Thừa cân từ trong bụng mẹ
Trong một diễn đàn dành cho những bà mẹ sinh con tại bệnh viện Phụ sản Hà Nội, một chủ đề nóng luôn trở đi trở lại thường trực là: “Ăn gì để thai to?”. Sáng sớm, một bà mẹ trẻ hốt hoảng: “Con em được 30 tuần mà chỉ nặng 1,5 kg có nhỏ lắm không các mẹ?, đến chiều lại có một bà mẹ khác gửi gắm nỗi hoang mang: “Con em 34 tuần được 2,5 kg, ông bà nội trách bé quá, sinh ra nuôi khó, phải làm sao để sinh con được 4 kg?”…
Sau mỗi câu hỏi là hàng loạt bà mẹ khác an ủi, chia sẻ kinh nghiệm, người vào kêu thai nhỏ quá, người nhiệt tình đưa lời khuyên: “Mẹ nó hãy ăn trứng vịt lộn, uống sữa ensure tích cực vào”, “Bác sĩ bày cho mình ăn cháo nóng trước khi đi ngủ, đêm nhớ dậy uống sữa nóng...”, “Về tích cực ăn gà hầm, cháo xương hầm đỗ xanh bạn ơi, uống thêm sữa tươi, mía tím hấp, chia thành 6-8 bữa…”. Dù theo bảng cân nặng chuẩn của WTO, cột mốc chuẩn cho trẻ sơ sinh lúc mới chào đời từ 3 - 3,5 kg là đẹp nhất, nhưng hầu như mẹ bầu nào cũng bị cuốn vào cuộc đua đẻ con béo, con mập.
Sau khi con ra đời, do quan niệm trẻ con phải bụ bẫm mới dễ thương nên nhiều bà mẹ có con ở mức thừa cân thì lại cho là… bình thường, những người có con ở mức béo phì lại cho rằng con… chỉ hơi thừa cân. Ai nuôi con nhỏ có hình dáng dong dỏng sẽ bị cho là “không biết chăm con” khi để con gầy gò, không có da có thịt.
Chịu áp lực từ mẹ chồng khi nuôi con không bụ, chị Hoàng Phương, 28 tuổi (Đình Thôn, phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ: Suốt ngày mẹ chồng tôi so sánh cháu mình với cháu hàng xóm, khen sữa mẹ nó tốt, mẹ nó khéo chăm con, nhìn thằng bé mũm mĩm như cục bột… chả bù cho cháu mình chỉ được cái dài ngoằng, còn da thịt “sơ tán” hết đi đâu”.
Cậu bé nhà bên cạnh được mẹ chồng chị Phương đưa ra làm hình mẫu ấy mới học lớp 3 nhưng đã nặng 40 kg. Chưa cần đo chỉ số cơ thể, chỉ nhìn bằng mắt thường cũng thấy cậu bé mũm mĩm đến mức mặc áo chật căng bụng, mỗi bước di chuyển cả khối thịt rung lên. Thế nhưng, dường như bà ngoại của bé không ý thức việc thừa cân của cháu mà vẫn miệt mài gỡ thịt, bóc tôm bỏ vào bát và khích lệ “ăn đi con, ăn nhiều vào”.
PGS.TS Bùi Thị Nhung - Trưởng khoa Dinh dưỡng trường học và Ngành nghề, Viện Dinh dưỡng Quốc gia chia sẻ, kết quả nghiên cứu về mối liên quan giữa gene cảnh bệnh béo phì và tình trạng thừa cân béo phì ở trẻ em Hà Nội cho thấy: Trẻ em Hà Nội béo phì vì ăn nhiều, vì quan niệm về hình ảnh cơ thể của bố mẹ. “Khi chúng tôi làm nghiên cứu cho 100-200 bà mẹ bà ở Hà Nội và 100-200 bà mẹ ở Hải Phòng nhận định thế nào là thừa cân, béo phì thì các mẹ đều thích con có chỉ số khối cơ thể (BMI) là 110%-120% tương đương mức cận thừa cân và thừa cân. Khi chúng tôi cho mẹ tự đánh giá về tình trạng dinh dưỡng của con mình và cân đo thực tế cho thấy: Đa phần các bà mẹ có con ở tình trạng cân nặng bình thường thì các mẹ lại đánh giá là thiếu cân; các mẹ có con thừa cân thì đánh giá bình thường; và các mẹ có con béo phì thì đánh giá là “con tôi mới hơi thừa cân”. Có đến 27% bà mẹ có con bị thừa cân béo phì mà chỉ 2% nhận định được con béo phì rồi, nguy hiểm lắm, phải giảm cân; còn lại 25% bà mẹ cho rằng con hơi mũm mĩm, nhưng chắc tăng cân 1 chút vẫn được” – TS Bùi Thị Nhung dẫn chứng.
Bệnh đái tháo đường trẻ hóa
TS Trương Hồng Sơn - Viện trưởng Viện Y học ứng dụng, Tổng hội Y học Việt Nam chia sẻ: Ở các TP lớn như Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng… số lượng trẻ suy dinh dưỡng, nhẹ cân ước tính khoảng 100.000 trẻ, nhưng trẻ thừa cân, béo phì cũng tương đương. Tình trạng trẻ thừa cân, béo phì là xu hướng đáng lo ngại không chỉ riêng ở Việt Nam mà còn trên toàn cầu. Trong khi tỷ lệ suy dinh dưỡng đã được khống chế và giảm nhiều thì cho đến nay, chưa có châu lục hay quốc gia nào thành công trong việc ngăn chặn sự gia tăng của tỷ lệ trẻ thừa cân, béo phì.
Hậu quả của những trẻ thừa cân, béo phì là dễ dẫn đến mặc một số bệnh như rối loạn lipid máu, viêm gan, tăng huyết áp, đái tháo đường, chứng ngưng thở khi ngủ… trong đó bệnh đái tháo đường ở trẻ đã được các bác sỹ nội tiết cảnh báo.
TS Nguyễn Hướng Dương - Phó giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết: Nếu như trước đây bệnh nhân mắc đái tháo đường thường ở độ tuổi 40-50, thì nay, bác sĩ đã khám và điều trị cho nhiều trẻ 12, 13 tuổi, thậm chí nhỏ hơn mắc đái tháo đường type 2 vì thừa cân, béo phì.
“Nguyên nhân gây thừa cân, béo phì lại bắt nguồn từ thói quen ăn các đồ ăn nhanh giàu chất mỡ, nhưng lại lười vận động. Đơn cử, trẻ ăn 100 g phô mai, để tiêu thụ được hết số năng lượng từ thực phẩm này, trẻ phải đi bộ nhanh 20 km. Hay như với bim bim, chỉ một gói nhưng lại cung cấp năng lượng và chất béo hơn một bát cơm đầy. Do vậy, nếu một ngày trẻ nạp một gói bim bim, cùng miếng phô mai, năng lượng tích tụ nhưng trẻ lại ít vận động sẽ sinh béo phì và đây là nguy cơ gây bệnh tiểu đường” - Bác sỹ Dương phân tích.
Cả nhà cùng… nhịn ăn
Không chỉ trẻ nhỏ, cách sinh hoạt thời hiện đại khiến cả bố mẹ và ông bà cũng rơi vào vòng luẩn quẩn ăn ngon - giảm cân - phòng bệnh. Chỉ trong vòng 10 năm, từ 2005 đến 2015, Việt Nam từ nước thấp còi, suy dinh dưỡng quay ngoặt trở thành nước có tỷ lệ thừa cân béo phì tăng nhanh, đặc biệt là béo phì tăng tới 4 lần.
Năm 2016, theo số liệu của Đài quan sát y tế toàn cầu (Global Health Observatory) thuộc Tổ chức Y tế thế giới, tỷ lệ béo phì tại Việt Nam ở mức 2,4% đối với nhóm người 5-19 tuổi và 2,1% với người trưởng thành (trên 18 tuổi). Con số này vẫn tiếp tục tăng ở các năm sau.
Chỉ cần gõ Google từ khóa giảm cân, sau 0,3 giây đã cho ngay hơn 84 triệu kết quả về cách giảm cân, trà giảm cân, thực đơn giảm cân, đốt mỡ bằng gym… Chưa kể hàng loạt các tìm kiếm liên quan ăn theo: Cách giảm cân cấp tốc, chế độ ăn kiêng hiệu quả... Tình trạng thừa cân, béo phì dường như lan nhanh hơn virus trong cuộc sống hiện đại. Nhiều spa công khai quảng cáo các lộ trình tiêm tan mỡ, đánh bụng giảm mỡ... thậm chí giảm mỡ bằng lửa, nghĩa là nhân viên spa thoa tinh dầu, trải 3 lớp khăn ẩm lên bụng khách, đổ cồn, châm lửa, sau khi ngọn lửa bùng lên khoảng 20 giây thì dập lửa… Chẳng biết hiệu quả đến đâu nhưng bất cứ phương pháp giảm cân nào mới, bất cứ loại thuốc giảm cân nào mới ra đời đều thu hút hàng nghìn lượt khách xin tham gia thử nghiệm.
Dược sỹ Minh Hà - chủ một hiệu thuốc trên đường Hoàng Hoa Thám, Hà Nội cho biết, bắt đầu vào mùa cưới, hàng ngày bán thuốc, chị gặp không ít các khách hàng nữ có thân hình mập mạp, hỏi mua thuốc giảm cân cấp tốc để mặc áo cô dâu cho đẹp. Họ khăng khăng nói rằng, có loại thuốc giảm cân uống vào có thể giảm được 10kg/tháng khiến chị phải giật mình, thảng thốt.
Hậu quả của những trẻ thừa cân, béo phì là dễ dẫn đến mặc một số bệnh như rối loạn lipid máu, viêm gan, tăng huyết áp, đái tháo đường, chứng ngưng thở khi ngủ… trong đó bệnh đái tháo đường ở trẻ đã được các bác sỹ nội tiết cảnh báo.
PGS. TS Nguyễn Thị Lâm, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết: “Thuốc giảm cân được chia thành các loại, đó là loại giảm hấp thu chất béo từ lòng ruột, tăng cường đốt cháy chất béo trong cơ thể và thuốc gây nhuận tràng. Tuy nhiên mọi người không nên lạm dụng, vì dùng lâu sẽ gây mất các chất dinh dưỡng của cơ thể. Giả sử giảm được 8-10 kg như quảng cáo thì sức khỏe người sử dụng có thể gặp nguy hiểm, nhất là những người đã mắc bệnh gout”. Ngoài ra, PGS Lâm khuyến cáo, khi sử dụng thuốc giảm cân, chị em sẽ phải chấp nhận sống chung với những tác dụng phụ như tiêu chảy kéo dài, suy nhược cơ thể, dùng lâu dài có thể ảnh hưởng đến thần kinh, huyết áp, gây trầm cảm, phải lệ thuộc vào thuốc..., ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống.
Theo nhiều chuyên gia, những người cần giảm cân nên tới trung tâm dinh dưỡng để được thăm khám, xét nghiệm và đánh giá tình trạng thừa cân. Đồng thời các chuyên gia sẽ giúp tìm ra nguyên nhân gây thừa cân và tư vấn về chế độ dùng thuốc, chế độ ăn kết hợp với các biện pháp tập luyện. Việc có được cân nặng như mong muốn không phải là quá khó, nhưng để duy trì được cân nặng ổn định lâu dài thì cần sự kiên trì và khổ luyện, không thể trông chờ vào các biện pháp giảm cân cấp tốc được quảng cáo rầm rộ trên mạng.