Theo Kế hoạch của UBND TP Hà Nội, chiến dịch tiêm vaccine phòng sởi-rubella trên địa bàn được chia làm 2 đợt: Đợt 1 tổ chức tiêm tại trường học đóng trên địa bàn từ ngày 26/11 đến 2/12/2018; đợt 2 tổ chức tiêm tại các trạm y tế cho trẻ không đi học sống trên địa bàn và tiêm vét cho trẻ đi học chưa được tiêm (do tạm miễn hoãn trong đợt 1) từ ngày 3/12 đến 9/12/2018.
Thực hiện kế hoạch này, ngành y tế đã phối hợp với ngành giáo dục đẩy mạnh công tác tuyên truyền trực tiếp tại các trường học để các bậc phụ huynh hiểu và cho con em tham gia tiêm chủng đẩy đủ; các quận, huyện cũng tuyên truyền sâu rộng, rà soát vận động nhân dân đưa con em tham gia tiêm chủng; tăng cường công tác thanh kiểm tra, giám sát và quy trách nhiệm cho cán bộ phụ trách cụ thể để công tác tiêm chủng đạt hiệu quả cao; chuẩn bị bố trí bàn khám, sàng lọc... nhằm đảm bảo công tác an toàn tiêm chủng.
Tuy nhiên, trong đợt tiêm chủng vừa qua vẫn còn một số phụ huynh chưa cho con tham gia tiêm phòng do lo ngại về tính an toàn của vaccine. Tính đến thời điểm tổng kết giai đoạn 1 tiêm bổ sung vaccine, tỷ lệ tiêm toàn TP mới chỉ đạt trên 50%. Trong khi đó, mục tiêu Hà Nội phấn đấu là kết thúc chiến dịch đạt trên 95% trẻ từ 1 đến 5 tuổi được tiêm chủng bổ sung vaccine sởi - rubella trên quy mô xã, phường để công tác phòng chống dịch bệnh đạt hiệu quả cao. Ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội cho biết: Mặc dù tỷ lệ tiêm chủng vaccine sởi- rubella trên toàn quốc cũng như tại Hà Nội trong các năm gần đây đạt cao. Tuy nhiên, theo các chuyên gia nếu tỷ lệ tiêm chủng đạt trên 95% quy mô xã, phường thì công tác phòng bệnh mới đạt hiệu quả tại cộng đồng, còn có nơi trên 95% hoặc có nơi dưới 90% vì vẫn có vùng “lõm” (vùng có tỷ lệ tiêm chủng thấp) có nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Khi số lượng này đủ lớn, trong điều kiện virus sởi lưu hành có thể gây dịch. Việc duy trì tỷ lệ tiêm 2 mũi vaccine sởi ở trẻ dưới 2 tuổi đạt 95% là yếu tố cơ bản để loại trừ bệnh sởi.
Việc phòng bệnh có vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa một số bệnh truyền nhiễm đối với sức khỏe con người. Việc tiêm vaccine không chỉ phòng bệnh cho chính bản thân mỗi người mà còn tạo miễn dịch phòng bệnh cho cả cộng đồng giúp cho cộng đồng tránh được các dịch bệnh truyền nhiễm có vaccine phòng bệnh. “Tiêm chủng vaccine phòng bệnh là cần thiết và là yêu cầu bắt buộc đối với trẻ em và phụ nữ có thai để đảm bảo những thế hệ trẻ em sinh ra được khỏe mạnh và phát triển tốt. Đưa trẻ đi tiêm chủng không chỉ là quyền lợi của trẻ mà còn là trách nhiệm của cha mẹ đã được Luật quy định”, ông Khổng Minh Tuấn nhấn mạnh.
Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội khẳng định: Vaccine sởi-rubella là vaccine an toàn. Nếu đảm bảo tỷ lệ bao phủ trên 95% trẻ được tiêm vaccine trên quy mô xã, phường, thị trấn thì sẽ không có dịch sởi xảy ra.