Đây là những thông tin được đưa ra tại Hội nghị Tăng cường công tác phòng chống bệnh sốt xuất huyết và các dịch bệnh mùa hè năm 2018 trên phạm vi toàn quốc, do Bộ Y tế tổ chức vừa qua.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Trong những tháng đầu năm 2018, cả nước ghi nhận khoảng 80 trường hợp mắc bệnh sởi, trong đó có nhiều trẻ dưới 2 tháng tuổi. Thực tế này cho thấy miễn dịch sởi ở trẻ em thì có còn người lớn thì không. Và hiện nay trẻ em lại chính là hàng rào miễn dịch bệnh sởi cho cộng đồng. Rồi tình trạng nhiều trẻ mắc ho gà dưới 2 tháng tuổi. Nguyên nhân là do miễn dịch của bà mẹ không có, vì vậy đây là lý do gây nên tình trạng nhiều trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng đã mắc bệnh sởi, bệnh ho gà.
Tại hội nghị, Thứ trưởng đề nghị Cục Y tế dự phòng, chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia và chương trình tiêm chủng nói chung về việc đảm bảo bao phủ vắc xin với người lớn, đặc biệt tập trung cho các bà mẹ trong tuổi sinh đẻ về các bệnh sởi, ho gà, bạch hầu… “Vừa rồi, chúng tôi cũng chỉ đạo nghiên cứu vắc xin sởi để tiêm sớm hơn vì bình thường trẻ 9 tháng mới tiem, nhưng nay có nhiều trẻ 6 – 9 tháng đã mắc, nên sẽ đẩy tiêm sớm hơn 6 tháng”- Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.
Ngoài ra, thông tin tại Hội nghị, Phó Viện Vệ sinh dịch tế Trung ương Trần Như Dương cho biết, ngoài bệnh sởi, thì có nhiều dịch bệnh hay gặp trong mùa hè như: Tay chân miệng, sốt xuất huyết, viêm não Nhật bản, đau mắt đỏ, tiêu chảy… có thể lay lan nếu người dân không có ý thức phòng ngừa.
Để tăng cường các hoạt động phòng chống dịch bệnh, trong thời gian tới, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị cần tập trung triển khai một số giải pháp như nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền các cấp, các bộ ban ngành đoàn thể. Tăng cường giám sát, phát hiện sớm các bệnh dịch nguy hiểm, các ổ dịch tại cộng đồng, xử lý kịp thời, hiệu quả. Nâng cao tỷ lệ tiêm chủng, đạt ít nhất 95% quy mô xã, phường. Sẵn sang thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ tử vong. Tập huấn nâng cao năng lực các tuyến về giám sát, đáp ứng, điều trị. Đồng thời đảm bảo hậu cần cho công tác phòng chống dịch.
Theo LĐTĐ