Trước khi con tàu dần trở nên mục nát, một công ty viễn dương đang chuẩn bị cho một chuyến thám hiểm tới địa điểm xác tàu, để tiếp tục nghiên cứu tình trạng xuống cấp của con tàu. Các chuyên gia hy vọng sẽ tìm hiểu thêm thông tin về con tàu cũng như hệ sinh thái dưới đáy đại dương được hình thành quanh vị trí xác tàu đắm.
“Đại dương đang ăn mòn con tàu Titanic năm xưa, vì vậy chúng tôi cần ghi lại tất cả mọi thứ trước khi nó biến mất hoặc bị biến dạng hoàn toàn”, ông Stockton Rush, Chủ tịch công ty OceanGate Expeditions, cho biết.
Con tàu 109 tuổi này đang bị các dòng chảy dưới đáy biển và vi khuẩn ăn mòn hàng trăm kg sắt mỗi ngày. Một số nhà khoa học đã dự đoán rằng rất có thể Titanic sẽ biến mất trong vài thập kỷ nữa khi các lỗ thủng trên phần thân và các bộ phận của con tàu bị phân huỷ.
Kể từ khi con tàu được tìm thấy vào năm 1985, cột buồm phía trước vốn có chiều dài 30 m đã bị sập. Phần boong tàu – nơi hầu hết các hành khách đang tập trung khi con tàu có dấu hiệu bị chìm, cũng đã bị gập cong biến dạng.
Nơi từng phòng tập thể dục gần cầu thang lớn trên thân tàu cũng đã bị sụp đổ. Vào năm 2019, một đoàn thám hiểm đã xác định chiếc bồn tắm của thuyền trưởng – vốn được tìm thấy sau khi bức tường bên ngoài cabin của thuyền trưởng bị đổ sập – đã biến mất.
“Phần mũi tàu Titanic, vốn là biểu tượng của con tàu, cũng đã bị vỡ vụn hoàn toàn”, ông Rush cho biết.
Tàu Titanic rời cảng Southampton vào ngày 10/4 năm 1912. Ảnh: AP |
Việc lập đồ thị diễn biến quá trình phân hủy của con tàu Titanic được cho là có thể sẽ giúp các nhà khoa học dễ dàng dự đoán được số phận của các con tàu đắm khác, bao gồm cả những xác tàu bị chìm trong các cuộc chiến tranh.
Công ty OceanGate cũng lên kế hoạch tìm hiểu hệ sinh thái dưới biển nơi con tàu Titanic bị đắm, chẳng hạn như các loài cua hay san hô xung quanh đó. Ông Rush cho biết rằng có hàng trăm loài sinh vật biển lần đầu được xác định ở quanh xác tàu.
Một mục đích khác của cuộc thám hiểm đó là tìm kiếm những mảnh vỡ và các đồ tạo tác của con tàu. David Concannon, một cố vấn của OceanGate, người đã tham gia vào nhiều chuyến thám hiểm về con tàu Titanic, cho biết anh đã từng lần theo dấu vết “những mảnh vỡ và các vật dụng cá nhân như giày và hành lý” bị trôi ra xa vị trí của con tàu suốt 2 km.
Bill Sauder, một nhà sử học nghiên cứu về con tàu Titanic, người trước đây đã quản lý công trình nghiên cứu cho công ty sở hữu quyền trục vớt con tàu, cho biết ông không tin rằng chuyến thám hiểm sẽ khám phá ra “điều gì đó đặc biệt và sẽ trở thành tin tức nổi bật trên trang nhất”.
Nhưng ông chắc chắn rằng chuyến thám hiểm sẽ giúp thế giới hiểu thêm về quá trình bị ăn mòn của xác tàu và bí ẩn đằng sau những mảnh vỡ được tìm thấy.
OceanGate cam kết sẽ không lấy bất cứ thứ gì từ vị trí nơi con tàu bị đắm, giúp cho cuộc thám hiểm này ít bị phản đối hơn so với kế hoạch hiện đang được thực hiện của một công ty khác khi họ muốn tìm đài phát thanh của Titanic và đem về.
RMS Titanic, công ty sở hữu quyền trục vớt xác tàu, muốn trưng bày thiết bị radio vì nó chứa các cuộc gọi cứu nạn từ con tàu Titanic. Nhưng đề xuất này đã gây ra rất nhiều tranh cãi và dẫn đến một cuộc kiện tục hồi năm ngoái giữa công ty này với chính phủ Mỹ.
Theo chính phủ Mỹ, kế hoạch của đoàn thám hiểm thuộc công ty RMS Titanic đã vi phạm luật liên bang, cũng như thỏa thuận giữa Mỹ và Anh nhằm giữ nguyên hiện trạng con tàu, tránh làm nó bị xáo trộn vì đây được xem như "nơi chôn cất" thi thể những người đã thiệt mạng trên chuyến đi định mệnh năm ấy.
Khoảng 700 trong số khoảng 2.200 hành khách và thủy thủ đoàn được xác nhận đã thiệt mạng sau khi con tàu Titanic va phải một tảng băng trôi vào năm 1912.
Cuộc chiến pháp lý giữa công ty RMS Titanic với chính phủ Mỹ sau đó đã kết thúc khi công ty này ra quyết đình trì hoãn vô thời hạn các kế hoạch của mình do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Năm 2003, Ed Kamuda, khi đó là chủ tịch của Hiệp hội lịch sử con tàu Titanic, cho rằng hoạt động của con người, bao gồm cả du lịch và thám hiểm, cần phải được hạn chế. Ông cho biết địa điểm này nên là một đài tưởng niệm của ngành hàng hải, nó nên được giữ nguyên trạng và tránh phải chịu những tác động từ bên ngoài.
“Hãy để thiên nhiên lấy đi những gì thuộc về nó”, ông Kamuda nhấn mạnh. “Sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi con tàu Titanic năm nào trở thành một vệt màu nâu và một bộ sưu tập gang thép dưới đáy đại dương”.