xu hướng. Hai là nội dung trúng đích. Ba là truyền thông tốt. Tỉ lệ khoảng là 30:30:40.

Sắp tới, sau hơn chục năm làm ngành sách, Nguyễn Thị Nguyệt Nga sẽ ra một cuốn sách về cuộc sống, chia sẻ những suy nghĩ thật thà cho những ai muốn sống với điều mình muốn, truyền cảm hứng đến các bạn trẻ không bao giờ từ bỏ ước mơ.

“Viết sách mệt, rất mệt. Lúc đó bạn phải “đánh vật” với từ ngữ để chọn ra những từ, câu đúng cảm xúc và ý đồ nhất. Nhưng viết sách cũng rất thích. 1 trang, 2 trang, 100 trang cứ thế hiện ra như một bức tranh…”, Nga nói.

Và cô muốn hoàn thiện một cuốn sách thật chỉn chu, cẩn thận, như một món quà nhỏ dành tặng độc giả, gửi tặng tất cả mọi người, để chung tay thắp lên ngọn lửa văn hóa đọc trong công chúng.

Công chiếu phim do AI viết kịch bản
Công chiếu phim do AI viết kịch bản
(Ngày Nay) - Liên hoan phim ngắn và châu Á 2024 sẽ tập trung vào các vấn đề đang nổi cộm toàn cầu trong bối cảnh xung đột và thảm họa đang diễn ra trên toàn thế giới, đồng thời trình chiếu bộ phim đầu tiên hoàn toàn do trí tuệ nhân tạo (AI) viết kịch bản.
Ông Tập ca ngợi quan hệ Pháp-Trung
Ông Tập ca ngợi quan hệ Pháp-Trung
(Ngày Nay) - Bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước tới Pháp chiều ngày 5/5 (giờ Paris), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bày tỏ hy vọng chuyến thăm này sẽ giúp “tăng cường tin cậy chính trị, xây dựng đồng thuận chiến lược và làm sâu sắc thêm trao đổi, hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác nhau” giữa 2 nước.