Thủ tướng Fumio Kishida nhấn mạnh việc triển khai các chính sách liên quan trẻ em ở quy mô "chưa từng có" là một trong những vấn đề cấp bách nhất trong chương trình nghị sự trong nhiệm kỳ của ông. Số trẻ sinh ra ở Nhật Bản trong năm 2022 đã giảm xuống mức thấp kỷ lục mới trong năm thứ 7 liên tiếp. Đây cũng là lần đầu tiên con số này giảm xuống dưới mức 800.000 trẻ kể từ khi các số liệu thống kê bắt đầu được lưu trữ vào năm 1899.
Trong dự thảo chính sách mới nhất, chính phủ của Thủ tướng Kishida đã cam kết sẽ tăng tiền hỗ trợ cho các bậc làm cha mẹ trong thời gian nghỉ phép để chăm sóc con cái. Đây được xem là một nỗ lực rõ rệt nhằm tạo điều kiện cho các lao động là nam giới tập trung vào việc nuôi dạy con cái.
Tại Nhật Bản, có 85,1% số phụ nữ nghỉ thai sản trong tài khóa 2021 (kết thúc vào tháng 3/2022), nhưng tỷ lệ này ở nam giới chỉ là 13,97%.
Thủ tướng Kishida cho biết sẽ đưa ra một khuôn khổ chung nhằm "tăng gấp đôi" ngân sách liên quan đến trẻ em vào tháng 6 tới, trong bối cảnh dư luận lo ngại rằng chính phủ sẽ tăng thuế quy mô lớn để bù đắp cho khoản chi này.
Chi tiêu công của Nhật Bản liên quan đến hỗ trợ gia đình ở mức khoảng 10.000 tỷ yen (75 tỷ USD) trong tài khóa 2020, chiếm 2,01% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm này. Điều này cho thấy Nhật Bản đã tụt hậu so với các nền kinh tế phát triển ở châu Âu.
Theo dữ liệu về tài khóa 2018 do Viện nghiên cứu An sinh xã hội và Dân số quốc gia ở Tokyo công bố, Thụy Điển đã chi 3,46%, Anh 2,98% và Pháp 2,81% GDP của mỗi nước này cho vấn đề chăm sóc trẻ em.
Chính phủ sẽ thành lập một hội đồng mới do Thủ tướng Kishida đứng đầu để thảo luận các vấn đề về chính sách trẻ em, do ông đã cam kết thực hiện các biện pháp cần thiết để cho phép 85% lao động nam có con được nghỉ thai sản vào tài khóa 2030.