Sẽ ra sao nếu Nga chiến bại?

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Một thất bại đối với Nga cũng sẽ không phải là một chiến thắng rõ ràng cho phương Tây.
Sẽ ra sao nếu Nga chiến bại?

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã mắc sai lầm chiến lược khi đưa quân sang Ukraine. Ông đã đánh giá sai quan điểm chính trị của quốc gia láng giềng, vốn không chờ đợi được giải phóng bởi những người lính Nga. Ông cũng đã đánh giá sai về Mỹ, Liên minh châu Âu cùng các đồng minh tại châu Á, tất cả đều đang tỏ ra đồng lòng trong làn sóng trừng phạt Moscow.

Phương Tây đang áp đặt các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt lên Nga. Mỗi cuộc chiến đều là một cuộc đấu tranh giành giật tính chính nghĩa từ dư luận và cuộc chiến của Putin ở Ukraine, trong thời đại của truyền thông đại chúng, đã gắn hình ảnh của Nga với một cuộc tấn công vô cớ nhằm vào một nước láng giềng. Ở mọi khía cạnh, định kiến tiêu cực của thế giới sẽ là một trở ngại cho chính sách đối ngoại của Nga trong tương lai.

Không chỉ Putin mắc sai lầm chiến lược, quân đội Nga cũng vấp phải thách thức về chiến thuật tại Ukraine. Căn cứ vào tình hình chiến sự trong giai đoạn đầu của cuộc chiến, có thể nói rằng việc lập kế hoạch và hậu cần của Nga là không đầy đủ và việc thiếu thông tin được cung cấp cho binh lính và thậm chí cho các sĩ quan ở cấp cao hơn đã tác động tiêu cực lên tinh thần của quân đội.

Cuộc chiến được cho là sẽ kết thúc nhanh chóng, với một cuộc tấn công chớp nhoáng có thể lật đổ hoặc buộc chính phủ Ukraine phải đầu hàng, sau đó Nga sẽ áp đặt tình trạng trung lập đối với Ukraine hoặc thiết lập sự ảnh hưởng của Điện Kremlin tại Kyiv. Đánh nhanh thắng nhanh sẽ giúp giảm thiểu tối đa tác động của làn sóng trừng phạt.

Nếu chính quyền của Tổng thống Volodymyr Zelensky sụp đổ nhanh chóng, Putin có thể tuyên bố rằng ông đã đúng: bởi vì Ukraine không sẵn sàng hoặc không thể tự vệ, nó không phải là một quốc gia thực sự, đúng như khẳng định của ông trước đó.

Nhưng Putin sẽ không thể giành chiến thắng trong cuộc chiến này theo mong muốn của mình. Vẫn có những dấu hiệu chỉ ra rằng ông có thể thất bại. Quân đội Nga có thể sa lầy trong một cuộc chiếm đóng vô ích và tốn kém ở Ukraine, làm suy giảm tinh thần của binh lính, tiêu tốn tài nguyên và không mang lại lợi ích gì về uy tín của Nga.

Nga có thể tạo ra một số mức độ kiểm soát đối với các khu vực miền Đông và miền Nam Ukraine và có thể là Kyiv, trong khi vấp phải sự phản kháng từ lực lượng nổi dậy ở miền Tây Ukraine và thậm chí là vướng vào một cuộc chiến tranh du kích trên khắp đất nước.

Đồng thời, Putin sẽ phải chứng kiến kinh tế Nga rơi vào vòng xoáy suy thoái, sự cô lập ngày càng tăng của nước này. Do đó, Putin có thể mất sự ủng hộ của người dân và giới tinh hoa Nga, những người mà ông phụ thuộc vào để phát động chiến dịch quân sự và duy trì quyền lực của mình.

Putin dường như đang cố gắng thiết lập lại một số hình thức của chủ nghĩa đế quốc Nga. Nhưng khi thực hiện canh bạc phi thường này, dường như ông đã không nhớ lại những sự kiện đã đặt ra cho sự kết thúc của đế chế Nga. Sa hoàng cuối cùng của Nga, Nicholas II, đã thua trong cuộc chiến chống Nhật Bản vào năm 1905.

Sau đó, vị Sa hoàng đã trở thành nạn nhân của Cách mạng Tháng Mười, không chỉ mất vương quyền mà còn mất mạng. Putin sẽ nhận ra bài học từ cổ nhân: những nhà lãnh đạo chuyên quyền không thể chiến bại và sau đó tiếp tục nắm quyền.

Cuộc chiến không có kẻ thắng

Putin khó có thể thua cuộc chiến ở Ukraine trên chiến trường. Nhưng ông có thể thua khi cuộc chiến gần như kết thúc và câu hỏi tiếp theo là: "Bây giờ thì sao?".

Những hậu quả khôn lường và bị đánh giá thấp của cuộc chiến này sẽ khiến Nga khó chịu. Việc thiếu một kế hoạch chính trị cho những gì xảy ra tiếp theo, giống như cách Mỹ xử lý sau cuộc chiến tại Iraq, sẽ góp phần khiến đây trở thành một cuộc chiến bất khả thắng.

Ukraine sẽ không đủ khả năng để đánh bật lực lượng của Nga về nước. Quân đội Nga ở tầm cao khác so với Ukraine, đặc biệt là ở khả năng sở hữu vũ khí hạt nhân. Cho đến nay, quân đội Ukraine đã cố gắng chặn các hướng tiến công của Nga, nhưng trở ngại thực sự đối với những bước tiến của Nga chính là bản chất của cuộc chiến.

Thông qua các cuộc tấn công bằng tên lửa và oanh tạc từ trên không, Nga có thể san bằng các thành phố của Ukraine, từ đó đạt được ưu thế trên chiến trường.Chính quyền Moscow có thể thử sử dụng vũ khí hạt nhân ở quy mô nhỏ để đạt được hiệu quả tương tự. Nếu Putin đưa ra quyết định này, không có gì trong hệ thống Nga có thể ngăn cản ông ấy.

"Họ tạo ra một hoang mạc, rồi gọi đó là hòa bình", nhà sử học La Mã Tacitus từng viết như vậy về các chiến thuật chiến tranh của La Mã.

Putin có thể đưa ra lựa chọn tương tự cho chiến dịch tại Ukraine. Dù vậy, ông sẽ không thể đơn giản bỏ "hoang mạc" sau lưng.

Putin đã khởi động cuộc chiến vì lợi ích của vùng đệm quân sự do Nga kiểm soát và trật tự an ninh do Mỹ đứng đầu ở châu Âu. Ông sẽ không thể tránh khỏi việc xây dựng một cấu trúc chính trị để đạt được mục đích của mình và duy trì một số mức độ trật tự ở Ukraine.

Nhưng người dân Ukraine đã cho thấy rằng họ không muốn nằm dưới quyền kiểm soát của Nga. Sự kháng cự của người dân Ukraine khiến nhiều người liên tưởng tới cuộc chiến giành độc lập của Algeria chống lại Pháp. Dù đối đầu với một cường quốc với khả năng quân sự vượt trội, tuy nhiên người Algeria đã làm mọi cách để đánh bật quân đội Pháp và kêu gọi sự ủng hộ từ chính Paris.

Có lẽ Putin muốn xây dựng một chính quyền thân Moscow tại Kyiv. Đây là một mô hình khả thi cho khu vực miền Đông Ukraine. Tuy nhiên, trên thực tế, đó chỉ là mô hình trên giấy. Một Ukraine bị biến đổi có thể tồn tại như một ảo tưởng hành chính ở Moscow và chính phủ này chắc chắn có khả năng hành động theo mong muốn của Điện Kremlin. Nhưng nó không bao giờ có thể hoạt động trong thực tế, căn cứ vào lịch sử gần đây của nước này.

Trong các bài phát biểu của mình về Ukraine, Putin đề cập nhiều đến chủ nghĩa dân tộc của người Ukraine thân Đức của những năm 1940. Ông bày tỏ quan ngại về một Ukraine "phát xít hóa" và mục tiêu tuyên bố của ông là "phi hạt nhân hóa" Ukraine.

Trên thực tế, Ukraine có các yếu tố chính trị cực hữu. Tuy nhiên, điều mà Putin không nhìn thấy hoặc bỏ qua là ý thức về quốc gia dân tộc phổ biến hơn và mạnh mẽ hơn nhiều đã xuất hiện ở Ukraine kể từ khi nước này tuyên bố độc lập khỏi Liên Xô vào năm 1991.

Phản ứng quân sự của Nga đối với cuộc cách mạng Maidan năm 2014 ở Ukraine, sau đó đã lật đổ một chính phủ thân Nga tại Kyiv, là minh chứng cho ý thức này. Kể từ khi Putin phát động chiến dịch quân sự, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã đóng vai trò hoàn hảo trong việc kêu gọi chủ nghĩa dân tộc tại Ukraine. Sự hiện diện quân sự lâu dài của Nga sẽ mở rộng ý thức về quốc gia của chính thể Ukraine, một phần bằng cách tạo ra nhiều người "tử vì đạo", như cách đế quốc Nga đã chiếm đóng Ba Lan vào thế kỷ XIX.

Vì vậy, để đạt được hiệu quả, việc chiếm đóng sẽ phải là một hoạt động chính trị lớn, diễn ra trên ít nhất một nửa lãnh thổ của Ukraine. Nó sẽ gây tốn kém khôn lường. Có lẽ Putin đã nghĩ đến điều gì đó tương tự Hiệp ước Warsaw, qua đó giúp Liên Xô nắm quyền kiểm soát các nước trong khối. Đây cũng là một phương án đắt đỏ, nhưng không đắt bằng việc kiểm soát một đất nước hỗn loạn, với những lực lượng chống đối được trang bị tận răng các vũ khí hiện đại và sẵn sàng trừng phạt các sơ hở của quân đội Nga. Một nỗ lực như vậy sẽ gây tiêu hao ngân khố của Nga.

Trong khi đó, các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp đặt lên Nga sẽ dẫn đến việc tách Nga ra khỏi nền kinh tế toàn cầu. Đầu tư nước ngoài suy giảm kéo theo thiếu hụt nguồn vốn. Chuyển giao công nghệ sẽ cạn kiệt. Các thị trường sẽ quay lưng với Nga, có thể bao gồm cả thị trường khí đốt và xăng dầu của nước này, vốn đem lại nguồn thu lớn cho quá trình hiện đại hóa nền kinh tế Nga của ông Putin.

Các doanh nghiệp nước ngoài và tài phiệt sẽ tìm cách chạy khỏi Nga. Hậu quả lâu dài của những biến động này có thể dự đoán được. Như nhà sử học Paul Kennedy đã lập luận trong cuốn "Sự trỗi dậy và sụp đổ của các cường quốc", những quốc gia như vậy có xu hướng tiến hành các cuộc chiến sai trái, gánh vác gánh nặng tài chính và do đó tự tước đi tăng trưởng kinh tế - huyết mạch của một cường quốc. Trong trường hợp có thể khuất phục Ukraine, thì Nga cũng sẽ tự hủy hoại chính mình.

Một biến số quan trọng dẫn đến hậu quả của cuộc chiến này là công chúng Nga. Chính sách đối ngoại của Putin từng được lòng dư luận trong quá khứ. Ở Nga, việc sáp nhập Crimea nhận được sự ủng hộ lớn. Phần lớn cử tri Nga vẫn thích phong cách lãnh đạo quyết đoán của Putin.

Điều này cũng có thể vẫn xảy ra trong giai đoạn đầu của cuộc chiến ở Ukraine. Thương vong của binh sĩ Nga sẽ tạo ra một động cơ thúc đẩy lòng yêu nước trong nước, giúp gây dựng sự ủng hộ cho chiến dịch quân sự và hoạt động tuyên truyền. Một nỗ lực toàn cầu nhằm cô lập Nga có thể phản tác dụng, khiến người Nga phải xác định danh tính quốc gia của họ dựa trên sự bất bình và phẫn nộ.

Tuy nhiên, nhiều khả năng hơn là nỗi kinh hoàng của cuộc chiến này sẽ phản tác dụng đối với Putin. Người Nga đã không xuống đường để phản đối việc quân đội Nga tham chiến tại Syria. Nhưng Ukraine có một ý nghĩa hoàn toàn khác đối với người Nga.

Có hàng triệu gia đình Nga-Ukraine sinh sống tại hai quốc gia này. Hai nước vẫn có quan hệ văn hóa, ngôn ngữ và tôn giáo. Thông tin về những gì đang xảy ra ở Ukraine sẽ tràn vào Nga thông qua mạng xã hội và các kênh truyền thông, gây phản bác và làm mất uy tín của chính quyền Putin. Đây là một tình huống khó xử mà ông Putin không thể giải quyết dễ dàng. Phản ứng của người dân Nga trong sự kiện Liên Xô sụp đổ là một bài học đối với Putin.

Những viễn cảnh đen tối

Hậu quả của việc Nga chiến bại tại Ukraine sẽ khiến châu Âu và Mỹ phải đối mặt với những thách thức cơ bản. Giả sử một ngày nào đó Nga buộc phải rút quân, thì việc tái thiết Ukraine, với mục tiêu chính trị là chào đón nước này gia nhập EU và NATO, sẽ là một nhiệm vụ nặng nề.

Ngoài ra, một hình thức kiểm soát yếu kém của Nga đối với Ukraine có thể đồng nghĩa với việc một khu vực giao tranh liên tục mất ổn định ở phía đông biên giới NATO. Châu Âu có thể chứng kiến một thảm họa nhân đạo thảm khốc nhất ​​trong nhiều thập kỷ.

Đáng lo ngại không kém là viễn cảnh về một nước Nga suy yếu và mất thể diện, giống như những gì đã xảy ra ở Đức sau Thế chiến I. Nếu Putin duy trì quyền lực của mình, Nga sẽ trở thành một quốc gia bị ruồng bỏ, một siêu cường bất hảo với kho vũ khí hạt nhân vẫn còn nguyên vẹn.

Những tác động tiêu cực của cuộc chiến Ukraine sẽ bám lấy chính trường Nga trong nhiều thập kỷ, hiếm có quốc gia nào hưởng lợi sau khi để thua một cuộc chiến. Mất mát về kinh tế, nhân mạng và sự suy giảm địa chính trị sẽ xác định đường lối của Nga và chính sách đối ngoại của Nga trong nhiều năm tới, và sẽ rất khó để hình dung một nước Nga tự do trỗi dậy sau thất bại ở Ukraine.

Ngay cả khi Putin thất thế tại Nga, nước này cũng khó có thể nổi lên như một nền dân chủ thân phương Tây. Nó có thể bị chia tách, đặc biệt là ở Bắc Caucasus, hoặc có thể trở thành một chế độ chuyên chế quân sự có vũ khí hạt nhân.

Các nhà hoạch định chính sách sẽ không sai khi hy vọng về một nước Nga tốt đẹp hơn và vào thời điểm mà một nước Nga thời hậu Putin có thể thực sự hội nhập vào châu Âu. Tuy nhiên, họ sẽ thật ngu ngốc khi không chuẩn bị cho những viễn cảnh đen tối hơn.

Lịch sử đã chỉ ra rằng việc xây dựng một trật tự quốc tế ổn định là vô cùng khó khăn khi tồn tại một cường quốc theo khuynh hướng xét lại, mất thể diện, đặc biệt là một đất nước như Nga.

Để làm vậy, phương Tây sẽ phải áp dụng một cách tiếp cận liên tục cô lập và ngăn chặn. Kiềm chế Nga và lôi kéo Mỹ ở lại sẽ trở thành ưu tiên của châu Âu, vì châu Âu sẽ phải chịu gánh nặng chính trong việc đối phó với một nước Nga bị cô lập sau thất bại ở Ukraine. Về phần mình, Mỹ muốn tập trung vào Trung Quốc. Đổi lại, Trung Quốc có thể cố gắng tăng cường ảnh hưởng của mình trong bối cảnh Nga đang suy yếu, điều này dẫn đến chính xác sự thống trị của Trung Quốc mà phương Tây muốn ngăn chặn vào đầu thập niên 2020.

Tổn thất thực tế

Phương Tây chắc chắn không muốn Putin chiến thắng cuộc chiến ở Ukraine. Tuy nhiên, một thất bại của Nga sẽ không có lý do gì để họ ăn mừng. Nếu Nga ngừng chiến dịch quân sự, thì tổn thất tại Ukraine sẽ là một vết thương lòng kéo dài trong nhiều thế hệ và Nga sẽ không sớm rút quân về nước.

Mỹ và châu Âu nên tập trung vào việc khai thác những lỗ hổng trong chiến lược của Putin, không chỉ bằng cách củng cố liên minh xuyên Đại Tây Dương và khuyến khích người châu Âu hành động theo mong muốn lâu dài của họ về chủ quyền chiến lược, mà còn bằng cách gây ấn tượng với Trung Quốc về bài học thất bại của Nga: thách thức các chuẩn mực quốc tế, chẳng hạn như chủ quyền của các quốc gia, đi kèm với tổn thất thực tế, và chủ nghĩa phiêu lưu quân sự làm suy yếu các quốc gia mê đắm nó.

Nếu một ngày nào đó phương Tây có thể giúp khôi phục chủ quyền của Ukraine và nếu họ có thể đồng thời thúc đẩy Nga và Trung Quốc chấp nhận trật tự quốc tế hiện tại, thì sai lầm lớn nhất của Putin sẽ trở thành cơ hội cho phương Tây. Nhưng nó sẽ phải trả một cái giá cực kỳ cao.

Bài viết thể hiện quan điểm của hai nghiên cứu viên Liana Fix và Michael Kimmage từ Nhóm gây quỹ và nghiên cứu chính sách công German Marshall Fund.

Theo Foreign Affairs
Bộ sách Lịch sử quân sự Việt Nam. Ảnh: baochinhphu.vn
Xuất bản bộ sách 14 tập về lịch sử quân sự Việt Nam
(Ngày Nay) - Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật vừa tổ chức xuất bản lần thứ ba bộ sách Lịch sử quân sự Việt Nam của Viện Lịch sử quân sự nhằm tiếp tục truyền bá tri thức lịch sử quân sự dân tộc tới các tầng lớp nhân dân và bạn bè quốc tế. Đây là một trong những hoạt động hướng tới các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng trong năm 2024.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp chiều 5/11/2024. Ảnh: Minh Đức/TTXVN
Chống lãng phí, khai thác hiệu quả tài sản công
(Ngày Nay) - Các đại biểu Quốc hội đề nghị tiếp tục hoàn thiện pháp luật về thu - chi ngân sách nhà nước, cơ cấu ngân sách theo hướng bền vững, tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, chống lãng phí.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Thủ tướng tới Vân Nam, bắt đầu chuyến công tác tại Trung Quốc
(Ngày Nay) - Sáng 5/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 5 đến ngày 8/11/2024.