Manh mối duy nhất về người này, ngoài việc ví điện tử có mã 0x00A651D43B6e209F5Ada45A35F92EFC0De3A5184, còn một bài đăng trên Instagram ngày 11/6, bằng tiếng Bahasa. Trong đó, người này cho biết đã đạt lợi nhuận 413% năm nay từ tiền ảo ether.
"Tôi nhận được rất nhiều tin nhắn riêng, hỏi về việc tôi có bao nhiêu ether", bài đăng cho biết, "Một trong những điểm tuyệt vời nhất của Ethereum là tất cả ví điện tử trên thế giới đều minh bạch và mở cửa với tất cả mọi người. Đây là số tiền của tôi". Chỉ trong hơn một tháng, tài sản của người này đã tăng từ 55 triệu USD lên 283 triệu USD.
Ẩn danh là đặc tính phổ biến của các loại tiền ảo. Giờ đây, khi giá trị các loại tiền ảo đã vọt lên hơn 100 tỷ USD, gần bằng vốn hóa McDonald's, các nhà hoạch định chính sách cho rằng đã đến lúc danh tính thật của chủ sở hữu các ví điện tử này cần được khai báo.
Tiền ảo rất được giới tội phạm ưa chuộng vì có thể giấu danh tính. Nhưng điều đó cũng không có nghĩa 0x00A651D43B6e209F5Ada45A35F92EFC0De3A5184 hay bất kỳ ai dùng tiền ảo cũng là để làm điều phi pháp.
Tuy nhiên, chính sự mập mờ càng khiến tiền ảo biến động giá lớn. Ví dụ, đầu năm nay, mỗi đồng ether chỉ có giá 8 USD. Đến tháng 6, con số này đã là 400 USD và hiện tại là 250 USD.
Ether là tiền ảo phổ biến thứ nhì thế giới, sau Bitcoin. Nó được dùng để thanh toán cho các ứng dụng, hoặc các chương trình chạy trên nền tảng khối chuỗi Ethereum. Khối chuỗi là công nghệ được kỳ vọng định hình lại ngành kinh doanh và tài chính thế giới, khi cho phép hoạt động thanh toán diễn ra tức thời, như chuyển khoản ngân hàng hay giao dịch chứng khoán.
Tổng giá trị của tất cả các đồng ether hiện vào khoảng 23 tỷ USD. Điều này có nghĩa hàng chục ví điện tử trên thế giới đang sở hữu số tiền hàng trăm triệu USD. Một cá nhân thậm chí có thể có vài ví điện tử.
Cũng như Bitcoin, ether vẫn đang đánh vật với tiếng tăm chẳng mấy tốt đẹp, là bị tấn công mạng và công nghệ có lỗ hổng. Tháng trước, giá tiền ảo này từng lao dốc xuống 0,1 USD trước khi hồi phục về gần 300 USD.