Sàn giao dịch tiền ảo lâu đời và phổ biến nhất hiện nay - BTC-E - đã đóng cửa từ 25/7. Sự xuất hiện của một ví Bitcoin với giao dịch lên đến 66.000 BTC, tương đương 165 triệu USD nghi ngờ bị hack, đã gây hoang mang cực độ cho giới đầu tư tiền ảo tại Việt Nam.
Tin dữ lại tiếp tục tới với các nhà đầu tư một ngày sau đó (26/7), khi quản trị viên của trang này bị cảnh sát Hy Lạp bắt vì tình nghi tội rửa tiền với số tiền lên đến 4 tỷ USD. Nhiều khả năng việc bắt giữ này là lý do dẫn tới việc đóng cửa sàn BTC-E.
Đến nay, trang web chính thức của BTC-E chỉ có thể truy cập để xem các thông tin được đăng trên Twitter chính thức của sàn. Thông báo gần nhất cách đây một ngày (26/7) cho biết sàn sẽ trở lại hoạt động trong 5-10 ngày tới. Đây được xem là tia hy vọng cuối cùng của các nhà đầu tư.
Nhận định của giới đầu tư
Anh Đức Nguyên, một nhà đầu tư tại Đắk Lắk, nhận định nguy cơ sập sàn là rất cao: "Hiện tại việc BTC-E mở lại là rất khó. Nếu chính quyền quyết định truy tố, sàn chắc chắn bị đóng cửa. Nếu hoạt động lại, sàn sẽ giảm uy tín, người chơi sẽ rút lượng tiền ảo ồ ạt dẫn đến sập sàn".
Hiện nay, sự sống còn của sàn giao dịch này đang là đề tài nóng bỏng nhất trên các nhóm, trang mạng và diễn đàn tập trung nhiều nhà đầu tư tại Việt Nam.
Một trang giao dịch tiền ảo tại Việt Nam liên kết với BTC-E cũng đang tạm ngừng hoạt động vì sự cố vừa qua |
Những người có tiền đầu tư vào sàn thì đang thấp thỏm lo sợ. Ít thì vài chục triệu đồng, có người đầu tư cả tỷ đồng vào sàn này. Số khác không có tiền trong sàn vẫn đang chăm chú theo dõi diễn biến để có những quyết định đầu tư đúng lúc.
Một số ý kiến khác lại có cái nhìn tích cực hơn và cho rằng vụ việc xảy ra lần này là do can thiệp của cơ quan công quyền, hoàn toàn khác với vụ sập sàn Mt.Gox do hacker tấn công. Anh Đ.V. Thắng chia sẻ: "Nếu thật sự vụ này liên quan đến pháp luật thì cơ quan thẩm quyền sẽ có biện pháp cho người chơi rút tiền về trước khi đóng cửa sàn".
Về việc quản trị viên trang này bị cảnh sát Hy Lạp bắt, anh N.V. Quân cũng là một nhà đầu tư cho rằng chưa biết có tội hay không nhưng việc sàn bị phong tỏa trong thời gian dài để điều tra là điều khó tránh khỏi.
Tài khoản Tin Nguyen lại đưa ra ý kiến ai có tội thì người đó phải chịu trách nhiệm, những tài khoản tình nghi rửa tiền sẽ được đóng và điều tra. Tài khoản khác sẽ không phải chịu ảnh hưởng.
Theo phân tích của anh Nguyễn Anh Tú (ngụ Đồng Nai), bản chất của tiền mã hóa là tự thân nó phát sinh ra giá trị, không bị lệ thuộc vào thể chế chính trị, pháp luật như tiền giấy. Vì vậy người đầu tư chỉ thật sự mất tiền nếu sàn giao dịch này cố ý bùng tiền.
Anh Tú cũng tin rằng các nước phát triển sẽ có những cách giải quyết hợp tình hợp lý, không vì sai phạm của một cá nhân mà ảnh hưởng đến những người vô tội.
Trang thông tin Cointelegraph đăng tải việc Mỹ sẽ cho phép sàn BTC-E hoạt động trở lại nếu sàn này đóng phạt số tiền 110 triệu USD về việc vi phạm luật phòng chống rửa tiền của nước này. Cá nhân quản trị viên sẽ đóng mức phạt 12 triệu USD về các hành vi liên quan đến việc điều hành trang web này.
Giải pháp an toàn
Những nhà đầu tư có tiền tại BTC-E đều đang trong tâm thế "cá nằm trên thớt", không thể làm gì khác ngoài việc chờ đợi và suy đoán trong lúc này. Giới đầu tư hiểu rõ rủi ro của việc giao hết vốn liếng của mình vào một sàn giao dịch.
Có nhiều cách để giảm thiểu việc này như trữ tiền ảo trong ví lạnh (ví offline), lưu vào các ví cứng như Ledger Nano S, đầu tư vào các sàn được bảo vệ bởi pháp luật như Poloniex, Bittrex hoặc chia nhỏ vốn đầu tư vào nhiều sàn khác nhau.
BTC-E sở hữu ưu điểm là chi phí giao dịch thấp, tính ẩn danh tuyệt đối cùng tuổi đời hoạt động lâu (từ năm 2011). Sàn giao dịch này thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư và cả giới tội phạm.
Theo thống kê từ trang Alexa, Việt Nam đứng thứ hai, chỉ sau Mỹ, về số lượt truy cập vào sàn giao dịch này từ trước đến nay. Có thể thấy giới đầu tư Việt Nam rất quan tâm đến hoạt động của sàn giao dịch này.