Nhóm nghiên cứu từ Viện Wellcome Sanger và Trường Y học Nhiệt đới & Vệ sinh London (Anh) đã xem xét sự khác biệt của 906 chủng Clostridium difficile từ người, động vật và môi trường trên 33 quốc gia và phát hiện ra vi khuẩn nguy hiểm này đang tiến hóa theo cách đáng lo ngại.
Clostridium difficile là một vi khuẩn tấn công vào đường ruột, gây tiêu chảy nặng, khiến bệnh nhân mất nước nghiêm trọng, suy nhược. Trong nghiên cứu mới này, các nhà khoa học phát hiện ra chúng đang phát triển thành 2 loài mới riêng biệt, trong đó có một loài cực kỳ mạnh mẽ, có thể sống tốt ngoài môi trường và thậm chí các chất khử trùng mạnh của bệnh viện không diệt nổi.
Đáng lo ngại hơn, loài mới có độc tính mạnh mẽ này lại tiến hóa để sống tốt trong đường ruột những người "hảo ngọt". Nó có những thay đổi về gene so với loài gốc, nên "dễ nuôi" hơn tổ tiên, có thể ăn các loại đường đơn giản. Vì vậy, chế độ ăn giàu đường của những người "hảo ngọt" sẽ tiếp tay cho loại vi khuẩn mạnh mẽ này.
Đáng ngại rằng với chế độ ăn kiểu công nghiệp phổ biến hiện nay cùng với sự nở rộ của các thức ăn, đồ uống giàu đường, số người "hảo ngọt" trong cộng đồng ngày càng gia tăng.
Chưa kể, các thay đổi trong gene cũng giúp thế hệ Clostridium difficile mới có sức đề kháng lớn hơn nhiều với các chất khử trùng thông thường, bao gồm các chất khử trùng bệnh viện, khiến nó có khả năng lây lan rất cao, đe dọa hình thành "siêu bệnh". Đặc tính này làm dấy nên mối lo ngại nó có thể là một siêu vi khuẩn kháng thuốc mới.
Theo giáo sư Brendan Wren từ Trường Y học Nhiệt đới & Vệ sinh London, điều này cho thấy điều đáng ngại là các mầm bệnh nguy hiểm khác cũng có thể phát triển và thích nghi với những thay đổi trong lối sống con người và chế độ chăm sóc sức khỏe.
Nghiên cứu này vừa được công bố trên tạp chí Nature Genetic.