Bác sĩ bệnh viện công từ chối, bác sĩ bệnh viện tư “ok!”
Trong vai người có nhu cầu sinh mổ theo yêu cầu, phóng viên Ngày Nay đã liên hệ với các bệnh viện tư nhân tại TPHCM như bệnh viện Phụ Sản quốc tế Sài Gòn, Bệnh Viện An Sinh, Bệnh viện Triều An, Bệnh viện FV, Bệnh viện phụ sản quốc tế Mê Kông, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn... thì nhân viên bệnh viện đều cho biết hiện bệnh viện có dịch vụ sinh mổ theo yêu cầu.
Cụ thể như tại bệnh viện An Sinh, nếu thai 39-40 tuần, có chuyển dạ hay chưa chuyển dạ, nếu có nhu cầu sinh mổ bắt con thì chi phí sẽ khoảng 25 đến 30 triệu đồng.
Tại bệnh viện Triều An, nhân viên khoa sản cho biết, chi phí phẫu thuật sẽ tùy thuộc vào từng trường hợp và tùy theo bác sĩ mà gia đình sản phụ yêu cầu. tuy nhiên, giá phòng trong quá trình sinh tại bệnh viện như sau: phòng 2 người có giá 600 ngàn đồng/người/ngày. Phòng 1 người có giá 900.000 đồng/ngày. phòng Vip có giá từ 1.800 000 đồng đến 2000.000 đồng/ngày.
Các bệnh viện như Hoàn Mỹ Sài Gòn, bệnh viện FV... thì sau khi nhân viên tổng đài cho biết tại bệnh viện có dịch vụ mổ bắt con theo yêu cầu, tuy nhiên về giá cả, chỉ định cụ thể thế nào thì do hôm nay (ngày 9/1) nhân viên phòng tài chính bệnh viện đang nghỉ, nên sẽ báo lại cho khách hàng sau. Tuy nhiên, để cụ thể và chính xác hơn, khách hàng nên tới bệnh viện để bác sĩ khám và tư vấn để có phương án, chỉ định phù hợp.
Trong khi các bệnh viện sản khoa công được xem là tuyến cuối của TP.HCM nói riêng và phía Nam nói chung như Từ Dũ, Hùng Vương bao nhiêu năm qua, vẫn theo tôn chỉ mục đích, sinh mổ theo chỉ định của bác sĩ . Tức là không có dịch vụ sinh mổ theo yêu cầu, thậm chí là từ chối mổ dịch vụ theo yêu cầu của bệnh nhân, chỉ mổ lấy thai khi cần thiết, phù hợp với chỉ định bác sĩ. Thì thật bất ngờ, quá trình mà phóng viên Ngày Nay tìm hiểu gần 10 bệnh viện tư trên địa bàn TP.HCM thì chỉ có bệnh viện Anh Minh (Bv Vũ Anh cũ) là không có sinh mổ hay sinh thường, vì hiện bệnh viện chỉ nhận khám sản phụ khoa diện khám xong cho về, số bệnh viện còn lại đều cho biết có dịch vụ sinh mổ theo yêu cầu. Và chi phí cho mỗi ca sinh mổ như vậy đều có giá hàng chục triệu đồng.
Các gói dịch vụ sinh mổ được đăng công khai |
Vậy lý do nào dẫn tới sự "khác biệt" giữa bệnh viện công và bệnh viện tư trong vấn đề này. Nếu nói do không đủ phòng mổ, không đáp ứng đủ nhu cầu... thì tại sao hiện nay đa số bệnh viện công nói chung vẫn thực hiện nghiêm túc chỉ định sinh thường cho các sản phụ bình thường, mà không chỉ định mổ bắt con theo yêu cầu như bệnh viện tư? Trong khi mỗi ca mổ theo yêu cầu lại đem về nguồn thu không nhỏ?
Chưa cho phép mổ bắt con theo yêu cầu!
Trao đổi với phóng viên Ngày Nay, bác sĩ N.T.H, nguyên bác sĩ khoa Sản Bệnh viện Đại Học y dược TPHCM cho biết, mổ bắt con theo yêu cầu là một chỉ định đến nay chưa có yếu tố đồng thuận y khoa. Trong y khoa nói chung và Sản khoa nói riêng, việc chỉ định mổ phải dựa theo các yếu tố bệnh lý.
Với những trường hợp dấu hiệu, triệu chứng rõ ràng thì việc chỉ định can thiệp mổ bắt con là điều không phải bàn cãi. Khi đó, các y bác sĩ sẽ tư vấn cho người bệnh, hoặc người nhà phương pháp can thiệp, những rủi ro có thể gặp phải và hiệu quả điều trị.... Còn trong trường hợp các dấu hiệu triệu chứng chưa điển hình, 50-50 thì bệnh nhân sẽ được tư vấn trao đổi các phương án để cùng với bác sĩ lựa chọn phương án tối ưu, phù hợp nhất. Riêng về sinh mổ theo yêu cầu, thì nó không có đồng thuận y khoa mà là dưa vào sự đồng thuận của người bệnh.
Tóm lại, mổ bắt con theo yêu cầu không khác nào "mổ chui", bởi đến nay, theo tìm hiểu của phóng viên thì Luật khám chữa bệnh, cũng như danh mục chuyên môn trong Sản khoa không có tên "Mổ bắt con theo yêu cầu" hoặc chỉ định mổ theo đồng thuận của người bệnh cả.
"Theo tôi được biết, dù không nhận được sự đồng thuận trong y khoa nhưng tiếc rằng nó bắt nguồn từ nhu cầu có thực của người dân. Nhất là người dân Châu Á. Ở Châu Âu và các nước phát triển, người ta vẫn ưu tiên sự lựa chọn sinh thường là số 1, nhưng ở Châu Á thì việc sinh mổ chiếm tỷ lệ rất cao, cao hơn ở Việt Nam rất nhiều". Bác sĩ H. chia sẻ thêm
Việc mổ hay sinh thường thì đều có cái ưu và khuyết điểm. Tuy nhiên, ngành y là một ngành đặc biệt. Nên không phải không có lý do mà ngành y lại có những quy định chặt chẽ. Kê một toa thuốc, sử dụng thuốc nào, hàm lượng ra sao, chích một cái mụn... đã vào bệnh viện thì cũng phải theo chỉ định bác sĩ. Vì vậy, làm gì cũng phải đặt sự an toàn, hiệu quả nhân văn lên hàng đầu. Phương pháp nào có thể bảo đảm an toàn cho sản phụ, cho thai nhi, giúp cho người mẹ và cháu bé khỏe mạnh, sớm bình phục, không bị ảnh hưởng hoặc chịu ảnh hưởng thấp nhất về thể chất lẫn tinh thần... là vai trò của người bác sĩ chân chính.
Khác nhau giữa sinh mổ và sinh thường
Sinh thường là quá trình thai nhi được ra ngoài qua ống sinh sản của người mẹ. Chỉ định sinh thường khi không có bất kỳ cản trở nào trong quá trình sinh như: Thai không quá to (> 4000g). Sản phụ có sức khỏe tốt đảm bảo có thể rặn, hít thở để cung cấp oxy dưỡng chất cho trẻ trong quá trình chuyện dạ. Không bất kỳ cản trở nào trong đường thoát của thai nhi. Thai nhi đủ sức khỏe để có thể vượt qua ống sinh sản: không suy thai, không bị sa dây rốn,..
Sinh thường giúp tử cung co hồi tốt hơn giảm lượng máu mất sau sinh và hạn chế ứ sản dịch. Sau khi sinh người mẹ hồi phục nhanh, có thể đi lại ăn uống và có thể chăm sóc con ngay sau sinh. Sau 2 giờ đầu mẹ có thể cho con bú, từ đó bảo vệ được nguồn sữa mẹ. Trẻ sinh thường, khi đi qua âm đạo của mẹ, cơ thể bé sẽ tiếp xúc với các vi sinh vật có lợi, từ đó kích thích hệ miễn dịch của trẻ. Trẻ sinh thường được bú sữa mẹ sau những giờ đầu giúp bé không bị hạ đường huyết, thuận lợi cho quá trình tăng trưởng và phát triển của bé. Trong quá trình sinh áp lực ép của đường sinh giúp cho trẻ đẩy các dịch trong phổi ra ngoài nhiều hơn so với trẻ sinh mổ, hạn chế nguy cơ bệnh đường hô hấp. Tuy nhiên, sinh thường cũng có những hạn chế như : Sinh thường cũng tạo ra áp lực về tâm lý, không biết đến khi nào việc chuyển dạ mới kết thúc, Sản phụ chịu những cơn đau khi chuyển dạ. Sinh thường có thể gây ra một số ảnh hưởng đến vùng sàn chậu, khiến mẹ mắc phải chứng đi tiểu không tự chủ sau sinh. Cũng như một số sự cố trong quá trình sinh nở, sẽ rất nguy hiểm cho cả sản phụ lẫn thai nhi.
Trên thực tế, có những trường hợp không thể đẻ thường qua đường âm đạo mà phải mổ lấy thai. Những lý do như bà mẹ có khung chậu hẹp, con to, bất tương xứng đầu chậu, các ngôi thai bất thường (ngôi ngang, ngôi ngược…), thai suy… Hoặc mẹ mắc bệnh lý mà không thể rặn đẻ được như bệnh lý tim mạch, cao huyết áp, tiền sản giật, nhau tiền đạo, nhau bong non…
Với phương pháp sinh mổ hay đẻ mổ, em bé sẽ chào đời không qua đường âm đạo của người mẹ như thông thường mà được các bác sĩ đưa ra khỏi tử cung của người mẹ thông qua một cuộc phẫu thuật. Sinh mổ có thể được lên kế hoạch trước khi bắt đầu có cơn đau chuyển dạ (trường hợp này gọi là “chọn” mổ, hay mổ chủ động) hoặc có thể là không hề có kế hoạch cho đến khi có rắc rối xảy ra trong quá trình chuyển dạ và bác sĩ buộc phải quyết định một ca “mổ cấp cứu”
Sinh mổ, bác sĩ sẽ thực hiện một đường cắt vào vùng bụng dưới (thường là ngang đường ngang trên xương mu), vào trong phần dưới của tử cung để lấy em bé đưa ra ngoài vết mổ. Các thao tác đưa em bé ra ngoài diễn ra khá nhanh, trong khoảng 5 đến 10 phút. Sau đó, nhau thai được lấy ra. Phần lớn thời gian của ca mổ là dành cho giai đoạn khâu vết mổ ở tử cung và các lớp khác nhau của mô bụng, cơ và da.
Tuy nhiên, chúng ta cũng nên hiểu rằng sinh mổ vẫn không thể an toàn bằng sinh thường. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, mổ lấy thai nhi không phải là phương pháp an toàn mà làm tăng nguy cơ tử vong mẹ cao hơn so với đẻ thường và tỉ lệ trẻ sơ sinh tử vong trong ba tháng đầu sau sinh cao gấp nhiều lần so với trẻ sinh tự nhiên. Nguyên nhân là do các vết mổ đòi hỏi thời gian hồi phục lâu hơn, và việc phẫu thuật, gây mê cũng có nhiều khả năng gây ra một vài rắc rối cho cả mẹ và bé về lâu dài. Với những vết mổ cũ thì nguy cơ càng tăng. Vì vậy, chúng tôi vẫn khuyên bạn không nên chọn sinh mổ nếu không vì những lý do chính đáng.