Theo Viện nghiên cứu Các bệnh truyền nhiễm Quốc gia (NIID) của Nhật Bản, trong tuần từ ngày 23-29/10, nước này ghi nhận 188 ca trẻ sinh ra mắc bệnh giang mai, đưa tổng số trẻ thuộc diện này từ đầu năm đến nay lên 12.434 trẻ. Đây là tốc độ tăng nhanh nhất trong 24 năm kể từ khi dữ liệu được thu thập vào năm 1999.
Trước đó, ngày 7/11, giới chức y tế Mỹ cũng công bố số liệu đáng lo ngại khi số trẻ sơ sinh sinh ra mắc bệnh giang mai ở nước này đã tăng gấp 10 lần trong 10 năm qua. Báo cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết trong năm ngoái, nước này ghi nhận hơn 3.700 trường hợp trẻ sơ sinh mắc bệnh giang mai - tăng gấp 10 lần so với năm 2012.
Trẻ sinh ra đã mắc bệnh giang mai là do người mẹ mắc bệnh giang mai truyền vi khuẩn gây bệnh cho con trong quá trình mang thai. Bệnh này, lây truyền chủ yếu qua quan hệ tình dục. Ở phụ nữ mang thai, bệnh giang mai có thể dẫn đến sảy thai, tử vong ở trẻ sơ sinh hoặc gây ra các biến chứng lâu dài cho trẻ, chẳng hạn như mất thị lực, thính lực và dị tật xương. Mặc dù vậy, 90% số ca bệnh này có thể được ngăn ngừa thông qua biện pháp xét nghiệm và điều trị kịp thời trong thai kỳ. Bệnh giang mai có thể được chữa khỏi hoàn toàn nếu điều trị thích hợp ở giai đoạn đầu.
Các chuyên gia y tế khuyến nghị phụ nữ mắc bệnh giang mai cần điều trị dứt điểm trước khi mang thai để tránh lây sang con của mình.