Bài 1: Bác sĩ tự ý đổi gây mê sang gây tê?
Vừa qua, Tạp chí Ngày Nay nhận được đơn phản ánh từ anh Đào Thanh P., về việc vợ anh là N.T.T.T bị liệt nửa người bên trái sau khi sinh mổ bắt con tại bệnh viện phụ sản MêKông.
Sau khi nhận được phản ánh, trưa ngày 20/1, phóng viên Ngày Nay đã tới gặp sản phụ T. để tìm hiểu sự việc. Tại thời điểm tiếp xúc, dù đã trải qua hơn 2 tháng nằm điều trị và về nhà tĩnh dưỡng nhưng chị T vẫn đang trong tình trạng nằm một chỗ. Tay, chân bên trái yếu và gần như chưa cử động được. Để tiện đường sinh hoạt cho chị và con (mới hơn 2 tháng tuổi), gia đình chị T. đã trải một tấm nệm giữa phòng cho chị T. và con nằm tạm. Trong khi tiếp xúc với phóng viên, cháu bé thỉnh thoảng thèm sữa khóc oe, oe. Trong khi người nhà pha sữa công thức dỗ dành con thì chị T chỉ biết bất lực nghiêng đầu nhìn sang vì tay chân bên trái thì không cử động được, bên phải thì cũng yếu. Sữa mẹ thì cũng không còn.
Bác sĩ gây mê tự ý chuyển qua gây tê!
Được biết, ngày 2/11/2020, anh P đưa vợ đến bệnh viện phụ sản MêKông để tiến hành nhập viện để sinh. Sau khi thăm khám và nghe bác sĩ bệnh viện phụ sản MêKông tư vấn, gia đình anh P đã đồng ý mổ bắt con vì thai lớn, (3,7kg) sản phụ N.T.T.T có tiền sử tiểu đường thai kỳ, tiền sử dị ứng thuốc tê, xương chậu hẹp .
Sau khi hoàn tất các thủ tục nhập viện, chị T. được đưa đi nhận phòng để lưu trú tại bệnh viện. Tại đây, gia đình chị T đã thông báo cho nữ hộ sinh (NHS) bệnh viện phụ sản Mê Kông biết, sản phụ có tiền sử 2 lần từng bị dị ứng thuốc tê trước đó. Vì vậy, NHS này đã dán sticker cảnh báo lưu ý sản phụ T. đã từng bị dị ứng thuốc tê.
Sau đó, chị T. được đưa lên phòng tiền phẫu, ở đây, chi T một lần nữa trình bày tiền sử 2 lần bị dị ứng thuốc tê (mổ chân và răng) để các y bác sĩ bệnh viện phụ sản Mê Kông có chỉ định phù hợp. Vì vậy, sau khi tiến hành hội chẩn tiền phẫu, chi T. được các bác sĩ bệnh viện phụ sản Mê Kông thống nhất chỉ định sẽ gây mê để mổ lấy thai.
Tuy nhiên, không hiểu sao khi vào phòng mổ, bác sĩ thực hiện gây mê L.Q.H. đã đổi từ phương án gây mê sang gây tê.
Sau khi tiêm thuốc tê vào tủy sống, để tiến hành phẫu thuật bắt con, chi T. đã có triệu chứng co giật, nôn mửa và chân tay yếu dần, khó cử động, mất cảm giác...
"Sau khi mổ lấy thai thì vợ tôi được đưa ra phòng hồi sức và phát hiện bị liệt nửa người bên trái, tay, chân yếu, không cử động được. Các bác sĩ có gọi tôi đến để báo về tình trạng hậu phẫu của vợ tôi". Anh P nhớ lại.
Do tình trạng sức khoẻ chị T. mỗi lúc một xấu đi nên bác sĩ bệnh viện phụ sản Mê Kông sau khi hội chẩn đã chuyển sản phụ T sang bệnh viện Nhân Dân Gia Định để tiếp tục điều trị.
Bệnh viện phụ sản MêKông. |
Bệnh nhân suy sụp sau sự cố y khoa!
"Khi chuyển vợ tôi đến bệnh viện Nhân Dân Gia Định, NHS của bệnh viện MêKông vào làm thủ tục cấp cứu cho vợ tôi xong thì đã thu hết quần áo của sản phụ về, vợ tôi lúc này không mảnh vải che thân, chỉ lấy tạm chiếc drap trải giường để che người trong suốt quá trình nhập viện đến sáng hôm sau thì mới được phát cho một cái áo bệnh nhân. Trong thời gian vợ tôi nằm điều trị tại bệnh viện Nhân Dân Gia Định, nhân viên bệnh viện Mekong đã không có mặt để hỗ trợ, theo dõi. Sau 2 ngày nằm viện ở BV Gia Định, vợ tôi được cho xuất viện, trở về Bệnh Viện MêKông để tiến hành chăm sóc hậu sản" anh P. bức xúc cho biết.
Cũng theo anh P. Trong quá trình vợ tôi nằm tại bệnh viện nhân dân Gia Định thì con tôi phải gửi ở Khoa Sơ Sinh bệnh viện MêKông để chăm sóc trong vòng 3 ngày mà không có người thân bên cạnh.
Sau khi nhập viện một thời gian thì bệnh viện mới cử bác sĩ vật lý trị liệu ở Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM đến để tập luyện phục hồi chức năng cho vợ tôi. Nhưng việc tập luyện của vợ tôi thường xuyên bị dán đoạn ngắt quãng. Thậm chí gần đây, 3-4 ngày liên tiếp không có bác sĩ đến khiến gia đình chúng tôi không khỏi lo lắng vì điều này sẽ khiến cho quá trình hồi phục của vợ tôi đã chậm lại còn chậm hơn.
Trong quá trình 49 ngày nằm tại bệnh viện (4/11/2020 – 21/12/2020), vợ tôi được đưa đi tiến hành nhiều phương pháp như siêu âm, chụp X-Quang, MRI, đo điện cơ... nhưng vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác.
Theo tìm hiểu của PV Ngày Nay, đến nay, gia đình anh P và ban giám đốc bệnh viện phụ sản MêKông đã có một số buổi làm việc sơ bộ, nhưng ban giám đốc bệnh viện cùng hội đồng y khoa vẫn chưa có câu trả lời chính thức cũng như giải pháp toàn diện để khắc phục sự cố này. Trong khi, hiện giờ chi T vẫn phải đối mặt với việc không điều khiển được nửa người bên trái, cũng như sang chấn tâm lý, mất ngủ hoảng loạn hàng đêm.
Bên cạnh vấn đề sức khoẻ của vợ bị biến chứng sau sinh mổ, thì một vấn đề khiến gia đình anh T lo lắng không kém đó là "Sau cuộc họp lần đầu tiên ngày 20/11 thì bệnh viện có cử bác sĩ tâm thần đến để thăm khám và chẩn đoán vợ tôi bị trầm cảm nặng và loạn thần. Bên cạnh đó, vợ tôi đang được yêu cầu sử dụng các loại thuốc điều trị trầm cảm và không được cho con bú sữa mẹ do lo ngại ảnh hưởng của thuốc thông qua sữa mẹ sẽ không tốt cho em bé. Nên em bé đang được cho sử dụng các loại sữa công thức bên ngoài và bé thường xuyên gặp hiện tượng táo bón, không như lúc được bú sữa mẹ".
Hiện tại, vợ tôi vẫn chưa hồi phục, những hoạt động tưởng chừng như rất bình thường của một sản phụ sau sinh như bồng con, cho con bú, vệ sinh cá nhân, đi lại…..đề cần đến sự trợ giúp từ người thân. Cả gia đình hai bên nội ngoại đều phải cắt cử người từ quê vào đây để chăm sóc cho vợ và con tôi, bên cạnh đó tôi cũng phải nghỉ làm để có thể thuận tiện chăm sóc vợ tôi trong bệnh viện, chi phí nằm viện và sinh hoạt càng ngày càng tăng. Nay tôi muốn gửi đơn khiếu nại này đến các ban ngành để đề nghị thẩm tra, xác minh trường hợp sự cố y khoa của vợ tôi. Đề nghị phía ban giám đốc bệnh viện trả lời cho gia đình tôi trong vòng 3 ngày làm việc và giải quyết lại theo đúng chính sách pháp luật, đúng quyền lợi hợp pháp". Anh P. đề nghị.
(Còn tiếp)