Ngày 5/1, ông Lê Nguyễn Minh Quang, Giám đốc Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, cho biết UBND TP.HCM đã báo cáo Chính phủ về dự án xây dựng trung tâm thương mại ngầm Bến Thành thuộc phạm vi dự án tuyến Đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).
Tổng vốn đầu tư hơn 8.400 tỷ
Theo thiết kế, Trung tâm thương mại ngầm Bến Thành có quy mô khoảng 45.000 m2 gồm khu vực cửa hàng, thương mại rộng 18.100 m2, hành lang và quảng trường ngầm 21.500 m2 với tổng vốn đầu tư hơn 8.400 tỷ đồng.
Dự án này sẽ kết nối với tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Trung tâm này nằm sâu dưới đất và kéo dài khoảng 500 m dọc theo đường Lê Lợi hướng về Nhà hát Thành phố (quận 1).
Ông Lê Nguyễn Minh Quang đánh giá Trung tâm thương mại ngầm Bến Thành là dự án quan trọng, tạo cú hích về kinh tế, thay đổi diện mạo trung tâm thành phố. Hiện đã có một nhà đầu tư Nhật Bản đồng ý hợp tác nghiên cứu thực hiện.
Trước đó, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh đã có văn bản đồng ý về sự cần thiết triển khai dự án Trung tâm thương mại ngầm Bến Thành ở TP.HCM, sau khi nhận được kiến nghị UBND thành phố hồi tháng 5/2016. Phó thủ tướng giao UBND TP.HCM nghiên cứu phương án vay lại toàn bộ nguồn vốn ODA để triển khai dự án.
Năm 2020, metro Sài Gòn sẽ hoạt động
Tại buổi họp báo đầu năm 2017, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM cho biết trong năm 2017 đơn vị này sẽ tiếp tục triển khai nhiều dự án đường sắt đô thị quan trọng của thành phố.
Trong đó, tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên sẽ tiếp tục thực hiện 3 hợp đồng xây lắp và một hợp đồng mua sắm thiết bị, gói thầu còn lại (hệ thống công nghệ thông tin cho dự án) sẽ được thiết kế kỹ thuật trong năm.
Với tuyến số 2, giai đoạn 1 (Bến Thành - Tham Lương) dài 11,3 km sẽ được triển khai lựa chọn nhà thầu, phát hồ sơ mời thầu. Ngoài ra, một số tuyến đường sắt đô thị như tuyến số 5, giai đoạn 1 (ngã tư Bảy Hiền - cầu Sài Gòn), tuyến nhánh sân bay Tân Sơn Nhất (tuyến 1b-1), tuyến số 5, giai đoạn 2 (ngã tư Bảy Hiền - Cần Giuộc), cũng sẽ được nghiên cứu, đề xuất thực hiện.
Cũng tại buổi họp báo, ông Quang cho biết hiện đơn vị này đang nghiên cứu hoàn thiện mô hình chuẩn của một nhà ga metro, trở thành đầu mối của vận tải hành khách công cộng.
Theo đó, tại khu vực nhà ga metro này sẽ có bãi dừng, đậu cho xe buýt, taxi, bãi để xe máy cho người dân. Xe buýt, taxi từ các đường nhánh, đường song hành... sẽ gom khách về nhà ga. Tại các vị trí này sẽ có hệ thống cầu đi bộ cho người dân địa phương hoặc người đi xe buýt từ phía bên kia xa lộ Hà Nội qua lại metro.