Ngày 28/10, thông tin từ UBND thành phố Hà Nội cho biết: Để đảm bảo nguồn nước sạch từ Nhà máy nước Sông Đà, ngoài các giải pháp khác nhau, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chỉ đạo Sở Y tế Hà Nội xét nghiệm liên tục, hằng ngày các mẫu nước tại nhiều địa điểm, để báo cáo lãnh đạo và công bố rộng rãi cho nhân dân biết.
Kết quả xét nghiệm mẫu nước hằng ngày của Sở Y tế Hà Nội trong một tuần qua cho thấy, hiện nay nguồn nước sạch cung cấp cho người dân đã đảm bảo an toàn, theo TTXVN.
Gần đây nhất, ngày 27/10, Sở Y tế Hà Nội chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội lấy mẫu nước tại các vị trí theo hệ thống cung cấp và phối hợp Viện Công nghệ Môi trường (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) tiến hành phân tích mẫu nước.
Trong các ngày tiếp theo, Sở Y tế sẽ tiếp tục chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội trực tiếp lấy mẫu nước; phối hợp Viện Công nghệ Môi trường (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế) lấy mẫu nước của Nhà máy nước Sông Đà và các hộ dân để phân tích đánh giá chất lượng nước sinh hoạt.
"Nhiều người nghĩ rằng, nước an toàn hay không là trách nhiệm của ngành y tế. Nhưng ngành y tế có sản xuất được nước đâu. Quy định của pháp luật rất rõ, nơi sản xuất và cung cấp nước phải chịu trách nhiệm.
Hà Nội công bố nước sông Đà đã an toàn, tức là nước đầu nguồn đã sạch. Tuy nhiên, đến cuối nguồn phụ thuộc vào thau rửa. Người dân vẫn cần phải thau rửa bể để nước về đến nhà mình đảm bảo vệ sinh. Trước đây thành phố công bố sự cố do Styren gây ra, đến nay về mặt khoa học, người dân có thể yên tâm sử dụng nước vì mọi thứ cơ bản đã được giải quyết. Chúng tôi căn cứ vào kết quả xét nghiệm hằng ngày, liên tục từ 14/10 đến nay, các chỉ số đều nằm trong giới hạn cho phép. Báo cáo của nhà máy cũng cho thấy họ đã thuê đơn vị xử lý ô nhiễm dầu thải và khắc phục được sự cố. Còn nói an toàn tuyệt đối thì không thể vì không có cái gì an toàn tuyệt đối cả", ông Cảm nói.