Nợ bảo hiểm xã hội 8,2 tỷ đồng
Ngày 23/10/2023, tại Hội sở LPBank ở Hà Nội, Lễ ký kết Hợp tác toàn diện giữa Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank) và Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Group) được tổ chức thành công. Giá trị thương vụ không được tiết lộ chỉ biết rằng CLB Hoàng Anh Gia Lai đã đổi tên thành LPBank - Hoàng Anh Gia Lai.
Sau đó không lâu, LPBank bất ngờ bị Bảo hiểm Xã hội thành phố Hà Nội “bêu tên” trong danh sách nợ bảo hiểm trên địa bàn thủ đô. Theo đó, về giá trị nợ, LPBank đứng ở vị trí thứ 31 trong danh sách danh sách các đơn vị sử dụng lao động chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế,… với khoản nợ gần 8,2 tỷ đồng. Thời gian chậm đóng là 1 tháng.
LPBank nợ bảo hiểm xã hội sau khi nhà băng này mạnh tay cắt giảm nhân sự nhưng tăng lương cho người ở lại. Cụ thể, tại ngày 30/9/2023, tổng số lao động tại LPBank là 10.333 nhân sự, giảm 1.870 người, tương đương 15,3% so với cuối năm 2022. Trong khi sa thải gần 2.000 người, LPBank lại tăng quỹ lương.
Trong 9 tháng đầu năm 2023, LPBank đã dành 1.971 tỷ đồng chi lương và phụ cấp. Như vậy, trung bình mỗi người lao động LPBank được trả 191 triệu đồng/người/9 tháng, tương đương 21,1 triệu đồng/người/tháng. Cùng kỳ năm trước, thu nhập của nhân viên LPBank là 16,6 triệu đồng/người/tháng. Có thể thấy, thời gian qua, LPBank cắt giảm nhân sự ngàn người nhưng mạnh tay tăng lương cho người lao động.
Trong khi đó, ngoại trừ Hội đồng quản trị bị giảm thu nhập, Ban Tổng giám đốc và các thành viên chủ chốt khác ghi nhận Thù lao, lương thưởng và phúc lợi khác tăng mạnh từ 4 tỷ đồng lên gần 13 tỷ đồng, Ban Kiểm soát tăng thu nhập từ 846 triệu đồng lên gần 2,7 tỷ đồng.
Hoạt động của LPBank trong thời gian qua có nhiều điều đặc biệt |
Nợ xấu tăng mạnh, giảm sâu dự phòng
LPBank mạnh tay cắt giảm nhân sự trong bối cảnh ngân hàng chứng kiến lợi nhuận suy giảm đáng kể. Lợi nhuận sau thuế quý 3/2023 tăng nhẹ từ 987 tỷ đồng lên 993 tỷ đồng nhưng trong 9 tháng đầu năm, chỉ tiêu này giảm 898 tỷ đồng, tương đương 23,4% xuống 2.944 tỷ đồng. Trên thực tế, tốc độ giảm lợi nhuận của LPBank còn có thể cao hơn nếu LPBank không giảm sâu chi phí dự phòng rủi ro tín dụng dù nợ xấu tăng mạnh.
Cụ thể, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng quý 3/2023 đạt 533 tỷ đồng, giảm 385 tỷ đồng, tương đương 41,9% so với quý 3/2022; lũy kế 9 tháng đầu năm giảm 585 tỷ đồng, tương đương 31,13% so với cùng kỳ năm trước xuống 1.282 tỷ đồng.
Có thể thấy, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tại LPBank giảm sâu dù nợ xấu tăng mạnh. Hồi cuối quý 3/2023, nợ xấu nhà băng này lên tới 7.367 tỷ đồng, chiếm 2,79% tổng dư nợ tín dụng. Nợ xấu đã tăng 3.939 tỷ đồng, tương đương 115% về giá trị tuyệt đối và tăng 91% về tỷ lệ. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng 1.580 tỷ đồng, tương đương 117% so với cuối năm 2022 lên 2.933 tỷ đồng.
Một trong những điểm nhấn của LPBank trong nửa cuối năm 2023 là động thái thoái vốn của Tổng Công ty Bưu Điện Việt Nam (VNPost). Theo đó, phiên đấu giá cổ phần LPBank thuộc sở hữu của VNPost diễn ra trong ngày 20/9/2023 nhưng tính đến 15h30 ngày 19/9, không có nhà đầu tư đăng ký tham gia thỏa thuận trực tiếp hơn 140,5 triệu quyền mua cổ phiếu LPB thuộc sở hữu của VNPost.
Vì vậy, phiên đấu giá cổ phần không đủ điều kiện để tổ chức. Trước đó, trong tháng 4/2023, tình trạng ế ẩm cũng đã diễn ra.
Trong khi VNPost thoái vốn không thành công, ông Nguyễn Đức Thụy, Chủ tịch HĐQT LPBank mạnh tay mua vào. Hồi cuối tháng 9, ông Thụy đã mua vào 13.823.639 cổ phiếu LPB. Số tiền ông Thụy bỏ ra để mua thêm số cổ phiếu nói trên là hơn 138 tỉ đồng. Sau giao dịch, bầu Thụy nắm giữ tổng cộng 61,629 triệu cổ phiếu LPB.