Tại phiên chất vấn của kỳ họp thứ 17, HĐND TPHCM khoá IX, Trung tướng Lê Đông Phong, Giám đốc Công an TPHCM cho biết, tội phạm xâm hại trẻ em trong năm 2019 tăng cao hơn hẳn so với năm trước. Lực lượng Công an cũng đã triển khai nhiều giải pháp để ngăn chặn nhưng vai trò của cha mẹ, người chăm sóc là rất quan trọng, theo VOV.
Theo Trung tướng Lê Đông Phong, số vụ xâm hại trẻ em năm nay tăng 35 vụ so với năm 2018. Trong đó, tại khu vực vắng ở ngoại thành xảy ra 13 vụ; tại khách sạn, nhà trọ, phòng khám tư… 67 vụ; khu công cộng như chung cư, công viên, bãi giữ xe 18 vụ (trong đó có 15 vụ các cháu đi một mình). Kết quả xử lý nhiều vụ hơn hẳn năm 2018, đã khởi tố 52 vụ, 44 bị can.
Giám đốc Công an TPHCM cũng cho hay, nguyên nhân dẫn tới vấn đề trên là do trong cộng đồng còn sơ hở. Dù Luật Trẻ em có quy định hành vi bỏ rơi, bỏ mặc là hành vi nghiêm cấm; nhiều nước quy định trẻ em bao nhiêu tuổi phải có người lớn đi kèm nhưng điều này ở nước ta vẫn chưa được quan tâm đúng mức.
Trung tướng Lê Đông Phong cho rằng, vấn đề quy định trách nhiệm của cha mẹ, người chăm sóc cụ thể là giải pháp căn cơ để bảo vệ các cháu khỏi sự xâm phạm của các đối tượng có hành vi xấu. Giáo dục kỹ năng tự vệ tự phòng cho các cháu là rất cần thiết.
Theo dự thảo báo cáo đoàn giám sát Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, từ năm 2015-2018 và 6 tháng đầu năm 2019, toàn quốc có 8.091 trẻ em bị xâm hại, gồm 1.059 nam và 7.032 nữ. Trong đó, có 6.432 trẻ bị xâm hại tình dục; 91 trẻ em bị giết; 666 trẻ bị cố ý gây thương tích; 144 trẻ bị mua bán, bắt cóc, chiếm đoạt...
Theo Chính phủ, 63/63 tỉnh, TP trên cả nước đều xảy ra tình trạng xâm hại trẻ em. Một số địa phương xảy ra những vụ việc gây bức xúc trong dư luận xã hội như Bà Rịa-Vũng Tàu, TP.HCM, Bắc Giang, Vĩnh Long, Hòa Bình, Nghệ An, Hà Nội. Các hành vi xâm hại trẻ em xảy ra tại cộng đồng, nhà trường và trong chính gia đình của trẻ em.
“Điển hình như vụ xâm hại 7 trẻ em ở Trường Tiểu học Vĩnh Phú Đông (Phước Long, Bạc Liêu), vụ xâm hại 13 trẻ ở Trường Tiểu học - THCS Tam Lập (Phú Giáo, Bình Dương). Đặc biệt, gần đây có vụ hàng loạt học sinh từ 12-14 tuổi Trường dân tộc nội trú THCS Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ bị thầy hiệu trưởng xâm hại tình dục…” - báo cáo nêu rõ.
Để hạn chế tình trạng trên, Chính phủ cho rằng cần tiếp tục hoàn thiện và thực hiện đồng bộ quy trình tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi xâm hại trẻ em và can thiệp kịp thời các vụ việc trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục.
“Ưu tiên giải quyết, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ xâm hại trẻ em, rà soát, xử lý dứt điểm các vụ việc xâm hại trẻ em đang tồn đọng, chưa xử lý kịp thời. Bảo đảm thực hiện quyền trẻ em trong quá trình tố tụng…” - Chính phủ nêu giải pháp.
Cạnh đó, cần tăng nguồn lực cho công tác bảo vệ trẻ em bao gồm bố trí người làm công tác bảo vệ trẻ em, bố trí ngân sách địa phương để thiết lập, triển khai các hoạt động cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em.
Đặc biệt là thành lập nhóm thường trực bảo vệ trẻ em cấp xã để triển khai có hiệu quả quy trình hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em bị xâm hại theo quy định của Nghị định 56/2017 của Chính phủ, theo báo Pháp luật TP HCM.