Cuộc đời nửa ngày!
Được biết, sáng 24/12 bà Phạm Thị Ngọc Trâm (30 tuổi là vợ của ông Ân) đã nhập viện Phụ sản Quốc tế Sài Gòn (tại địa chỉ 63 Bùi Thị Xuân, phường Phạm Ngũ Lão, Quận 1, TP.Hồ Chí Minh) chờ sinh. Ban đầu bác sĩ, bệnh viện Phụ Sản Quốc Tế Sài Gòn chỉ định cho bà Trâm nằm theo dõi, chờ sinh. Tuy nhiên, sau đó bà Trâm chủ động chuyển sang đề nghị sinh bằng phương pháp mổ.
Sau khi hoàn tất các thủ tục, khoảng 10 giờ ngày 24/12, bà Trâm được bác sĩ hội chân xác định mẹ và con đầy đủ sức khỏe và đủ điều kiện có thể tiến hành mổ bắt con.
Đến khoảng 12giờ ngày 24/12/2020, bà Trâm được đưa vào phòng mổ. "Khoảng 1 giờ sau (13h ngày 24/12). Tôi được nữ hộ sinh gọi vào phòng mổ để thăm con. Lúc này tôi bồng con và tôi xác nhận con tôi khóc rất lớn và mở mắt nhìn tôi, thở bình thường. Lúc này nữ hộ sinh thực hiện việc vệ sinh cho con tôi và đưa lên khu dưỡng nhi. Khi lên khoa dưỡng nhi, tôi gặp bác sĩ T.Q.T, bác sĩ T nói với tôi bé cần được hồi sức và yêu cầu tôi về phòng chờ". Ông Ân nhớ lại. "Đến 14 giờ 30, bác sĩ Toản thông báo, tình hình con tôi xấu đi. Con tôi có dấu hiệu thở khó, không thở được. Vào 15 giờ 30 tôi được thông báo về việc chuyển bé qua khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 1 (341 Sư Vạn Hạnh, Phường 10, Quận 10, TP. Hồ Chí Minh). Tại đây bác sĩ Đinh Tấn Phương - Trưởng khoa Cấp cứucủa Bệnh viện Nhi đồng 1 thông báo với tôi tiên lượng bé rất xấu, suy hô hấp,nói gia đình chuẩn bị tâm lý. Lúc này tôi rất bất ngờ vì khi chào đời, con tôi khóc rất lớn, thở bình thường, không có dấu hiệu suy hô hấp".
Đến 1 giờ sáng ngày 25/12/2020, bác sĩ trực cấp cứu bệnh viện Nhi Đồng 1 gọi tôi vào phòng cấp cứu và thông báo tình hình con tôi rất nặng, khả năng không qua khỏi đêm nay. Lúc này cứ khoảng 15 phút con lại mở mắt nhìn tôi trong khoảng 10 giây rồi lại nhắm mắt. Con tôi cứ lặp đi lặp lại chuyện này cho đến đến gần 3 giờ sáng ngày 25/12/12020. Đến 3 giờ sáng ngỳ 25/12, khi con tôi không còn lặp lại động tác trên thì cũng là lúc bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 1 chính thức thông báo bé mất, suy đa cơ quan. Tôi tiến hành các thủ tục theo hướng dẫn của Bệnh viện và nhận giấy chứng tử vào hồi 6 giờ sáng ngày 25/12/2020 .
"Lá bùa" cam kết mổ
Sau khi an táng bé tại Nghĩa trang Giáo xứ Ngọc Lâm, Ấp Ngọc Lâm 2, xã Phú Xuân, huyện Tân Phú, Tỉnh Đồng Nai vào 10h30 ngày 25/12/2020, gia đình tôi nhận thấy cần phải làm rõ nguyên nhân tử vong của con tôi như thế nào, vì sao từ một thai nhi với các kết quả chẩn đoán bình thường, kể cả khám trước khi sinh mổ... cũng không phát hiện ra điều gì bất thường, vẫn mổ được, nhưng khi chào đời con tôi lại có kết cục như thế?. Có hay không nguyên nhân tử vong của con trai tôi có liên quan đến sự tắc trách của các y bác sĩ tại bệnh viện Phụ Sản Quốc Tế Sài Gòn?.
Điều bức xúc hơn là khi liên hệ với phía bệnh viện Phụ Sản Sài Gòn để giải quyết vụ việc, các bác sĩ bệnh viện Phụ sản Quốc tế Sài Gòn luôn tìm cách lảng tránh, không chịu cung cấp giải thích rõ ràng nguyên nhân, diễn biến sự việc dẫn đến con tôi tử vong. Khi tôi yêu cầu bệnh viện cung cấp hồ sơ bệnh án, bệnh viện cùng từ chối. Thậm chí, khi con tôi vừa mất, để hoàn tất hồ sơ tôi tới bệnh viện Phụ Sản Quốc Tế Sài Gòn để yêu cầu gặp bác sĩ Trưởng ca trực lầu 4 (bác sĩ Sơn) vào lúc 5 giờ 40 phút ngày 25/12 thì bác sĩ Sơn nói đang bận mổ sinh cho sản phụ khác.
Ảnh đơn phản ánh của gia đình sản phụ gửi cơ quan chức năng. |
Để tìm hiểu sự việc, ngày 1/1/2021, theo lịch hẹn làm việc giữa gia đình và Lãnh đạo bệnh viện Phụ Sản Quốc Tế Sài Gòn, phóng viên Ngày Nay đã tham dự buổi làm việc này. Tại buổi gặp gỡ, bác sĩ Nguyễn Thị Xuân Lan, Phó giám đốc phụ trách chuyên môn bệnh viện Phụ Sản Quốc Tế Sài Gòn ngoài việc gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình ông Ân, bà Trâm thì cũng thay mặt bệnh viện nhận trách nhiệm về việc các bác sĩ đã không tin lượng được tình huống xảy ra như thế.
Qua kết quả họp Hội đồng khoa học kỹ thuật bệnh viện, bước đầu xác định bé sinh ra có dấu hiệu suy hô hấp, nghĩ tới một bệnh lý nền. Do tình hình sức khỏe của bé diễn tiến quá nhanh nên dù đã nỗ lực cứu chữa và chủ động chuyển viện cho bé nhưng tiếc là bé đã không qua khỏi... Bệnh viện xin nhận trách nhiệm này. Để bù đắp phần nào nỗi đau của gia đình, anh Ân, chị Trâm còn trẻ, vẫn còn có thể mang thai, sinh con, bệnh viện sẽ hỗ trợ cho quá trình sau này.
Tuy nhiên, tại buổi làm việc, đại diện phía gia đình vẫn kiên quyết yêu cầu, bệnh viện phải báo cáo lên Sở Y tế TPHCM về sự cố y khoa nghiêm trọng này. Đồng thời đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc giám định pháp ý để làm rõ nguyên nhân tử vong.
Sau khi nghe đại diện bệnh viện nêu ra lý do, ca mổ bắt con của chị Trâm là mổ theo yêu cầu của gia đình. Vậy, việc chỉ định mổ bắt con theo yêu cầu có đúng với quy định của ngành y không? Theo đó, bệnh nhân hay bác sĩ là người ra được quyền ra chỉ định, y lệnh? Cam kết mổ được người bệnh ký vào sau khi được tư vấn đầy đủ nhưng nếu ca mổ thực hiện theo chỉ định, theo yêu cầu từ bệnh nhân, thay vì bệnh lý thì có hợp lý và đảm bảo quy tắc, quy định pháp luật không? hay cam kết trên chỉ là sự đồng ý cho bác sĩ, kỹ thuật viên "đụng chạm" lên người bệnh chứ không phải là "lá bùa" miễn trách nhiệm cho bác sĩ khi sự cố xảy ra?
Đến lúc này, phía bệnh viện Phụ Sản Quốc Tế Sài Gòn mới thừa nhận bên cạnh việc thiếu sót về việc tiên lượng của thai nhi sau khi mổ thì việc mổ bắt con theo yêu cầu là chưa đúng quy định ngành y.
Sinh mổ theo yêu cầu là một phương pháp can thiệp mang lại không ít rủi ro cho mẹ và con. Đây chỉ là giải pháp tình thế khi sản phụ hoặc thai nhi có những vấn đề về bệnh lý cần can thiệp khẩn cấp. Tuy nhiên, một thực tế hiện nay là việc sinh mổ theo yêu cầu đang nở rộ. Nhất là tại các bệnh viện tư nhân có khoa sản. Phóng viên Ngày Nay đã thử tìm hiểu và nó đơn giản tới mức không tưởng.
Bài 2 : Mổ chui nhưng công khai!