Sẽ điều chỉnh cách tính điểm ưu tiên xét tuyển đại học

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non năm 2022.
Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá tư duy của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Ảnh tư liệu: TTXVN
Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá tư duy của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Ảnh tư liệu: TTXVN

Trong đó, một điểm mới đáng chú ý đó là, từ năm 2023, việc tính mức điểm ưu tiên xét tuyển sẽ được điều chỉnh nhằm tạo sự công bằng giữa các nhóm thí sinh thuộc nhiều khu vực và đối tượng khác nhau.

Chia sẻ rõ hơn về quy định này, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết: Qua phân tích phổ điểm kết quả xét tuyển các năm vừa qua, điểm xét tuyển của thí sinh trước và sau khi được cộng điểm ưu tiên có sự thay đổi rõ rệt, đặc biệt là từ mức điểm lớn hơn 22,5 điểm. Cụ thể, khi chưa được cộng điểm ưu tiên thì nhóm thí sinh ở khu vực 1, khu vực 2, khu vực 2 – nông thôn có điểm trung bình thấp hơn nhóm không được cộng điểm ưu tiên (khu vực 3). Nhưng khi được cộng điểm ưu tiên, điểm trung bình của nhóm được cộng điểm ưu tiên lại lớn hơn (thậm chí tỉ lệ lớn gấp nhiều lần) so với nhóm không được cộng điểm ưu tiên.

Kết quả phân tích quá trình học tập của 2 nhóm thí sinh này trong trường đại học cho thấy: Nhóm sinh viên trúng tuyển do được cộng điểm ưu tiên có kết quả học tập thấp hơn so với nhóm không được cộng điểm ưu tiên. Điều này cho thấy, sự không công bằng giữa 2 nhóm đối tượng thí sinh trên và các trường, đặc biệt là các trường tốp đầu với các ngành hàng đầu, cũng không lựa chọn được các thí sinh có thực lực tốt để đào tạo.

Khi xét tuyển vào các trường và ngành hàng đầu, nhóm thí sinh bị yếu thế, bất lợi, không được hưởng sự công bằng chính là nhóm ở khu vực 3. Thống kê cũng cho thấy, ở nhiều ngành có mức độ cạnh tranh cao thì tỉ lệ thí sinh không được cộng ưu tiên trúng tuyển rất thấp, trong khi nhóm này có thực lực học tốt hơn nhóm được cộng điểm ưu tiên.

Để khắc phục sự bất hợp lý nêu trên, đảm bảo sự công bằng trong toàn hệ thống và có lộ trình áp dụng (từ năm 2023), Quy chế đã quy định: Mức điểm ưu tiên khu vực và ưu tiên đối tượng đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 điểm trở lên (trên tổng điểm 30 tối đa của mỗi tổ hợp 3 môn, tương đương 7,5 điểm trên thang điểm 10) được giảm tuyến tính (tới 30 điểm thì mức điểm mưu tiên bằng 0), cụ thể theo công thức: Mức điểm ưu tiên thí sinh được hưởng = [(30 - Tổng điểm đạt được của thí sinh)/7,5] x Tổng điểm ưu tiên được xác định thông thường.

Theo cách tính này, các thí sinh đạt tới tổng điểm 22,5 không có gì thay đổi trong điểm ưu tiên khu vực và ưu tiên đối tượng. Đối với các thí sinh đạt từ 22,5 điểm trở lên, điểm ưu tiên của sẽ được giảm dần đều cho đến khi điểm thi là 30 điểm thì điểm ưu tiên bằng 0.

Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, với công thức xác định trong Quy chế, việc tính toán ra mức điểm ưu tiên rất dễ dàng và rõ ràng. Đối với thí sinh đạt điểm càng cao, điểm ưu tiên càng giảm, tránh được hiện tượng như những năm trước, có thí sinh đạt điểm xét tuyển cao hơn 30 điểm hoặc trường hợp những thí sinh ở khu vực 3 có điểm thi rất cao nhưng vẫn không trúng tuyển do sự cạnh tranh ở những ngành có điểm trúng tuyển cao là rất lớn.

Để đảm bảo việc tuyển sinh được diễn ra ổn định, Quy chế tuyển sinh hiện hành cũng đã đưa ra lộ trình để áp dụng, cụ thể các thay đổi trên sẽ được thực hiện từ năm 2023.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh: Hiện nay, số thí sinh thuộc diện hưởng các ưu tiên khác nhau là rất lớn, chiếm tới 75% tổng số thí sinh tốt nghiệp hàng năm. Áp dụng chính sách ưu tiên là nhằm giúp tăng tiếp cận giáo dục và đào tạo bậc cao đối với các thí sinh ở vùng khó khăn và thuộc đối tượng yếu thế. Việc áp dụng chính sách xã hội là cần thiết, tuy nhiên cũng cần đảm bảo sự công bằng, tránh để sự hỗ trợ này lại làm cho nhóm thí sinh khác rơi vào bất lợi và yếu thế.

Chế độ cộng điểm ưu tiên cũng tương tự như các chế độ chính sách hỗ trợ khác, không thể chỉ cào bằng theo điều kiện từng khu vực, mà còn phải căn cứ mức độ khó khăn cần hỗ trợ của từng đối tượng. Có một số ý kiến đề nghị bỏ chế độ ưu tiên hoặc giao việc quy định này cho các trường tự chủ thực hiện trong tuyển sinh. Tuy nhiên, chính sách ưu tiên là của Đảng và Nhà nước ban hành, do vậy, cần phải tuân thủ, đảm bảo hỗ trợ phù hợp cho các nhóm đối tượng gặp khó khăn, yếu thế hoặc các đối tượng đặc biệt cần được hưởng chính sách ưu tiên. Việc thực hiện ưu tiên trong tuyển sinh cũng cần thống nhất toàn hệ thống nên cần được quy định trong Quy chế.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.