Theo trang thống kê worldometers.info, tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do chủng mới của virus corona (SARS CoV-2) gây ra đã vượt quá 4 triệu người.
Cụ thể, tính đến 4 giờ 30 sáng 9/5 (theo giờ Việt Nam), trên thế giới ghi nhận 4.000.972 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 275.352 ca tử vong, 48.648 trường hợp trong tình trạng nguy kịch và 1.375.955 bệnh nhân đã bình phục.
Mỹ vẫn là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19 khi tổng số ca nhiễm lên tới 1.318.504 trường hợp, trong đó có 78.492 ca tử vong và 16.928 người đang nguy kịch.
Trong khi đó, nhiều nơi trên thế giới đang chật vật đối phó với tình trạng thiếu vật tư y tế cần thiết để xét nghiệm chẩn đoán virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Phát biểu với báo giới ngày 8/5, người đứng đầu Phòng thí nghiệm y tế của Liên hợp quốc, ông Giovanni Cattoli, cho biết: "Một vài phòng thí nghiệm ở nhiều khu vực trên thế giới không có các thiết bị cần thiết. Họ không có các thuốc thử và quy trình cần thiết để chẩn đoán nhanh virus SARS-CoV-2."
Theo ông Cattoli, các loại thuốc thử hóa học để tiến hành xét nghiệm virus đang thiếu trầm trọng do nhu cầu gia tăng ở khắp nơi trên thế giới.
Ngay cả phòng thí nghiệm của Liên hợp quốc cũng đang phải gấp rút đặt mua thuốc thử và tìm kiếm những lựa chọn thay thế thuốc thử.
Phòng thí nghiệm của Liên hợp quốc do Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) và Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) phối hợp điều hành.
Ông Cattoli cho biết đến nay 119 quốc gia thành viên đã đề nghị IAEA tài trợ gói thiết bị thử nghiệm để cung cấp cho hơn 200 phòng thí nghiệm. Trong số đó, 18 phòng thí nghiệm đã nhận được nguồn cung ứng.
Chi phí cho mỗi gói thiết bị thử nghiệm - hơn 100.000 euro (108.000 USD) - do IAEA chi trả.
Những quốc gia nhận được thiết bị thử nghiệm là Bosnia-Herzegovina, Burkina Faso, Iran, Kenya, Latvia, Liban, Lesotho, Malaysia, Montenegro, Maroc, Nigeria, Bắc Macedonia, Peru, Philippines, Senegal, Sri Lanka, Thái Lan và Togo.