Nguyên nhân được xác định là do thời tiết nắng nóng, khiến nhiều hoạt động được chuyển sang tổ chức trong nhà, thay vì ngoài trời. Điều này làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2, trong khi nhiều người bị suy giảm hệ miễn dịch dù trước đó đã tiêm đầy đủ vaccine COVID-19.
Đặc biệt, trong tuần cuối tháng 7, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết số ca nhập viện do COVID-19 ở Mỹ đã tăng 43% so với tuần cuối tháng 6.
Hôm 9/8, hãng tin Reuters dẫn CDC Mỹ cho biết biến thể mới EG.5 của Omicron, hay còn được gọi là “Eris”, hiện đang gia tăng lây lan ở Mỹ. Theo ước tính, biến thể này hiện chiếm khoảng 17% số ca mắc COVID-19 ở nước này.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 9/8 thông báo cần quan tâm đến biến thể phụ EG.5 của Omicron sau khi ghi nhận sự gia tăng và mức độ lây lan rộng khắp của biến thể này. Ngoài Mỹ, một số quốc gia khác như Anh, Pháp và Nhật Bản cũng ghi nhận số ca tăng mạnh trong vài tuần qua.
Theo đánh giá của WHO, biến thể này dường như dễ lây truyền hơn các biến thể khác đang lưu hành, có thể là do đột biến protein. WHO đồng thời cho biết biến thể này cho thấy khả năng "né" miễn dịch. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, không có dấu hiệu nào cho thấy EG.5 gây ra các triệu chứng nghiêm trọng và WHO xác định biến thể này có nguy cơ "thấp" đối với sức khỏe cộng đồng toàn cầu.
Theo Giáo sư y khoa Jesse Goodman tại Đại học Georgetown (Mỹ), sự gia tăng các ca nhiễm COVID-19 này không phải là sự bùng phát toàn cầu nhưng người dân cần phải cảnh giác với dịch bệnh, đặc biệt là đối với những đối tượng dễ bị tổn thương và những người có bệnh nền.
Các chuyên gia y tế cảnh báo những người có nguy cơ mắc bệnh nên cân nhắc việc tiêm nhắc lại bằng các loại vaccine có trên thị trường và việc sử dụng khẩu trang vẫn là một lựa chọn. Những người dễ bị tổn thương khi có các triệu chứng cần đi xét nghiệm ngay để sớm được điều trị bằng thuốc kháng virus như Paxlovid của Pfizer, giúp giảm nguy cơ nhập viện và nguy cơ tử vong.